(28/06/2019) Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì ở Bát Xát năm 2019
Lễ hội Khô già già (lễ cầu mùa, cầu mưa) của người Hà Nhì Đen huyện Bát Xát đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ngày 19/12/2014, thuộc loại hình Lễ hội truyền thống. Lễ hội năm nay được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 7 các thôn bản người Hà Nhì tại các xã: Nậm Pung; Trịnh Tường, A Lù và xã Y Tý, huyện Bát Xát.
 Đây là lễ hội cầu mùa lâu đời và lớn nhất của người Hà Nhì Đen, được tổ chức từ ngày Thìn (ngày con rồng) đến ngày Thân (ngày con khỉ) của tháng 6 âm lịch hàng năm. Năm 2019, các ngày trên rơi vào thứ Bảy ngày 6 đến thứ Hai ngày 8 tháng 7. Lễ hội là sự thể hiện niềm tin đặc biệt vào các vị thần linh trong tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp của cộng đồng người Hà Nhì. Lễ hội thể hiện niềm mong cầu về một mùa vụ bội thu, chăn nuôi phát triển, con người khỏe mạnh, cuộc sống ấm no. Ngoài ra, lễ hội còn là dịp để con cháu tìm về với tổ tiên, với ông bà, cha mẹ và cũng là dịp các thành viên trong cộng đồng giao lưu, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng.

Làn ở đầu Khu rừng cấm nằm ở cuối bản, nơi diễn ra các nghi lễ tín ngưỡng đặc biệt quan trong của người Hà Nhì
 Mở đầu của lễ hội Khô già già là nghi lễ lợp lại mái lán thờ, mổ trâu hiến tế cho thần linh tại khu rừng công viên “à gơ la do” nằm ở cuối bản, sau đó chia thịt trâu cho các gia đình trong thôn mang về làm lễ cúng tổ tiên, cầu mong tổ tiên bảo vệ gia đình, bảo vệ con cháu trong cả năm. Sau nghi lễ mổ trâu ngày con rồng “lò no”, đến ngày con rắn “sê no” dân bản cử người lên rừng chặt gỗ làm đu quay “a gúy” và lấy dây rừng làm đu dây “a gừ”.

Thầy cúng trong Lễ Khô già già của người Hà Nhì
Đến ngày con ngựa “mò no”, hai ông thầy cúng “gạ ma guy” cùng đại diện các gia đình trong thôn chuẩn bị mâm lễ mang ra lán thờ để cùng làm lễ tế thần nông nghiệp, quy định chỉ những gia đình “sạch” mới được tham dự. Vị trí làm lễ là cột đu “a gúy” và đu dây “a gừ”, mục đích của nghi lễ này nhằm cầu mong thần nông nghiệp, thần nước phù trợ, ban cho mưa thuận gió hòa, ban cho người dân có được một mùa vàng bội thu. Đồng thời, nghi lễ này cũng là nhằm cầu mong thần linh bảo vệ cho tất cả mọi người đến dự lễ hội, tham gia vào các trò chơi được an toàn. Sau lễ cúng tại các cột đu “a gúy”, “a gừ”, các mâm cúng của dân bản được mang vào khu lán thờ để cùng nhau ăn uống, những người trẻ tuổi sẽ mời rượu và làm lễ xin tuổi của người già, đây là một tập tục đã có từ lâu. Nó vừa mang yếu tố kính trọng người già của người trẻ, chúc sức thọ cho người gia và cầu mong người già ban cho phúc lộc. Sau đó, dân bản được tự do vui chơi trong suốt 3 ngày. Đây cũng là nghi lễ duy nhất phụ nữ được đến tham dự, nam nữ thanh niên được tự do tìm hiểu nhau.

Mọi người cùng nhau ăn uống trong Lễ khô già già là một tập tục đã có từ lâu đời
Sau lễ hội Khô già già, các gia đình trong thôn cùng kiêng trong 3 ngày, không chặt cậy, cắt cỏ, băm chặt... ai vi phạm sẽ bị phạt theo quy ước thôn. Có thể nói, lễ hội Khô già già hàm chứa các lớp tín ngưỡng, văn hóa sâu sắc, được trao truyền từ đời này qua đời khác. Đến với lễ hội, du khách được tham quan, trải nghiệm, khám phá văn hóa độc đáo của người Hà Nhì Đen, chiêm ngưỡng những ngôi nhà trình tường độc đáo, những bộ trang phục đầy sắc màu và hòa mình vào không gian của lễ hội.

Phụ nữ người Hà Nhì giã bánh dày
Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì đen hàm chứa các lớp tín ngưỡng, văn hóa sâu sắc, được trao truyền từ đời này qua đời khác, gắn kết các gia đình, thành viên trong cộng đồng dân tộc Hà Nhì đen ở vùng cao Bát Xát. Hiện nay, Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì đen đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn được du khách tới tham quan, trải nghiệm.
Hãy tới Bát Xát dịp này để cùng chúng tôi trải nghiệm Lễ hội Khô già già - một tín ngưỡng văn hóa dân gian độc đáo còn được người Hà Nhì ở Bát Xát lưu giữ nguyên vẹn. Để biết thêm chi tiết vui lòng liên hệ: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai, số 02 đường Fansipan, thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, Lào Cai. Hoặc qua fanpage: facebookl.com/visit.laocai; website: dulichlaocai.vn ; laocaitourism.vn. Điện thoại: 2014 387 1975
Bùi Hà (tư liệu và ảnh: Phòng Văn hóa huyện Bát Xát)
  • (19/6/2019) Cùng trải nghiệm sự kiện “VÓ NGỰA TRÊN MÂY” lần đầu tiên tại Sa Pa (06/19/2019)
  • (17/05/2019) Trải nghiệm hái mận tại vườn trong Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà 2019 sự kiện mùa hè "Vó ngựa Cao nguyên trắng" (05/17/2019)
  • (16/5/2019) Bắc Hà sẵn sàng khai hội Festival Cao nguyên trắng 2019 sự kiện mùa hè "Vó ngựa cao nguyên trắng" (05/16/2019)
  • Trải nghiệm hái mận tại Lễ hội mận Bắc Hà 2019 (05/16/2019)
  • Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà 2019 (05/15/2019)
  • (27/04/2019) Mùa nước đổ ở Bát Xát – những ô màu trên hành trình du lịch Lào Cai (04/27/2019)
  • (27/04/2019) Gạo Séng Cù Mường Khương đặc sản miền đất Tây Bắc (04/27/2019)
  • Đậm tình cao nguyên trắng với vòng xòe Đêm hội xuân Bắc Hà 2019 (02/19/2019)
  • Thời trang và văn hóa cùng quảng bá cho du lịch tại ĐÊM HỘI XUÂN BẮC HÀ 2019 (02/19/2019)
  • (19/2/2019) Mãn nhãn với những hình ảnh trong Đêm hội Xuân Bắc Hà năm 2019 (02/19/2019)
  • (15/2/2019) Thường trực Tỉnh Ủy làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (02/15/2019)
  • (13/2/2019) Ngày hội Xuân Cao nguyên trắng Bắc Hà 2019 sẽ diễn ra với nhiều hoạt động ấn tượng, hấp dẫn (02/13/2019)
  • (23/1/2019) Các địa điểm bắn pháo hoa tại Lào Cai tết Kỷ Hợi 2019 (01/23/2019)
  • (23/1/2019) Tuyến phố đi bộ tại thành phố Lào Cai (01/23/2019)
  • (23/1/2019) Chợ hoa xuân thành phố Lào Cai 2019 (01/23/2019)
  • THÔNG TIN LIÊN HỆ
    CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
    Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
    Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
    Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

    Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
    Sốđiện thoại: 02143.669898;

    Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn