Phong tục làm nhà mới của người Mông xoa ở Lào Cai
Người Mông ở Lào Cai gồm nhiều ngành Mông khác nhau như Mông đơ (Mông trắng), Mông đu (Mông đen), Mồng lềnh (Mông hoa), Mông pua (Mông trắng), Mông si (Mông đỏ), Mông xoa. Người Mông xoa còn được người Mông trong vùng gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Mông “súa”, Mông “sua”, Mông lai Hán. Người Mông xoa sinh sống tập trung chủ yếu ở các xã vùng biên của huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà. Xã có người Mông xoa sinh sống tập trung đông nhất là xã Lùng Cải huyện Bắc Hà.
Với người Mông xoa, ngôi nhà không chỉ là nơi cư trú của các thành viên trong gia đình mà còn gắn liền với các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng mang đận nét văn hóa truyền thống tộc người; sự phát triển, hưng thịnh của mỗi gia đình. Người Mông xoa gọi nhà là “pi”, còn người Mông hoa gọi là “chấy” để chỉ nơi  ăn ở của con người. Người Mông xoa thường ở trong hai loại nhà chính là kiểu nhà trình tường “chấy tún sằng” và “chấy lẳng nho” hay còn được gọi là kiểu nhà tạm. Ngôi nhà truyền thống của người Mông xoa là nhà ngang trình tường gồm có ba gian, hai trái. Trong đó, gian giữa dùng làm nơi thờ cúng tổ tiên và tiếp khách của gia đình. Đây cũng là gian diễn ra các sự kiện quan trọng của gia đình như bàn bạc cưới xin, tổ chức tang lễ hay các lễ cúng khác. Gian bên phải là nơi làm buồng ngủ của vợ chồng gia chủ, đặt bếp sưởi “kháu chù”. Kế tiếp là gian “séng lầu sư” dùng một phần làm buồng ngủ của con cái trong gia đình và là gian nấu ăn của gia đình. Tại gian này, các gia đình thường đắp một chiếc bếp lò bằng đất phục vụ cho việc nấu rượu, nấu cám lợn và chế biến các món ăn của gia đình. Tuy nhiên, ngày nay đa phần các gia đình đã làm thêm một gian sép ở đầu hồi nhà phía cửa phụ dùng làm nơi nấu ăn của gia đình. Nên một số gia đình thường tận dụng không gian này để đặt cối xay. Những gia đình có nhiều người họ dùng gỗ quây thành buồng ở trên gác dùng làm nơi ngủ những người chưa vợ, chưa chồng. Đây là điểm khác biệt trong cách bố trí không gian sử dụng trong ngôi nhà của người Mông xoa so với các ngành Mông khác.
Khi dựng nhà mới, chọn đất làm nhà là khâu rất quan trọng từ việc chọn vị trí, thế đất lẫn cảnh quan xung quanh. Họ thường chọn những khu vực đất đai nằm ở vị trí thuận lợi, có thế đất tương đối bằng phẳng, đằng sau có điểm tựa, mặt trước thoáng đãng. Sau khi chọn đất xong người Mông xoa có tục bói đất bằng cách họ đào một chiếc hố tròn bằng chiếc bát con sau đó đặt 5 hạt thóc xếp đều ở bốn góc, một hạt xếp ở giữa tạo thành các đường chéo nhau. Mỗi hạt thóc mang một ý nghĩa khác nhau. Hạt thứ nhất mang ý nghĩa tượng trưng cho bếp sưởi của gia đình “ gia khá chu”. Hạt thứ hai tượng trưng cho bàn thờ tổ tiên “gia sình khu”. Hạt thứ ba tượng trưng cho bếp nấu ăn của gia đình “gia khá chà”. Hạt thứ tư tượng trưng cho cửa chính của ngôi nhà “gia khá trúng” và hạt thứ năm tượng trưng cho cây cột cái của ngôi nhà “giằng pằng chế”
Các hạt thóc được đặt đúng vị trí sau đó họ lấy một chiếc bát úp lên trên, đến sáng hôm sau họ mở chiếc bát ra xem nếu thấy 5 hạt thóc không dịch chuyển thì đó là khu đất tốt. Còn nếu ba hạt thóc dịch chuyển chụm với nhau thì phải đi tìm khu đất khác. Sau khi chọn được khu đất tốt, gia đình chọn ngày đẹp, chủ yếu là ngày thìn “giàng nung”, ngày thân “na”, ngày dần “chu” để làm lễ động thổ san nền. Họ kiêng san nền vào ngày con lợn “bua”, ngày mất, ngày sinh của tổ tiên, con cháu trong gia đình. San nền xong gia đình chọn ngày để làm lễ dựng nhà “ chừ sàng sắng”, trong ngày làm lễ gia đình sắm sửa lễ vật để thắp hương báo cáo với tổ tiên xin phép lễ dựng nhà mới. Gia đình lấy một tấm ván gỗ đặt ở vị trí chính giữa của nền nhà làm mâm thờ rồi đặt một chai rượu, hai chiếc chén, giấy tiền và các dụng cụ để làm nhà như: chày giã đất, cưa, búa, đục, bào... Sau đó, chủ nhà mang con gà trống vào quỳ khấn trước bàn thờ để giao gà cho tổ tiên, đồng thời miệng lẩm nhẩm khấn “cầu tổ tiên phù hộ cho gia đình làm được cái nhà tốt, không xảy ra tai nạn rủi ro gì...”. Sau đó gia chủ đem gà cắt tiết và vặt một ít lông cổ nhúng vào bát tiết gắn lên bàn thờ rồi mang làm sạch, luộc chín để cúng lần thứ hai. Làm lễ xong chủ nhà lấy hai chiếc xương gà để xem việc dựng nhà có suôn sẻ không, nếu thấy có điểm xấu báo hiệu họ sẽ chuyển việc dựng nhà sang ngày khác. Còn nếu thấy chân gà tốt gia đình mới tiến hành dựng nhà mới.
Khi dựng nhà mới, người Mông xoa thường trình tường trước sau đó mới dựng bộ khung cột. Trình tường là khâu rất quan trọng bởi vậy gia đình thường mượn những người nhiều kinh nghiệm đến giúp. Nguyên liệu chính để trình tường là đất sét rồi dùng bộ công cụ trình gồm: ván gỗ “ sàng pắng”, quả gỗ tròn để giữ cân cho máng gỗ “ lúng cày”, chày giã bằng gỗ “đầu túa sàng”, giá hót đất “lầu dày chí”. Tường nhà của người Mông xoa thường có độ dầy khoảng 40 cm, chiều cao khoảng 3m. Với người Mông xoa, tường bao giờ cũng được trình từ bên trái trước rồi vòng về bên phải và ngược lại. Sau khi trình tường xong gia đình bắt đầu dựng bộ khung gỗ và ngày dựng khung gỗ cũng là này gia đình làm lễ vào nhà mới.
Lễ vào nhà mới “lù cháng xa nho” được tổ chức vào các ngày tốt trong tháng, họ kiêng ngày con lợn “bua”, ngày mất của tổ tiên, ngày sinh của các thành viên trong gia đình. Trước khi lắp hệ thống cột, vì kèo gia chủ làm lễ lập bàn thờ tổ tiên “sình thanh”, đây là nghi lễ rất quan trọng trong phong tục vào nhà mới của gia đình. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở vị trí gian giữa của ngôi nhà, họ lấy một mảnh ván gỗ đã được gia đình chuẩn bị trước. Gỗ làm bàn thờ họ kiêng lấy gỗ ở cây đổ, cây cụt ngọt, cây chết với ý nghĩa đó là những loại cây không tốt, sau này gia đình làm ăn không gặp may mắn. Ván gỗ được gắn lên vách tường ở gian giữa của ngôi nhà làm bàn thờ tổ tiên của gia đình. Trên ban thờ họ đặt ba ống hương để thắp mỗi khi gia đình tổ chức lễ cúng. Số bát hương trên bàn thờ phục thuộc vào từng dòng họ, có dòng họ đặt 3 bát, có dòng họ đặt 5 bát Sau khi mọi công việc chuẩn bị xong, chủ nhà lấy giấy bản, 1 chai rượu, 2 chiếc chén đặt trên một chiếc mâm gỗ đối diện với bàn thờ tổ tiên rồi châm hương thắp vào các ống hương trên bàn thờ mỗi ống ba nén, một nén cắm ở cột cái, hai nén cắm hai bên cửa. Sau đó chủ nhà ôm con gà đứng quỳ lạy trước bàn thờ để báo cáo với tổ tiên là hôm nay gia đình làm lễ vào nhà mới, cầu mong ma tổ tiên, ma cửa phù hộ gia đình, con cháu làm ăn được thuận lợi may mắn.
Sau khi gia chủ làm lễ đặt bàn thờ xong mọi người mới dựng bộ khung nhà đã được chuẩn bị từ trước. Theo phong tục của người Mông xoa bao giờ họ cũng dựng vì kèo từ bên trái trước rồi mới đến các vì kèo khác. Các vì kèo được cố định với nhau bằng các cây xà ngang, xà dọc rồi họ dùng đá kê các chân cột tạo thành bộ khung vững trãi rồi đưa các cây đòn tay cố định buộc chặt với các vì kèo. Cây xà nóc được đặt sau cùng, người Mông xoa không có kiêng kỵ nhiều khi đặt cây xà nóc thì phần gốc của cây bao giờ cũng đặt quay về hương mặt trời lặn, còn ngọn quay về hướng mặt trời mọc. Các cây đòn tay cũng được đặt cùng chiều với cây xà nóc. Người Mông xoa không có tục treo vải đỏ trên cây xà nóc như một số ngành Mông khác. Trước đây, sau khi buộc các cây đòn tay xong người Mông thường dùng cỏ gianh để lợp mái, còn ngày nay họ lợp bằng ngói prôximăng. Còn các công đoạn khác được gia đình hoàn thiện sau.
Ngày vào nhà mới gia đình thường mời đông đủ anh em, bạn bè trong làng bản về chia vui, chúc phúc cho gia đình dựng được ngôi nhà chắc chắn, làm ăn thuận lợi, may mắn rồi mọi người cùng ăn uống vui vẻ. Ngày nay, phong tục dựng nhà mới vẫn được các thế hệ con cháu người Mông xoa gìn giữ và trân trọng tạo nên nét văn hóa đặc trưng riêng của mình./.
theo vanhoalaocai.vn
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn