ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI DAO VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Ứng xử của một tộc người với môi trường tự nhiên có ảnh hưởng rất quan trọng đến phát triển bền vững. Vấn đề này càng quan trọng hơn khi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ ở địa bàn các dân tộc cư trú. Trong những năm gần đây, Lào Cai cũng như một số tỉnh Tây Bắc bị lũ quét, lũ ống liên tiếp xảy ra nhất là ở vùng người Dao.
Trong 20 năm qua, chỉ riêng vùng người Dao huyện Bát Xát, Bắc Hà và Sa Pa đã có hơn 40 trận lũ quét, núi lở xảy ra nghiêm trọng. Gần đây nhất, rạng sáng ngày 31/8/2012 tại 2 thôn người Dao ở Nậm Cang, Nạm Lù xã Nậm Lúc huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai đã xảy ra lũ quét làm 10 người chết, cuốn trôi 12 ngôi nhà của người dân. Vì sao cùng cư trú trên một địa bàn nhưng chỉ có các thôn người Dao vị lũ quét? để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi nghiên cứu đặc điểm ứng xử truyền thông và hiện tại của người Dao với môi trường tự nhiên. Từ kết quả nghiên cứu, dưới góc nhìn nhân học sinh thái đề xuất những khuyến nghị về phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
            1. Nghiên cứu về ứng xử với môi trường của người Dao hiện nay còn ít có công trình đề cập đến. Ngay ở Trung Quốc, quốc gia có nhiều người Dao nhất, có rất nhiều công trình Dao học nhưng nghiên cứu về ứng xử của người Dao với môi trường tự nhiên[1] chỉ có một số ít sách chuyên khảo. Năm 2000, trong tác phẩm “Con người và rừng rậm – đốt nương làm rẫy dưới con mắt nhân học sinh thái”, Dương Thiệu Đình có giới thiệu sơ lược về canh tác của người Hmông, Dao. Năm 2002, công trình “Nghiên cứu y dược dân tộc Dao Hồ Nam” của tác giả Lưu Dục Hoàng được xuất bản. Đây là chuyên luận nghiên cứu tri thức bản địa về dược học và chữa bệnh của người Dao khá công phu, đề cập nhiều đến ứng xử với bệnh tật trong truyền thống người Dao. Năm 2008, công trình “Sự chuyển dịch mưu sinh và sự thay đổi văn hóa ở các thôn xóm người Dao” của tác giả Trần Hồng Tăng được xuất bản có tìm hiểu các biến đổi ứng xử người Dao với môi trường.
            Ở Việt Nam, nghiên cứu về người Dao trước năm 1945 được một số học giả chú ý. Trong đó nổi bật là các tác phẩm của A.Boonifacy (1904, 1905, 1906, 1907…) viết về các ngành Dao dưới dạng “dân tộc chí”. Sau năm 1975, việc nghiên cứu về người Dao ở Việt Nam ít được các nhà khoa học nước ngoài chú ý. Nghiên cứu về người Dao với môi trường ở Việt nam hầu như chưa có tác giả nước ngoài viết. Một số nhà khoa học Việt Nam bước đầu đề cập đến những vẫn đề này như Trần Hồng Hạnh (2002), Trần Văn Hà (2007), Tô Xuân Phúc (2006, 2007), Nguyễn Trường Giang (2011), Trần Hữu Sơn (2010, 2011)… Các công trình trên có đề cập một số vấn đề về nhân học sinh thái của người Dao với môi trường tự nhiên…Tuy nhiên, những vấn đề cơ bản trong ứng xử người Dao với đất và nước ít được đề cập sâu, chưa có công trình nào gắn việc nghiên cứu đặc điểm ứng xử với môi trường tự nhiên với việc khắc phục thiên tai, định hướng phát triển bền vững.
            2. Hiện tượng hầu hết các trận lũ quét, lũ ống trong thập kỷ qua chủ yếu xảy ra ở vùng người Dao là hiện tượng đặc biệt. Lý giải vấn đề này cần tìm hiểu về ứng xử của người Dao với môi trường rừng, nước trong truyền thống và hiện tại. Đặc điểm ứng xử này phản ánh đậm nét ở phương cách chọn nơi cư trú, làm nhà, lập thôn làng…đến các phương thức sử dụng, quản lý tài nguyên rừng, nước…
            Địa bàn cư trú là yếu tố phản ánh rõ nét cách ứng xử của người Dao với môi trường rừng và nước. Chọn nơi ở, chọn đất làm nhà, lập làng là nhiệm vụ quan trọng nhất. Các yếu tố chọn nơi cư trú sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, môi trường. Đồng thời cũng chịu sự tác động mạnh mẽ của môi trường tự nhiên. Người Dao có tên tự gọi là “kìm mùn” hay “kiềm miền” đều có nghĩa phiếm chỉ là “người ở rừng”. Tên tộc danh đã phản ánh mối quan hệ người Dao với rừng.
            Địa bàn cư trú của người Dao chủ yếu ở các khe, ngòi. Khi di cư đến Lào Cai, Yên Bái, người Dao đều di cư theo đường sông Hồng ngược lên các con ngòi (chi lưu) của sông Hồng và tiếp tục ngược lên đầu ngọn suối. Ở vùng Yên Bái, người Dao Quần chẹt (Nga Hoàng) ngược sông Hồng cư trú ở thượng nguồn ngòi Lâu, còn người Dao Họ (Dao Quần trắng) lại ngược sông Chảy cư trú ở các xã ven sông thuộc huyện Yên Bình, Lục Yên. Thống kê 21 bản gia phả tiếng Dao gọi là “Chà phìn sâu” hoặc “trụ chông sâu” của người Dao đỏ ở Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn tỉnh Lào Cai, Than Uyên, Sìn Hồ tỉnh Lài Châu, huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái các dòng họ đều từ Quảng Đông, Quảng Tây di cư đến Vân Nam vào Việt Nam từ thượng nguồn các con sông Hồng, sông Chảy, sông Nậm Na…Đồng bào xuôi theo dòng sông, ngược các con ngòi, dòng suối cư trú ở các khe sâu, sườn các núi cao các tỉnh Tây Bắc. Vì vậy tên các làng người Dao đều mang tên là khe, suối, hồ, ngòi…Trong số 466 làng người Dao cư trú ở Lào Cai hiện nay thì có tới 151 làng có địa danh liên quan đến nguồn nước, như 48 làng có tên “Nậm” (như Nậm Xây, Nậm Bó, Nậm Siu…), 25 làng có tên khe (như Khe Mụ, Khe Chẩu, Khe Quýt, Khe Bốc), 21 làng có tên suối, hồ (như Suối Thầu, Cán Hồ…). Ở huyện Sìn Hồ Lai Châu, trong số 60 làng của người Dao thì có tới 22 làng có địa danh liên quan đến suối, khe, hồ, nước…
            Người Dao Tuyển khi lập làng đều chọn 1 con khe dẫn nước chung của làng. Các gia đình đều ở ven các khe. Mỗi khe là một làng, dù làng đó chỉ có vài ba hộ gia đình như ở thôn Khe Dùng xã Thái Niên huyện Bảo Thắng tỉnh Lào Cai có tới 5 làng nhỏ là Khe Thành, Khe Lộc, Khe Mai, Khe Ma, Khe Ao. Hoặc ở thôn Ẻn xã Trì Quang có 6 làng theo 6 con khe. Mỗi làng đó đều có bộ máy tự quản riêng, có một ngôi miếu thờ thần hoàng làng riêng gọi là “giăng man”.
            Dù cư trú ở những độ cao khác nhau nhưng các ngành Dao đều có đặc điểm chung khi chọn địa bàn cư trú là gần rừng, cận kề nguồn nước.
            Quan niệm người Dao là ở gần rừng nhưng không bao giờ người Dao ở sát các khu rừng. Người Dao thường ở cach các khu rừng khoảng 300 m đến 500 m. Tuy nhiên trong khuôn viên của các làng người Dao đỏ huyện Sa Pa, Bát Xát tỉnh Lào Cao đều có nhiều cây. Mỗi gia đình có 5 đến 7 cây to nhỏ khác nhau. Cây to thường mọc ở ngõ và phía sau nhà, cách nhà khoảng 20m đến 30m. vì vậy, làng người Dao thường mát quanh năm nhưng không ẩm ướt, không có hiện tượng cây bị đổ vào nhà. Nhìn từ xa làng người Dao Đỏ như ẩn mình trong tán rừng. Làng người Dao cũng ở gần các mạch nước, khe suối. Làng ở gần khe suối nhưng những ngôi nhà cổ truyền của người Dao bao giờ cũng cách xa suối 300m đến 500m. Các ngôi nhà dựa lưng vào sườn núi. Hai bên làng đều có núi bao bọc, chở che. Vì vậy, một đặc điểm nổi bật của các làng người Dao đỏ là thường nằm ở vị trí giao nhau của 2 quả núi tạo thành các khe nhỏ. Đồng bào cư trú ở ven khe, có núi chở che, thuận tiện gần nguồn nước, Quan niệm này trở thành kinh nghiệm chọn đất làm nhà:
            “Làm nhà trong khe, hẻm mới giàu
            Đặt mộ trên cao, người người hạnh phúc”
            Như vậy, làng của người Dao đỏ thấp thoáng trong lùm cây, ẩn mình bên khe suối. Làng của người Dao Tuyển, Dao Họ lại dựa lưng vào đồi, trước mặt có dòng suối chảy qua, làng dựa lưng vào sườn núi, sườn đồi. Phía sau và cao hơn làng là rừng xanh. Trước mặt là khe nước, ruộng bậc thang.
            3. Người Dao còn tạo ra cả một hệ thống ứng xử với rừng, nguồn nước hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo vệ cuộc sống, phòng chống thiên tai. Điểm nổi bật trong hệ thống ứng xử với tự nhiên của người Dao là tạo dựng các khu rừng cấm, xây dựng cơ chế thiêng hóa về rừng và nước, có luật tục và chế tài xử phạt nghiêm khâc người vi phạm.
            Trong xã hội nông nghiệp cổ truyền, vấn đề thiêng hóa sự vật hiện tượng luôn có tác dụng định hướng dư luận, quản lý xã hội. Vì vậy, muốn bảo vệ rừng người Dao xây dựng cơ chế thiêng hóa niềm tin về các loại rừng thiêng, rừng cấm. Người Dao phân chia thành các loại rừng khác nhau, định hình các khu rừng riêng biệt với chức năng riêng.
            Rừng thiêng là khu rừng thờ thần làng, tượng trưng cho linh hồn thiêng liêng của làng. Mỗi làng người Dao “giàng” đều có một khu rừng riêng nằm cách xa làng từ nửa km trở lên. Khu rừng thiêng này người Dao Tuyển, Dao Họ, Dao Áo dài gọi là “kiềm giăng”. Khu rừng này khi xưa là rừng nguyên sinh (nay là rừng tái sinh hoặc chỉ còn một vài cây to, lá xanh). Khu rừng thiêng của người Dao đỏ gọi là “puông kiềm” có diện tích khoảng từ 2ha đến 5ha. Khu rừng này cũng ở cách xa làng từ 1km đến 2km. Rừng thiêng là nơi đặt miếu thờ thần làng (người Dao Tuyển gọi là “tạng man”, người Dao Họ gọi là “giăng man”, còn người Dao đỏ gọi là “Tô Tạng Ông” hoặc “Tạng miên”. Đây là vị thần thổ địa cai quản vùng đất này. Miếu thờ có thể dựng thành ngôi miếu nhỏ có mái che (nhóm Dao Tuyển, Dao Họ) nhưng cũng có khi chỉ là ba hòn đá xếp theo hình mái nhà dưới gốc cây to, lá luôn xanh (cây đa, cây si, cây gạo….). Loại cây này phải còn nguyên cành, không có sâu đục thân. Người Dao coi đây là cả một kho tàng huyền thoại về các loài ma. Theo quan niệm của người Dao đỏ ở các khu rừng Bát Xát có tới 6 loài ma; quan niệm người Dao Tuyển ở huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai có tới 11 loài ma rừng với các sự tích huyền bí linh thiêng. Hàng năm làng đều tổ chức cúng rừng thiêng mỗi năm 1 lần vào các ngày Thìn tháng 2 âm lịch hoặc ngày 6/6 (ngày cúng Thần Nông). Lễ cúng này người Dao đỏ gọi là lễ “síp miên”, người Dao Tuyển gọi là “Tịt giàng man”. Ngày cúng thần làng là ngày họp mặt của cả làng. Thầy cúng và trưởng làng tổ chức chủ trì lễ cúng. Thầy cúng mời gọi các vị thần về dự lễ cúng (người Dao Họ mời 9 thần, người Dao Tuyển mời toàn bộ hệ thống các thần được thờ cúng trong miếu gần 100 vị thần gồm các hệ thống các thần thổ địa, các thần thành hoàng làng, Ngọc Hoàng, Bàn Vương, Thiên Lôi). Thầy cúng đọc bài cúng cầu mong thời tiết thuận hòa, người yên, vật thịnh, không xảy ra cháy rừng, thiên tai. Trưởng thôn nhắc lại các quy ước bảo vệ rừng…Các quy ước này được đọc trước sự chứng giám của thần linh, trong không khí khác thường nên càng được thiêng hóa. Các quy ước bảo vệ rừng dường như đều được các vị thần bảo trợ, nghiêm cấm người vi phạm. Thực hiện quy ước, người Dao kiên quyết không vào rừng thiêng, không lấy củi, săn bắn, hái lượm ở rừng thiêng.
            - Rừng cấm đầu nguồn là loại rừng nguyên sinh nằm ở sau làng, phía trên cao. Rừng cấm người Dao đỏ ở làng Tùng Chỉn xã Trịnh Tường huyện Bát Xát gọi là “khoai kềm soong” hoặc “kiềm on” Người Dao đỏ ở Sa Pa tỉnh Lào Cai, Văn Yên tỉnh Yên Bái lại gọi là “kềm cố”. Người Dao Tuyển ở Lào Cai, Yên Bái gọi rừng cấm đầu nguồn nước là “kềm voằm zầu ái ghìn”. Rừng cấm đầu nguồn có đặc điểm chung là rừng có mạch nước dẫn về làng. Khu rừng này có chức năng bảo vệ nguồn nước, bảo vệ làng. Cũng như khu rừng thiêng, khu rừng cấm đầu nguồn thuộc sở hữu của cả cộng đồng làng và được quản lý nghiêm ngặt. Trong khu rừng, người Dao chọn một cây có lá xanh quanh năm, thân xù xì làm cây thiêng đặt miếu đá thờ như ở rừng thiêng. Nhưng khác với rừng thiêng – nơi người Dao thờ thần bản mệnh của làng thì �� rừng cấm đầu nguồn người Dao lại thờ vị thần cai quản cả một vùng (thậm chí cả quốc gia). Các vị thần này người Dao đỏ gọi là “tạy chiêu miên” Khu rừng cấm “kiềm on” là nơi tổ chức nhiều nghi lễ cúng trong năm và theo chu kỳ hàng chục năm. Chủ trì lễ cúng là người thay mặt cộng đồng quản lý rừng “cun kền”. Một năm trước đây người Dao thường cúng vào các dịp ngày tết cổ truyền[2]. Ở nhiều làng người Dao đỏ còn giữ được cuốn sách cổ gọi là “khoai kền sâu” hướng dẫn các nghi lễ cúng rừng, các phép thuật, nghi thức bảo vệ rừng. Trong đó có nhiều nghi lễ mở cửa rừng, khai mạch nước, làm phép cầu mong cho rừng có nhiều cây to xanh tốt. Sách còn hướng dẫn cách bảo vệ cây non, bảo vệ hoa rừng, làm phép cho rừng phát triển nhanh.
            Trong nghi thức cúng một năm người Dao đỏ có lễ “khoi kìn” vào ngày 2/2. Đây là lễ mở cửa rừng. Trong nghi lễ có nhiều trò diễn mời thần linh về dự, bảo vệ rừng. Đặc biệt thầy cúng còn diễn xướng, phát rừng, trồng rừng, té nước bốn phương cầu mong rừng xanh tốt. Sau nghi lễ khai rừng “khoi kn” người dân trong làng được vào rừng 7 ngày khai gỗ, các lâm thổ sản khác theo quy ước của cộng đồng. Một năm khu rừng cấm chỉ mở cửa rừng trong 7 ngày, còn những ngày thường không ai được vào rừng cấm. Người Dao ở làng Ngải Chồ xã Dền Sáng còn có nghi lễ “phủng vân” – là lễ tiễn dịch, tiễn bỏ tất cả các loại ma làm hại, các tai nạn thường xảy ra ở rừng, các hành vi ứng xử xấu với rừng…Trong lễ “phủng vân” các thày cúng diễn xướng gọi tất cả các loại ma xấu, các vụ xâm hại rừng đến dự lễ tiễn ma. Sau khi dùng kiếm phép dồn các ma xấu phá hoại rừng vào chiếc thuyền bằng bẹ chuối cả làng đánh trống, thổi kèn, đánh chiêng xua tà ma ra khỏi làng và thả thuyền chứa ma xấu xuống suối với niềm tin các loại ma xấu xa phá hoại rừng sẽ xuống sông xuống bể không quay lại.
            Ở vùng người Dao đỏ huyện Bát Xát và Sa Pa tỉnh Lào Cai theo chu kỳ 50 năm người Dao tổ chức lễ cúng “chià on” tạ ơn thần rừng. Toàn bộ nghi lễ cúng này như một ngày hội, có nhiều cảnh diễn, trò diễn khác nhau trong đó có các trò diễn tả lại nghi lễ trồng rừng với sự tham gia của các thày phụ lễ và các thanh niên trai tráng. Họ trồng 12 cây thành vòng tròn biểu tượng cho rừng mới. ở đây diễn ra các nghi lễ tưới cây, trồng cây, phát cỏ, chăm sóc cây, gánh phân gia súc bón cho cây. Trong lễ cúng cũng có màn diễn xướng diễn tả sinh hoạt khai thác rừng của người Dao như cảnh đi săn bắn, hái lượm, bắt cá suối…Phần cuối của lễ “chìa on” là các nghi lễ, trò diễn mô tả cảnh đóng cửa rừng. Trong đó có các cảnh viết sớ cầu mong thần linh bảo vệ rừng. Đặc biệt trong các nghi lễ có 3 lễ đón thần “lìn chiều” là vị thần cai quản rừng xuống dự lễ, làm mưa tắm rừng, đi ngựa xem rừng, dâng hoa quả các sản vật của rừng cho thần. Đồ dâng cúng cúng thần “lìn chiều” phải là các món thịt chuột, thịt sóc, thịt chim, hoa rừng…Trong buổi lễ có các màn diễn xướng diễn tả cây rừng được trồng ra sao, đơm hoa kết trái thế nào và làm bùa phép bảo vệ rừng.
            Như vậy, người Dao đã dùng nhiều hình thức thiêng hóa rừng. Trước hết là chọn 2 khu rừng: rừng thiêng, rừng cấm để bảo vệ nghiêm ngặt. Nhằm bảo vệ rừng người Dao cũng sáng tạo ra cả một hệ thống thần linh (cả hệ thống ma ác) trú ngụ ở trong rừng. Các vị thần linh đã tăng thêm sức mạnh huyền bí cùng với các câu chuyện cổ mang tính chất răn đe kẻ xúc phạm đến thần rừng và ý thức bảo vệ rừng đã làm tăng chất thiêng của rừng. Nhưng chất thiêng đó còn được thăng hoa bằng những nghi lễ, trò diễn mà cả cộng đồng đều tham gia với ý niệm bảo vệ rừng. Thông qua các nghi lễ cầu cúng bảo vệ rừng hàng năm thì cả cộng đồng đều thực hành niềm tin vào thần rừng. Các nghi lễ như những bài học nhắc nhở cộng đồng về các hành động trồng rừng, bảo vệ rừng, chống nạn khai thác rừng bừa bãi, phá hoại rừng…
Cơ chế bảo vệ rừng của cộng đồng người Dao còn được phản ánh đậm nét ở việc xây dựng quy ước và bộ máy quản lý rừng. Mỗi một làng người Dao đều có quy ước riêng về bảo vệ rừng theo đặc thù của từng làng. Nhưng nhìn chung nội dung quy ước đều hướng đến việc tổ chức bảo vệ rừng, xử phạt những hành vi vi phạm. Quy ước quy định rõ rừng thiêng phải nghiêm ngặt bảo vệ, mỗi năm chỉ được phép vào rừng trong lễ cúng thần bảo vệ làng “giăng man”. Đối với rừng cấm, rừng già nguyên sinh ở đầu nguồn mỗi năm làng chỉ mở cửa rừng một lần (có thời hạn 3 ngày, hoặc 7 ngày). Chỉ trong những ngày mở cửa rừng này người dân mới được vào rừng lấy gỗ, lấy củi, hái nấm, hái rau…Còn những ngày khác ai vào rừng khai thác đều bị làng phạt. Ở thôn Pờ Sìn Ngài xã Trung Chải huyện Sa Pa quy định ai vi phạm chặt 1 cây vầu phạt 30 bát gạo, 30 bát rượu, 30 kg lợn cho làng tổ chức lễ cúng rừng năm sau. Ai lấy măng non cũng phạt 30 bát gạo, 30 bát rượu. Quy ước của thôn Dền Sáng xã Dền Sáng huyện Bát Xát quy định ai thả rông gia súc vào rừng cấm, rừng thiêng thì người quản lý rừng có quyền bắt giữ con vật đó để làm lễ cúng rừng. Ở làng Tùng Chỉn xã Trịnh Tường huyện Bát Xát lại quy định ai chặt 1 cây trong rừng đầu nguồn phải nộp 1 con gà, 1 chai rượu làm lễ tạ lỗi thần rừng ngay tại miếu của thần. Ai vi phạm làm cháy rừng của cộng đồng người đó phải huy động cả dòng họ trồng lại rừng.
Những quy ước bảo vệ rừng của người Dao dựa trên cơ sở tập quán pháp truyền miệng, đồng thời còn dựa trên yêu cầu cụ thể của từng làng. Những quy ước này tác động đến mọi thành viên của làng dù anh ta là chức dịch hay dân thường, dù anh ta là người của dòng họ này hay dòng họ khác…Quy ước của làng đã tạo ra sự cưỡng chế của cả cộng đồng với mọi thành viên trong làng. Đặc biệt khi thông qua quy ước trong lễ cúng rừng dầu năm thì mọi thành viên đều được dân chủ bàn bạc, thống nhất nội dung quy ước. Quy ước lại được thông qua trong nghi lễ cúng thần, có sự chứng dám của thần linh nên có sức mạnh của cả thần linh. Quy ước thực sự được thiêng hóa. Do đó, sự cưỡng chế của quy ước càng trở thành sức mạnh khiến không ai không dám chấp hành. Quy ước trở thành một sợi dây vô hình nhưng lại bền chặt cố kết mọi thành viên trong làng thực hiện việc bảo vệ rừng. Sức mạnh của quy ước, sức mạnh của sự thiêng hóa quy định bảo vệ rừng lại càng tăng cường thông qua dư luận cộng đồng. Dư luận cộng đồng làng là công cụ của cả cộng đồng nhằm bảo vệ tập quán pháp và quy ước về rừng. Nhất là ở các làng người Dao ở vùng cao môi trường giao tiếp bị khuôn chặt trong các mối quan hệ giữa người làng với nhau thì dư luận của làng càng đóng vai trò nổi trội. Dư luận làng tác động đến ý thức của từng thành viên, chi phối ý chí cá nhân, điều chỉnh nó phù hợp với các quy ước, chuẩn mực bảo vệ rừng. Dư luận làng còn góp phần cổ v��, khích lệ các thành viên chấp hành quy ước, đồng thời dư luận còn có tác dụng răn đe, ngăn ngừa những người có hành động vi phạm quy ước. Dư luận làng càng được thiêng hóa bằng các chuyện kể, các huyền thoại huyền bí về lực lượng siêu nhiên trừng phạt những kẻ vi phạm quy ước bảo vệ rừng. Nó có tác dụng bùng nổ nhanh, bao vây chặt các đối tượng vi phạm. Sức mạnh của dư luận làng càng được tăng cường khi được thiêng hóa, khi được những người tạo nguồn dư luận lại là những người có uy tín trong làng như già làng, trưởng làng, trưởng họ…
Mỗi một làng của người Dao Tuyển, Dao Nga Hoàng đều có 2 người làm nhiệm vụ quản lý rừng. Ở vùng người Dao đỏ lực lượng bảo vệ rừng được tăng cường nhiều hơn. Khảo sát làng Tùng Chỉn 1 ở xã Trịnh Tường huyện Bát Xát chúng tôi thấy dù làng chỉ có 20 hộ gia đình nhưng có tới 2 người bảo vệ rừng. Trong đó có ông “cun kền” phải là người thuộc dòng họ đầu tiên lập ra làng, có uy tín, đức độ. Chức vụ này thường cha truyền con nối. Giúp việc cho ông “cun kền” có từ 1 đến 2 người phụ việc thuộc các dòng họ khác. Ở xã Dền Sáng, xã Nậm Pung huyện Bát Xát, xã Bản Phùng huyện Sa Pa có 4 người quản lý rừng. Trong đó chỉ có ông “cun kền” theo chế độ cha truyền con nối không phải bầu còn 3 người khác đều do cộng đồng bầu trong lễ “khoi kìn” hàng năm. Những người bảo vệ rừng có nhiệm vụ quản lý rừng, xử phạt những hành vi vi phạm bảo vệ rừng theo quy ước của làng. Dù không được chế độ “bồi dưỡng” nhưng những người bảo vệ rừng trong xã hội truyền thống của người Dao đều rất tận tụy với công việc và coi bảo vệ rừng cũng là hành động được các lực lượng siêu nhiên phù hộ.
Như vậy, các thành viên trong làng người Dao không chỉ chịu sự điều hành, hướng dẫn của bộ máy bảo vệ rừng mà còn bị giám sát chặt chẽ của hệ thống tập quán pháp, quy ước thông qua dư luận làng. Bộ máy quản lý rừng của làng quản lý các thành viên bằng các mệnh lệnh xử phạt nghiêm khắc. Còn tập quán pháp, quy ước lại là lực lượng chủ yếu để cưỡng chế thành viên bằng dư luận. Đó chính là cơ chế quản lý, bảo vệ rừng của làng người Dao cổ truyền.
4. Người Dao còn xây dựng một hệ thống ứng xử mềm với việc khai thác tài nguyên rừng và nguồn nước nhằm đáp ứng nhu cầu sinh kế. Trong canh tác người Dao đã sáng tạo ra phương pháp “hưu canh” hiệu quả với việc canh tác nương rẫy. Mỗi gia đình người Dao đều có 5 đến 7 mảnh nương khác nhau. Người Dao lần lượt canh tác từng mảnh nương theo một chu kỳ 3 năm lại bỏ hóa và canh tác tiếp mảnh nương khác. Mảnh nương bỏ hóa vẫn thuộc quyền sở hữu của gia đình người Dao nhưng thông thường đồng bào bỏ hóa khoảng 10 năm. Sau khi đất bỏ hóa được phục hồi (nhờ cây rừng tái sinh), người Dao lại tiếp tục canh tác. Nhờ có kỹ thuật “hưu canh” nên người Dao luân canh chứ không phải du cư như người Mông. Người Dao còn có hệ thống ứng xử thích hợp trong việc lựa chọn, bố trí cây trồng phù hợp với từng loại đất. Loại đất tốt “đau chụn” là loại đất khai thác trên nương năm đầu người Dao ưu tiên trồng các loại cây lương thực, thực phẩm chính (lúa, đậu, bầu, bí, khoai…). Năm thứ hai, thứ ba đất xấu “đau chẻ” người Dao lại trồng ngô, trồng sắn sau đó bỏ hóa. Ở nhiều vùng người Dao Tuyển huyện Bảo Thắng tỉnh Lào Cai, người Dao đỏ huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái người Dao đã xây dựng được hệ thống ứng xử với từng loại địa hình khác nhau. Trên đỉnh núi và sườn núi người Dao trồng rừng tái sinh và bảo vệ rừng nguyên sinh nhằm phòng hộ giữ nước. ở các sườn núi có độ dốc trên 25 độ người Dao tỉa rừng trồng quế dưới tán rừng. Rừng quế hạn chế dòng chảy của nước, bảo vệ đất không bị sói mòn. Ở chân các dãy núi và sườn đồi thấp độ dốc dưới 25 độ người Dao mới tra lúa nương và trồng sắn. Ở khe núi ven suối thuận nguồn nước người Dao khai khẩn ruộng bậc thang. Điển hình là khu ruộng bậc thang kỳ vĩ 121 bậc ở làng Vù Lùng Sung của dòng họ ông Lù Quẩy Vàng. Người Dao có nhiều tri thức bản địa trong việc chống xói mòn, rửa trôi đất và duy trì độ màu mỡ của đất. Bên cạnh kỹ thuật luân canh và hưu canh tạo cho đất nghỉ, người Dao còn tiến hành kỹ thuật trồng xen canh. Ở nương ngô khi cây ngô đã bén rễ , người Dao trồng bí xanh, bí đỏ, mướp, đậu đũa. Đến khi thu hoạch ngô người Dao lại trồng các loại rau cải, bầu, cà ghém…Ở nương lúa, người Dao trồng quanh lán nương một số cây gia vị như hành, tỏi…Ở hai bên lối đi vào nương người Dao còn trồng nghệ, gừng, giềng…Ở những khu đất ẩm người Dao trồng xen canh khoai sọ. Ở những nơi nương dốc người Dao còn trồng các cây ăn quả quanh nương như chuối, đu đủ, cam, đào, mận…Các kiến thức gieo trồng, ứng xử phù hợp với thời tiết khí hậu của người Dao đã được đúc kết trong hệ thống tục ngữ, lời răn dạy và đặc biệt là cuốn sách “thung sâu”. Trong cuốn sách này người Dao đã tổng kết những ngày mưa, nắng, sâu bệnh, gió bão ảnh hưởng đến mùa màng giúp cho người Dao lựa chọn ngày, tháng, thời vụ gieo trồng từng loại cây phù hợp. Ví dụ: ngày gieo trồng nương thì tránh những ngày vướng sâu, khô hạn…
Người Dao ứng xử với nguồn nước cũng mang tính thích ứng, mềm dẻo. Người Dao lựa chọn mỗi một kiểu địa hình khác nhau có hình thức khai thác và sử dụng nguồn nước khác nhau. Khi khai thác ruộng bậc thang người Dao xây dựng cả một hệ thống dẫn nước (nổi và chìm) phù hợp với từng loại hình địa hình, có hệ thống mở cửa thoát nước, dẫn nước thích hợp. Đặc biệt người Dao có cách dẫn nước vào ruộng bậc thang khá độc đáo. Dù cho dẫn nước bằng hình thức nào, cách làm nào thì nguyên tắc cơ bản và chủ yếu nhất trong việc dẫn nước vào ruộng của người Dao vẫn là đưa nước vào bậc thang cao nhất rồi tháo tràn từ ruộng cao xuống ruộng thấp. Từ khi cày bừa đến khi lúa uốn câu, ruộng phải liên tục có nước. Khi lúa vào mẩy, uốn câu, họ tháo sạch nước trong ruộng để cho lúa chín nhanh, ruộng khô, dễ thu hoạch. Khi muốn tiêu nước, họ đắp đất ngăn ở phía đầu nương cho nước không vào ruộng nước; đồng thời tháo nước cho tràn hết khỏi các triền ruộng xuống suối.
Việc chia nước vào ruộng phụ thuộc vào không chỉ ở yếu tố địa hình, mức độ dồi dào của nguồn nước mà còn ở quy mô số ruộng canh tác và tập quán cũng như cách ứng xử của con người. Người Dao ở Sa Pa có cách chia nước vào ruộng khác nhau ở hai vùng sinh thái điển hình.
Việc chia nước vào ruộng của người Dao ở các xã Trung Chải, Tả Phìn Bản Khoang (thuộc vùng sinh thái đai núi trung bình) được thực hiện theo 2 cách áp dụng với 2 kiểu ruộng khác nhau. Với những thửa ruộng mới khai phá, họ lấy ống bương làm cửa dẫn nước từ mương vào thửa ruộng cao nhất rồi tháo tràn nước từ thửa ruộng đó xuống các thửa ruộng thấp hơn. Với loại ruộng đã canh tác lâu năm, họ làm cửa lấy nước bằng đất ngay tại bờ ruộng. Để điều tiết nước cho từng thửa ruộng, họ thay đổi độ to nhỏ, cao thấp của cửa lấy nước. Những thửa ruộng có bờ vững chắc, người ta tháo nước qua cửa bằng đất được mở ngay trên bờ ruộng. Ruộng nhỏ mở một cửa, ruộng lớn mở từ 2 đến 3 cửa. Các loại cửa lấy nước được tính toán độ to nhỏ sao cho lượng nước trong ruộng vừa đủ, không để tràn bờ nhưng cũng không để thiếu nước. Các cửa mở ở ruộng cũng mở theo hình dích dắc nhằm tránh vỡ bờ trôi đất.
Người Dao ở các xã Tả Van, Thanh Kim, Bản Phùng, Thanh Phú, Bản Hồ, Nậm Sài, Nậm Cang (thuộc vùng sinh thái đai núi thấp) lại áp dụng hai cách chia nước khác. Một là, điều tiết độ to nhỏ, cao thấp của cửa lấy nước. Hai là, phân chia quay vòng theo thời gian, mỗi hộ được vài ngày để lấy toàn bộ số nước chảy trong mương máng vào ruộng của gia đình mình. Hộ này lấy xong đến hộ khác, cứ thế quay vòng cho đến hết mùa vụ. Với cách chia nước này, đôi khi cũng xảy ra tình trạng tranh chấp giữa các hộ dùng chung nguồn nước. Gặp trường hợp ấy, trưởng làng là người đứng ra giải quyết bằng cách kiểm tra thực trạng rồi tìm cách hòa giải, điều chỉnh. Những trường hợp vi phạm nhiều lần trưởng làng sẽ phải triệu  tập một cuộc họp toàn thể làng để phán xét.
Đối với nguồn nước mạch, người Dao không sử dụng trực tiếp mà phải dẫn nguồn nước ra ngoài, chảy qua hệ thống mương. Nhiều nơi không xử lý được, người ta phải sử dụng giống lúa địa phương lấy ở khu có nước mạch để thích hợp với điều kiện sinh thái.
Xác định được tầm quan trọng của nước đối với cây lúa nên nước ở ruộng luôn được đặt trong một chế độ hợp lý. Kinh nghiệm dẫn nước và tiêu thoát nước của họ cho thấy nước ở ruộng nào cũng ở mức từ 15 đến 20 cm là tốt nhất. Chỉ khi nào chuẩn bị thu hoạch thì mới tháo cạn nước để mặt ruộng khô cứng lại cho dễ gặt và thuận tiện trong khâu vận chuyển.
Bên cạnh việc giữ nước, người Dao cũng quan tâm đến việc chống xói mòn đất màu, nhất là ở những nơi có độ dốc lớn như Trung Chải, Bản Khoang. Biện pháp phổ biến là việc tính toán mực nước cần thiết trữ ở ruộng rồi mới đặt đường chia nước cho nước chảy đi. Theo cách làm này, giữa các bờ ruộng ở điểm cao cách mặt ruộng khoảng từ 5 đến 7 cm người ta khoét một lỗ nhỏ và đặt vào đó một ống vầu có đường kính khoảng từ 3 đến 4 cm để thông nước và đặt cao cách mặt ruộng khoảng 3 đốt ngón tay. Điều này có tác dụng tích cực trong việc giữ màu, chống xói mòn đất.
Phương thức ứng xử với rừng và nguồn nước còn mang tính chất hệ thống. Không chỉ bảo vệ nghiêm ngặt rừng đầu nguồn, tạo ra cơ chế thiêng hóa mà người Dao còn tạo ra các tiểu hệ thống ứng xử với đất, với nước, với rừng mang tính chất thích ứng chứ không đối chọi. Đặc biệt như phần trên đã phân tích, người Dao cũng tạo ra các hệ thống lựa chọn phân loại đất và sử dụng công cụ làm đất phù hợp, bố trí cây trồng thích hợp với từng loại đất, xây dựng hệ thống chống xói mòn, rửa trôi và duy trì độ màu mỡ của đất, ứng xử cả trong việc lựa chọn và xử lý giống cây trồng phù hợp với từng loại địa hình…Mỗi một tiểu hệ thống đều có các ứng xử mang tính chất thích nghi, thích ứng chứ không mang tính chất “đối chọi”, khai thác kiệt cùng.
            5. ứng xử của người Dao với môi trường tự nhiên hiện nay đã biến đổi:
            Từ cải cách dân chủ ( năm 1959) đến nay ứng xử của người Dao với môi trường tự nhiên đã biến đổi theo nhiều thời kỳ khác nhau. Suốt một thời gian dài từ thập kỷ 60, 70 đến cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX ở vùng người Dao Tây Bắc đã diễn ra cuộc vận động bài trừ mê tín dị đoan. Do quan niệm ấu trĩ nên chính quyền ở một số xã người Dao đã cấm các thày cúng hành nghề, một số sách cổ đã bị đốt. Một số thày cúng bị chính quyền cơ sở bắt đi học các lớp cải tạo mo then tập trung. Các lễ cúng rừng được cho là mê tín dị đoan nên các làng người Dao ở dọc sông Chảy và sông Hồng của tỉnh Lào Cai, Yên Bái đều bài xích, thậm chí nghiêm cấm tổ chức lễ cúng rừng. Phỏng vấn hồi cố người già ở các thôn Làng Ẻn xã Trì Quang, Nậm Xiu xã Bản Phiệt, Làng Sủn xã Bản Phiệt huyện Bảo Thắng, Bản Trang xã Điện Quang, Mai Đào và Vài Siêu xã Thượng Hà chúng tôi nhận thấy chính quyền cơ sở ở đây những năm 70, 80 của thế kỷ XX đều cấm lễ cúng rừng cấm. Đầu những năm 80 chính quyền các xã Cốc Ly, Nậm Đét ở huyện Bắc Hà cũng nghiêm cấm các nghi lễ cúng rừng cấm của người Dao. Ở hầu hết các xã đông người Dao cư trú của huyện Bảo Yên, Bảo Thắng của tỉnh Lào Cai nghi lễ cúng rừng thiêng bị bãi bỏ dẫn đến tình trạng các khu rừng thiêng bị giải thiêng và mất thiêng. Đồng thời ở vùng biên giới Việt Trung như ở các huyện Mường Khương, Bát Xát tỉnh Lào Cai, huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu do chiến tranh biên giới tàn phá nên các khu rừng cấm, rừng thiêng bị xâm hại. Mặt khác do sắp xếp lại dân cư, nhiều tộc người khác đến cư trú ở vùng người Dao tự do khai thác rừng làm nương rẫy cũng là nguyên nhân tàn phá cả rừng thiêng, rừng cấm. Rừng thiêng bị giải thiêng nên hầu hết các làng người Dao ở khu vực biên giới đều không còn khu rừng cấm, rừng thiêng. Do mật độ dân số tăng nhanh (cả về tăng tự nhiên và cơ học do người Kinh ở dưới xuôi lên khai hoang) nên diện tích rừng ở các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng tỉnh Lào Cai, Văn Yên tỉnh Yên Bái đều bị suy giảm nghiêm trọng. Hầu hết các làng người Dao Tuyển, Dao Họ dọc theo sông Hồng và sông Chảy của tỉnh Lào Cai và Yên Bái đều không còn rừng cấm, rừng thiêng. Trong số 97 làng người Dao ở huyện Bảo Yên thì chỉ có 3 làng còn rừng cấm ở khu rừng tái sinh. Còn 94 làng không còn rừng. Dân làng phải tổ chức miếu thờ ở một vài cây lúp xúp, lơ thơ cách làng vài trăm mét. Trước đây các miếu thờ ở rừng thiêng và rừng cấm đều tổ chức ở các cánh rừng già. Theo quan niệm của người Dao chỉ có rừng nguyên sinh có nhiều cây to cổ thụ mới là địa điểm được ch��n làm rừng cấm, rừng thiêng. Nhưng hiện nay hầu hết rừng cấm, rừng thiêng của người Dao đỏ chỉ được tổ chức ở khu rừng tái sinh, thậm chí ở bãi đất trống không có rừng. Điều tra 20 làng người Dao đỏ ở 2 huyện Sa Pa và Bát Xát thì có 6 làng còn rừng cấm là rừng già, 7 làng không còn rừng già nên rừng cấm, miếu thờ phải dựng ở rừng tái sinh. Còn 7 làng như các làng Ngải Chồ xã Dền Sáng huyện Bát Xát, Làng Chành xã Xuân Giao huyện Bảo Thắng, làng Phìn Hồ xã Bản Khoang huyện Sa Pa…không còn rừng già để tổ chức lễ cúng rừng nên người dân phải tổ chức ở khu vực đất trống đầu làng. Điều tra làng Tùng Chỉn 1 – một làng bị lũ quét cuốn trôi 31 người năm 2008 chúng tôi nhận thấy sự biến đổi nhanh chóng về cách ứng xử của người Dao với môi trường. Vào những thập kỷ 60 của thế kỷ XX trở về trước diện tích rừng già của thôn Tùng Chỉn khá lớn, ước tính 900ha. Cuối thế kỷ XX làng Tùng Chỉn tách thành 3 thôn nhưng diện tích rừng già chỉ còn khoảng 120 ha. Phong tục thờ cúng ở rừng thiêng, rừng cấm chỉ còn làng Tùng Chỉn 2 duy trì, còn làng Tùng Chỉn 1 và Tùng Chỉn 3 phong tục này đã biến mất từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Diện tích rừng của người Dao Tùng Chỉn bị suy giảm do nhiều nguyên nhân. Trước hết là do cơ chế thiêng hóa rừng cấm, rừng thiêng bị mất (2 làng Tùng Chỉn 1, Tùng Chỉn 2 không có rừng cấm). Những năm của thập kỷ 70, 80 của thế kỷ XX việc làm nương phát triển mạnh dẫn đến tình trạng cháy rừng nghiêm trọng như vụ cháy toàn bộ khu rừng núi Ông Rãy, núi Đông Gíe. Mặt khác, do thay đổi cơ chế quản lý rừng của thế kỷ trước quyền sở hữu về rừng của cộng đồng chuyển sang hợp tác xã, sau này do UBND xã quản lý dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”. Người dân quan niệm đó là rừng Nhà nước nên không có nghĩa vụ bảo vệ. Những quan niệm đó cùng với sự ràng buộc của cơ chế thiêng hóa rừng không còn nên tín ngưỡng rừng thiêng ở làng Tùng Chỉn 1 không còn. Trước đây người Dao ở Tùng Chỉn còn duy trì được chế độ “hưu canh” và luân canh theo chu kỳ 10 năm. Nhưng hiện nay do sức ép của dân số gia tăng, số nương của các gia đình phải chia cho con cái nhiều vì thế chế độ “hưu canh” đã rút ngắn chỉ còn 4 đến 5 năm, thậm chí có gia đình chỉ “hưu canh” được 3 năm. Đỉnh núi Thả Bồng San trước đây là khu rừng nguyên sinh đầu nguồn cần bảo vệ nhưng hiện nay người Dao ở Tùng Chỉn đã khai thác triệt để nơi đây để trồng thảo quả. Diện tích 50 ha rừng thảo quả của người Dao Tùng Chỉn chủ yếu được khai thác trên rừng già, rừng nguyên sinh. Diện tích rừng già, rừng đầu nguồn đã bị thu hẹp nhưng ngay cả chất lượng rừng già, rừng đầu nguồn cũng bị suy kiệt đa dạng sinh học vì trồng thảo quả. Trong kỹ thuật canh tác thảo quả người Dao chỉ để lại các cây cổ thụ tầng cao có tán che, còn toàn bộ các cây ở tầng giữa và tầng thấp đều chặt trụi để trồng thảo quả. Do đó các khu rừng đầu nguồn đã suy giảm tác dụng phòng hộ, ít có khả năng ngăn cản lũ, trữ lượng nước mưa. Đây là nguyên nhân chủ yếu đã dẫn đến vụ lũ quét thảm khốc. Đêm ngày 9/8/2008, một trận lũ quét khủng khiếp đã quét sạch 19 ngôi nhà của người dân Tùng Chỉn 1 khiến cho 24 người bị chết và mất tích. Từ  năm 2009 đến nay thôn Tùng Chỉn liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng nghiêm trọng. Mùa khô năm 2009 Tùng Chỉn xảy ra 2 vụ cháy rừng thiêu rụi 4 ha thảo quả và 1 ha rừng tự nhiên. Tháng 4/2012 cũng xảy ra liên tiếp 2 vụ cháy rừng gây thiệt hại 2 ha ở khu rừng tái sinh.
            Cũng như ở Tùng Chỉn, hầu hết các thôn người Dao bị lũ quét đều do bị mất rừng cấm, rừng thiêng bảo vệ làng. Như phần trên đã phân tích mỗi một làng người Dao đều lựa chọn các khu rừng phía sau và trên làng làm rừng thiêng, rừng cấm. Các khu rừng này có các nguồn nước dẫn về làng, ở phía trên cao, bảo vệ làng. Khi các cánh rừng này bị tàn phá không có thảm thực vật ngăn giữ nước vì vậy những trận mưa lớn vài trăm milimet xảy ra kéo dài thì lũ ống, lũ quét cũng đổ ập xuống các làng người Dao. Rừng đầu nguồn, rừng cấm, rừng thiêng – những tấm áo giáp bảo vệ làng bị con người xé toang thì thiên tai cũng đổ xuống đầu dân làng. Một nguyên nhân quan trọng khác là các làng người Dao trong xã hội cổ truyền trước đây tuy cư trú ở ven suối, ven khe nhưng đồng bào không bao giờ làm nhà gần suối. Các hộ gia đình đều dựng nhà cách xa dòng suối vài trăm mét đến nửa cây số. Nhưng hiện nay do mật độ dân số tăng cao, các gia đình người Dao trong làng có xu hướng làm nhà sát ven suối. Điển hình như thôn Nậm Xiu xã bản Phiệt huyện Bảo Thắng năm 1922 mới chỉ có 5 hộ dân, đến cuối năm 1979 có 24 hộ, đến năm 2012 đã phát triển lên 78 hộ. Trước đây người Nậm Xiu ở cách suối 300m thì những năm đầu thế kỷ XXI họ làm nhà lan theo ven suối dẫn đến tình trạng nước lũ liên tiếp cuốn trôi người dân của Nậm Xiu. Từ năm 2000 đến nay người dân làng Nậm Xiu 4 lần bị lũ lụt đe dọa. Trận lũ tháng 8/2000 đã tàn phá đến 70% số hộ trong thôn.
            6. Người Dao ở Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu trong 30 năm qua liên tiếp bị thiên tai đe dọa. Chỉ tính riêng 2 huyện Bát Xát và Sa Pa từ năm 1971 đến nay đã có 43 trận lở núi, lũ quét xảy ra, trong đó có nhiều vụ sạt lở, lũ quét nghiêm trọng giết chết nhiều người. Điển hình như năm 1998 thôn Pờ Sìn Ngài xã Trung Chải huyện Sa Pa bị lở núi và lũ quét chết 8 người. Ngày 15 – 17/7/2000 mưa lớn gây ra lũ quét ở các thôn người Dao ở 6 xã Bản Hồ, Sử Pán, Thanh Kim, Bản Phùng, Thanh Phú, Suối Thầu thuộc huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai làm 20 người chết, 25 người bị thương. Năm 2004, làng Sùng Hoảng xã Phìn Ngan xảy ra lở núi chết 23 người. Gần đây nhất, rạng sáng ngày 31/8/2012 tại 2 thôn người Dao Nậm Chăng, Nậm Lù xã Nậm Lúc huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai đã xảy ra lũ quét làm 10 người chết, cuốn trôi 12 ngôi nhà của người dân.
Trước thực trạng này, nhìn nhận dưới góc độ nhân học sinh thái chúng tôi thấy cần phải thực hiện một loạt các giải pháp quan trọng và cấp bách:
- Trước hết, người Dao cần trở lại với truyền thống ứng xử hài hòa với môi trường tự nhiên. Trong đặc điểm cư trú truyền thống người Dao cư trú ở ven khe, ven suối nhưng không bao giờ ở gần khe, suối. Mặt khác, thời kỳ đó còn có rừng cấm, rừng thiêng tạo thành bức thành ngăn mưa lũ tràn về làng. Còn hiện nay, rừng đã bị tàn phá, lũ quét càng hung hãn hơn. Vì vậy, cần phải khảo sát các làng người Dao để di chuyển các hộ người Dao cư trú gần khe, suối, gần những nơi có nguy cơ bị lũ quét lên địa điểm cao hơn. Kinh nghiệm này đã được áp dụng ở làng Nậm Xiu xã bản Phiệt huyện Bảo Thắng. Sau trận lũ quét năm 2000, làng Nậm Xiu đã di chuyển 30 hộ người Dao gần suối lên điểm cao nên đã tránh được cơn lũ lịch sử năm 2008. Một đặc điểm cư trú khác của người Dao là ở gần rừng nhưng coi các rừng phía trên làng, phía nguồn nước là thần hộ mệnh của cả làng, người Dao trước đây không bao giờ phá rừng đầu nguồn. Cả cơ chế thiêng hóa rừng và hệ thống quy ước, tập quán pháp của các làng đã góp phần bảo vệ rừng. Truyền thống này cần được phát huy.
- Hiện nay diện tích rừng nguyên sinh, rừng già ở các tỉnh Tây Bắc có xu hướng suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng. Hầu hết các huyện vùng thấp của tỉnh Lào Cai, Yên Bái không còn diện tích rừng già nguyên sinh. Trong khi đó diện tích rừng già còn bị thu hẹp và suy giảm chất lượng vì phong trào trồng thảo quả. Nhiều tỉnh coi cây thảo quả là xóa đói giảm nghèo, nhiều gia đình trở thành tỉ phú nhờ thảo quả. Mô hình trồng thảo quả được cả các tỉnh vùng Đông Bắc như Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn học tập. Tuy cây thảo quả có giá trị kinh tế cao nhưng việc canh tác thảo quả cũng làm suy giảm chất lượng rừng nguyên sinh. Nhiều khu rừng già có nhiều tầng lớp cây nhỏ thì nay cũng trở thành thưa thớt vì trồng thảo quả. Trồng thảo quả đe dọa nghiêm trọng đến sự đa dạng sinh học vùng cao. Trồng thảo quả không phải là hướng phát triển bền vững. Vì vậy, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có kế hoạch điều chỉnh quy hoạch trồng thảo quả, nghiêm cấm tình trạng phá rừng nguyên sinh để trồng thảo quả. Ở một số tỉnh Tây bắc hiện nay cũng rộ lên phong trào trồng cây cao su. Nhiều tỉnh cũng xác định trồng cao su là mũi nhọn kinh tế, dẫn đến tình trạng phá cả rừng gỗ lâu năm, phá cả rừng  tái sinh để trồng cao su. Sản phẩm cao su chưa phát triển nhưng hệ lụy của phá rừng đã gây ra nhiều hậu quả thiên tai….
***
Trong xã hội cổ truyền, người Dao vùng Tây bắc đã xác lập thế ứng xử “mềm”, thích ứng với môi trường tự nhiên. Người Dao đã xây dựng cả một hệ thống thích ứng với rừng (thông qua cơ chế thiêng hóa rừng với tập quán pháp bảo vệ rừng, xây dựng các luật tục bảo vệ rừng đầu nguồn bằng các hình thức rừng cấm, rừng thiêng…). Đồng thời người Dao cũng xây dựng các kiểu ứng xử thông qua hệ thống công cụ, kỹ thuật canh tác nương rẫy, khai phá ruộng bậc thang, hệ thống chọn lọc bộ giống xen canh thích hợp với từng loại địa hình, tổng kết tri thức dân gian trong các sách cổ…Nhưng rất tiếc truyền thống ứng xử linh hoạt uyển chuyển và mềm dẻo của người Dao với rừng và nước đã không được phát huy trong thời kỳ chuyển đổi hiện nay. Cơ chế thiêng hóa bảo vệ rừng đã bị giải thiêng do nhiều quan niệm ấu trí tả khuynh. Quan điểm về phát triển bền vững ít được chính quyền cơ sở coi trọng, vận dụng trong thực tiễn, nhiều khi chỉ nhìn thấy nguồn lơi trước mắt mà quên mất lợi ích lâu dài dẫn đến các chủ trương sai lầm về giao đất, giao rừng, về phát động ồ ạt các chiến dịch trồng cây hàng hóa không hiệu quả, không có tác dụng bảo vệ môi trường. Trước thực trạng này càng cần phải đi sâu nghiên cứu và vận dụng các kinh nghiệm ứng xử truyền thống của người Dao vào thực tiễn.
            Từ thực trạng như vậy, nhằm xây dựng chương trình phòng chống thiên tai trước biến đổi của khí hậu, tác giả đề nghị:
            - Tri thức bản địa về thích ứng với môi trường tự nhiên của các dân tộc thiểu số vùng cao là di sản vô cùng quý giá. Vì vậy trong các dự án đề tài nghiên cứu hoặc chương trình, kế hoạch thực hiện về thích ứng với biến đổi khí hậu cần hết sức coi trọng nghiên cứu vận dụng kho tàng di sản quí báu này.
            - Sự thích ứng của người dân trước biến đổi khí hậu chủ yếu phản ánh ở nhận thức, nếp sống, phong tục tập quán và cả cơ chế, chế tài quản lý. Vì thế trong chương trình biến đổi khí hậu của Bộ cần xây dựng các giải pháp đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" có nội dung về thích ứng với biến đổi khí hậu.
            - Ở nước ta biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ, 2 khu vực ven biển và núi cao. Lào Cai có dãy Hoàng Liên với đỉnh Fansipan cao nhất tổ quốc do đó Ban quản lý của Chương trình cần xác định Lào Cai là trọng điểm thực thi các dự án thực thi và ứng phó./.
 
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Viết Chức (2002), Văn hóa ứng xử của người Hà Nội với môi trường thiên nhiên, Viện Văn hóa và NXB Văn hóa – Thông tin Hà Nội
2. Lê Trọng Cúc, A.Terry Rambo (1990), Hệ sinh thái nông nghiệp trung du miền Bắc Việt Nam, Trung tâm Đông Tây
3. Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Nông Trung, Nguyễn Nam Tiến (1971), Người Dao ở Việt Nam, NXB Khoa học xã hội Hà Nội
4. Nguyễn Trường Giang (2011), Quá trình khai thác và canh tác ruộng bậc thang của các tộc người Hmông, Dao ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Luận án tiến sĩ Sử học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
5. Trần Hồng Hạnh (2002), Tri thức địa phương trong sử dụng thuốc nam của người Dao đỏ (qua nghiên cứu ở xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai), Tạp chí Dân tộc học số 5, trang 23 – 38
6. Phạm Quang Hoan – Hùng Đình Quý (chủ biên) (1999), Văn hóa truyền thống của người Dao ở Hà Giang, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội
7. Lưu Dục Hoành (2002), Nghiên cứu y dược dân tộc Dao Hồ Nam, NXB Khoa học Kỹ thuật Hồ Nam
8. Roy Ellen, Peter Parkers, Alan Bicker, Đại học Kent, Canterbury, Anh (2010), Tri thức bản địa về môi trường và những biến đổi, Các quan điểm nhân học phê phán (biên tập), NXB Thế giới, Hà Nội
9. Trần Hữu Sơn (2009), Ứng xử của người Dao Họ (Dao quần trắng) ở Lào Cai với nguồn nước trong “Tri thức bản địa và văn hóa sinh thái của các dân tộc người thiểu số ở Việt Nam về môi trường và bảo vệ môi trường”, NXB Thế giới, Hà Nội
10. Dương Đình Thạc (2004), Nền móng của con người – tài nguyên đất và nước trong cách nhìn nhân học sinh thái, NXB Đại học Vân Nam.
 

[1] Từ năm 1980 đến năm 2008, Hội Dao học Trung Quốc đã thống kê có 155 sách, 97 báo cáo tư liệu và 836 bài báo về kinh tế - xã hội – văn hóa người Dao được công bố nhưng chỉ có 2 cuốn sách của Lục Dục Hoàng (2006) và Trần Hồng Tăng (2008) đề cập đến quan hệ người Dao với môi trường
[2] ngày 1/1 (cúng nhân dịp đầu năm mới), ngày 2/2 (lễ cúng mở cửa rừng), ngày 3/3 (lễ cúng khai rừng, trồng rừng), ngày 6/6 (lễ cúng đóng cửa rừng), ngày 9/9 (Lễ cúng tạ ơn thần rừng).

TS. Trần Hữu Sơn
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn