Lên bản Hà Nhì ngắm cối nước giã gạo
Từ bao đời nay, đồng bào Hà Nhì trên vùng cao Bát Xát có tập quán sinh sống trên những dãy núi cao, nơi đầu nguồn các dòng suối, mạch nước để tiện cho sinh hoạt và sản xuất.
Nhờ có cối nước mà đồng bào Hà Nhì không phải giã gạo vất vả.
Cối nước của người Hà Nhì gồm có gầu nước gắn liền với chày và chiếc cối đá. Gầu nước được làm từ thân cây gỗ tốt trên rừng như lim, sến, táu, một đầu được đục thành chiếc gầu đựng nước giống như chiếc muôi, đầu kia được lắp một chiếc chày gỗ để giã gạo. Còn cối thường được đục từ những tảng đá xanh to liền khối hoặc gốc cây cổ thụ để khi giã gạo không bị nứt vỡ. Khi đặt cối nước, thì gầu nước thường được đặt ngang suối sao cho dòng nước chảy thẳng vào gầu, còn đầu gắn chày nằm đúng vị trí của cối đá đặt cố định một chỗ. Mỗi lần gầu bên này được chảy đầy nước là một lần đầu chày bên kia được nâng lên cao, khi gầu tự chảy hết nước, thì chày hạ xuống và gạo trong cối được giã. Cối nước hoạt động liên tục như vậy đến khi nào suối cạn nước hoặc gầu bị hỏng mới ngừng lại.
Những chiếc cối nước liên hoàn trên vùng cao A Lù (Bát Xát).
Ngày trước cối nước ở vùng cao rất thịnh hành, còn bây giờ hầu hết các thôn, bản đã có máy xay xát, nên người dân không dùng tới cối nước nữa. Những chiếc cối nước vì thế mai một dần. Tôi đã tới nhiều bản, làng vùng cao Lào Cai, nhưng chỉ thấy ở thôn Kin Chu Phìn 1 và Kin Chu Phìn 2 (xã Nậm Pung) nơi đồng bào Hà Nhì sinh sống là còn nhiều cối nước cổ nhất. Ngoài ra, ở một số bản Hà Nhì thuộc xã Y Tý, A Lù cũng còn cối nước giã gạo, nhưng số lượng ít hơn. Có những chiếc cối nước tuổi thọ hàng chục năm, gầu mọc đầy rêu xanh, chày đã mòn đi nhưng vẫn hoạt động không nghỉ.
Cối nước của đồng bào Hà Nhì trên vùng cao Bát Xát phản ánh sự sáng tạo trong lao động, là nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc nơi đây. Tiếng cối nước giã gạo theo suốt tuổi thơ và cuộc đời nhiều chàng trai, cô gái Hà Nhì. Vì thế, những người con của bản Hà Nhì khi xa quê hương, dù đi đến chân trời góc biển nào cũng không bao giờ quên được tiếng cối nước giã gạo ở bản làng mình.
Theo baolaocai.vn