Tiềm năng và định hướng phát triển du lịch Bắc Hà trong những năm tới
Bắc Hà là huyện vùng cao, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai khoảng 70 km. Phía Bắc giáp huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương, phía Đông giáp huyện Xín Mần tỉnh Hà Giang, phía Tây giáp huyện Bảo Thắng, phía Nam giáp huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai. Bắc Hà có 20 xã và một thị trấn với 236 thôn bản.
Lễ hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà

Bắc Hà có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên đẹp. Đặc biệt tài nguyên nhân văn vô cùng phong phú với nhiều di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và nền tảng văn hóa dân tộc đặc sắc. Một số  cảnh quan thiên nhiên đẹp ở Bắc Hà như: Hang động trung tâm thị trấn, hang động Tả Văn Chư, Lùng Phình, hang Tiên bên bờ sông Chảy thuộc xã Bảo Nhai - Cốc Ly, hang động Na Lo - Na Hối... Núi Cô Tiên, núi 3 mẹ con ở thị trấn Bắc Hà, rừng già Bản Liền, rừng nguyên sinh xã Tả Van Chư, rừng gỗ nghiến Cốc Ly, rừng chè cổ thụ xã Hoàng Thu Phố, rừng sa mu Lầu Thí Ngài.
Ngoài những tài nguyên thiên nhiên Bắc Hà còn được đánh giá là một trong những huyện của tỉnh Lào Cai có thế mạnh về tài nguyên nhân văn để phát triển du lịch. Hiện nay, có 4 di tích đã được Bộ Văn hoá xếp hạng như: Dinh Hoàng A Tưởng, Đền Bắc Hà, Đền Trung Đô, động Thiên Long. Đặc biệt có một số bản làng là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch như: thôn Tả Van Chư xã Tả Van Chư, thôn Trung Đô xã Bảo Nhai, thôn Bản Phố xã Bản Phố…Đây là những thôn bản còn giữ được kiểu kiến trúc nguyên bản dân tộc vùng cao.
Với 14 dân tộc anh em, Bắc Hà có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú như múa, hát, lễ hội. Có múa Khèn, múa gậy Sinh Tiền của người Mông, múa xòe của người Tày, hát then, hát lượn, hát giao duyên…Lễ hội Gầu Tào (Say Sán) của người Mông, Lễ Pút Tồng (Nhảy lửa) của người Dao Đỏ. Hội Lồng Tồng của người Tày, Lễ hội đua ngựa truyền thống… Tất cả tạo nên những nét phong phú trong tập quán sinh hoạt của người dân Bắc Hà, đây chính là yếu tố hấp dẫn du khách. Nhìn chung, Bắc Hà có nguồn tài nguyên du lịch phong phú đa dạng sẽ mang lại cho du lịch Bắc Hà vẻ độc đáo riêng, hấp dẫn khách du lịch cả trong và ngoài nước.
Với những thế mạnh về tài nguyên du lịch UBND huyện Bắc Hà đã xác định du lịch là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế, nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, gắn phát triển du lịch với chương trình giảm nghèo của địa phương. Huyện đã xây dựng “Dự án quy hoạch phát triển du lịch Bắc Hà giai đoạn 2015 – 2020”. Trong đó đã định hướng chia  huyện Bắc Hà thành  4 vùng du lịch khác nhau.Vùng 1 là khu du lịch trung tâm thị trấn Bắc Hà và các xã Na Hối, Tà Chải. Tập trung vào phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá lễ hội. Tổ chức các hội nghị, hội thảo. Vùng 2 là khu du lịch trung tâm cụm xã Bảo Nhai và các xã Cốc Ly, Hoàng Thu Phố. Tập trung vào phát phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Vùng 3 là khu trung tâm cụm xã Lùng Phình với các xã Tả Van Chư, Lùng Cải. Tập trung vào phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm( Động Thiên Long, rừng già nguyên sinh Tả van Chư)....Vùng 4 là khu du lịch cụm xã Bản Liền với các xã Nậm Khánh, Nậm Đét. Tập trung vào phát phát triển du lịch cộng đồng ( tại thôn Nậm Tồn  - Xã Nậm Khánh ; thôn Phương Mị xã Bản Liền), Du lịch sinh thái - văn hoá ( Chợ Bản Liền; nhà sàn người Tày xã Bản Liền; nghề làm bạc của người Dao tuyển Nậm Khánh ; lễ hội nhảy Lửa của người Dao đỏ xã Nậm Đét ...).
Đồng thời phát triển thêm một số tuyến du lịch như:
Bắc Hà - Tà Chải - Na Hối - Bản Phố – Hoàng Thu Phố.
Bắc Hà - Lùng Phình - Tả Van Chư - Hoàng Thu Phố - Cốc Ly.
Bắc Hà - Na Hối - Phéc Bủng - Cốc Ly - Hồ thủy điện.
Bắc Hà - Lùng Phình - Cán cấu (Si ma Cai).
Bắc Hà - Cốc Ly - Bản Mế (Si Ma Cai).
Ngoài các tuyến trên còn phát triển thêm một số điểm du lịch như du thuyền lòng hồ Thủy điện Cốc Ly, khám phá động Thiên Long xã Tả Van Chư.
Với quan điểm biến di sản thành sản phẩm du lịch đồng thời giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc, Bắc Hà sẽ phát triển hệ thống các làng văn hóa thành làng du lịch cộng đồng với những sản phẩm du lịch mang sắc thái riêng của tộc người, của địa phương cụ thể như: Xây dựng sản phẩm du lịch chợ phiên gắn với làng du lịch cộng đồng dân tộc thiểu số Bắc Hà, làng nghề truyền thống, hang động; Xây dựng dinh Hoàng A Tưởng thành điểm tham quan du lịch “cửa ngõ” của Bắc Hà; Xây dựng mô hình chợ đêm vùng cao (tối thứ 6, 7 hàng tuần); Sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống; Phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với vui chơi giải trí, thể thao (leo núi) và mua sắn nhằm thu hút du lịch nội địa.
            Bên cạnh đó đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch và đào tạo kỹ năng nghiệp vụ du lịch cho nhân lực ngành du lịch, cũng như ý thức của cộng đồng về phát triển du lịch… để đảm bảo cung ứng lao động chất lượng. Đặc biệt chú trọng giáo dục nếp sống văn minh, văn hoá ứng xử cho cộng đồng địa phương nơi có khách du lịch đến tham quan, đồng thời đào tạo cho họ những kỹ năng cơ bản để phục vụ khách và khai thác các nguồn lợi du lịch từ chính mảnh đất họ đang sinh sống.
Với tiềm năng phong phú, đặc sắc cùng với định hướng phát triển du lịch rõ ràng, phù hợp với thực tế và quyết tâm của cán bộ, nhân dân trong huyện, Bắc Hà sẽ gặt hái được nhiều thành công trong du lịch vào những năm tới.
Phan Phượng
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn