Du lịch cộng đồng ở Lào Cai: Từ mô hình đơn lẻ đến các chuỗi liên hoàn
Năm 1998, thôn Cát Cát, Sín Chải (San Sả Hồ - Sa Pa) là những nơi đầu tiên ở Lào Cai thí điểm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Đến nay, hầu hết các địa phương của tỉnh Lào Cai đều vận dụng mô hình du lịch cộng đồng để xóa đói, giảm nghèo.
 
                                                               Khu du lịch Cát Cát (Sa Pa).      Ảnh: Trần Anh
 
Huyện Sa Pa có: Cát Cát, Sín Chải (San Sả Hồ), thôn Lao Chải (Lao Chải), Tả Van Giáy (Tả Van), Bản Dền (Bản Hồ), Sả Séng (Tả Phìn). Bắc Hà các làng văn hóa du lịch như: Trung Đô, Tả Van Chư, Tà Chải, Na Hối, Bản Phố. Các thôn bản ở Mường Hum, Ý Tý, Trịnh Tường của Bát Xát cũng thu hút được sự quan tâm khám phá của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch cộng đồng tại Lào Cai thời gian qua vẫn hoàn toàn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch và đầu tư đồng bộ. Do vậy, các thôn, bản làm du lịch cộng đồng vẫn mang tính đơn lẻ, chưa có sự liên kết cùng phát triển. Ngoại trừ 02 điểm du lịch cộng đồng tại thôn Lao Chải (Lao Chải) và thôn Tả Van Giáy (Tả Van) nằm trên tuor, tuyến du lịch hấp dẫn nhất ở Sa Pa hiện nay có sự kết nối theo hành trình của du khách, các điểm còn lại đều nằm rải rác, cách xa nhau về giao thông, chưa tạo ra hiệu ứng về chuỗi sản phẩm, dịch vụ để có thể giữ chân du khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Từ thực tiễn phát triển du lịch cộng đồng hơn 15 năm qua, Lào Cai đang hướng tới việc tăng cường đầu tư để phát triển du lịch cộng đồng có chiều sâu và theo hướng bền vững. Giai đoạn 2013 – 2017, Lào Cai đang tập trung đầu tư đồng bộ về quy hoạch, hạ tầng, sản phẩm và dịch vụ để phát triển 3 trung tâm du lịch cộng đồng: tại Tả Van Giáy (Tả Van - Sa Pa), Trung Đô (Bảo Nhai - Bắc Hà) và Lao Chải (Ý Tý - Bát Xát) như 3 động lực tạo hiệu ứng lan tỏa ra các thôn bản lân cận.
Tại Sa Pa, thôn Tả Van Giáy xã Tả Van nhờ có vị trí địa lý, cùng các tài nguyên du lịch về cảnh quan sinh thái và tài nguyên du lịch nhân văn đang nổi lên như một trung tâm điều phối khách du lịch trong toàn bộ thung lũng Mường Hoa. Tả Van Giáy đang là lựa chọn tốt nhất cho khách nội địa cũng như khách quốc tế, khách nghỉ cuối tuần cũng như khách có thời gian lưu trú, khám phá văn hóa dừng chân. Sản phẩm du lịch đặc sắc mà thôn Tả Van Giáy xã Tả Van đang khai thác là: ẩm thực dân tộc, lưu trú tại gia, các trò chơi dân gian. Tuy nhiên, với lợi thế của mình như sở hữu cảnh quan thung lũng hấp dẫn nằm trong “top 5 thung lũng đẹp và rộng lớn nhất Việt Nam”, có ruộng bậc thang trải dài theo thung lũng Mường Hoa hùng vĩ, có rừng già nguyên sinh gắn với khu bảo tồn Hoàng Liên - vườn di sản ASEAN, có suối Mường Hoa như một dải lụa có thể khai thác các loại hình du lịch: chèo thuyền, trecking tour gắn với tuyến đi bộ đẹp nhất Việt Nam dọc theo suối Mường Hoa, du lịch xe địa hình, du lịch đi xe trâu kéo, cưỡi ngựa thăm bản làng. v.v..Tả Van đang được chọn là trọng điểm để phát triển du lịch cộng đồng. Tại Tả Van Giáy sẽ tiến hành quy hoạch chi tiết các tuyến, điểm, các sản phẩm, dịch vụ, hạ tầng phục vụ cho du lịch cộng đồng thôn Tả Van Giáy và các vệ tinh như: Tả Van Mông, Tả Van Dao, Lao Chải. Trên cơ sở quy hoạch sẽ đầu tư đồng bộ cho Tả Van Giáy xây dựng trung tâm thông tin du lịch, các quầy bán sản vật địa phương của bà con dân tộc thiểu số, khu trưng bày, triển lãm. Cải tạo suối Mường Hoa để đáp ứng việc tổ chức phát triển sản phẩm du lịch, đa dạng hóa các loại hình du lịch. Nâng cấp hệ thống điện, cấp nước và nước thải phục vụ du lịch. Cải tạo tuyến đi bộ dọc suối Mường Hoa, xây trạm ngắm cảnh, khu vệ sinh công cộng trên tuyến đi bộ. Hỗ trợ bà con phát triển sản phẩm du lịch tại địa phương như: Nghề truyền thống (thổ cẩm, chế tác đá, mây tre đan...) và các hoạt động sản xuất nông nghiệp phục vụ du lịch (rau và các thực phẩm sạch...) v.v..Thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia như kinh doanh lưu trú tại gia, dịch vụ vận chuyển, ẩm thực, các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ, tạo thu nhập, xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông thôn mới cho toàn bộ khu vực thung lũng Mường Hoa. Bằng sự đầu tư đồng bộ và quy mô cho Tả Van Giáy, tuyến du lịch Sa Pa - Lao Chải - Tả Van sẽ trở thành chương trình tour hấp dẫn đối với khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch đến từ châu Âu, châu Mỹ.
Tương tự như Tả Van Giáy, thôn Trung Đô – Bảo Nhai – Bắc Hà là tâm điểm của tuyến du lịch sông Chảy kéo dài từ Lùng Khấu Nhin (Mường Khương)  qua Bản Mế (SiMaCai) xuống Cốc Ly, Bảo Nhai (Bắc Hà). Do vậy, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng có chiều sâu ở Trung Đô sẽ tạo động lực để du lịch toàn tuyến sông Chảy chuyển động. Khác với thung lũng Mường Hoa, sản phẩm du lịch thế mạnh của chuỗi du lịch sông Chảy là du lịch du thuyền trên sông Chảy với vẻ đẹp hoang sơ của dòng ”sông xanh” thơ mộng, du lịch tâm linh với đền Trung Đô sở hữu những giá trị lịch sử, văn hóa, thắng cảnh hấp dẫn gắn với danh tướng Vũ Công Mật chấn thủ Tây Bắc từ thời Lê – Mạc. Bên cạnh đó cũng không thể thiếu sức hấp dẫn từ lưu trú nhà sàn, văn nghệ dân gian của người Tày, chợ phiên vùng cao đặc sắc ở Cốc Ly, du lịch sông nước gắn với hồ thủy điện và hệ thống núi đá vôi kỳ vĩ trải dài theo dòng chảy của sông xanh. Để phát huy hết tiềm năng và lợi thế của thôn Trung Đô và toàn tuyến sông Chảy, theo dự kiến sẽ đầu tư xây dựng Trung tâm thông tin du lịch khu vực sông Chảy tại đầu cầu Bảo Nhai (gắn với bến thuyền tại điểm Bảo Nhai). Xây dựng 05 bến thuyền tại: Trung Đô, Bảo Nhai, Cốc Ly, Na Vang, Bản Mế, 02 bãi đỗ xe du lịch tại điểm đầu (Bản Mế) và điểm cuối (Bảo Nhai) trên tuyến du lịch sông Chảy. Cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Trung Đô theo kiến trúc nhà sàn truyền thống kết hợp với không gian biểu diễn ngoài trời phục vụ trưng bày, biểu diễn và giao lưu văn hóa giữa du khách và cộng đồng. Đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng: điện, nước, giao thông và công trình vệ sinh toàn bộ thôn Trung Đô đảm bảo có thể đáp ứng được nhu cầu của du khách khi đến điểm du lịch thôn Trung Đô cũng như khách du lịch dọc tuyến Sông Chảy. Như vậy, với việc đầu tư có trọng điểm cho thôn Trung Đô phát triển du lịch cộng đồng sẽ có tác dụng tạo ra hiệu ứng cho toàn tuyến du lịch sông Chảy với 4 xã của 3 huyện: Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà.
Thôn Lao Chải 1 (Ý Tý – Bát Xát) được xem là thủ phủ của người Hà Nhì  ở Lào Cai. Đến thăm nơi này du khách được thưởng thức vẻ đẹp nguyên sơ, bình dị của những thửa ruộng bậc thang, thác nước đẹp kỳ vĩ, khu rừng cấm Gạ Ma Gio, những chiếc cối giã gạo bằng sức nước, kiến trúc nhà Trình Tường độc đáo, các lễ hội truyền thống, thưởng thức văn nghệ dân gian và các món ăn truyền thống...Khi tới thăm Ý Tý du khách sẽ tiếp tục cuộc hành trình vòng cung biên giới qua Dền Sáng, A Lù, A Mú Sung. Để du lịch cộng đồng vùng cao Bát Xát phát triển, tỉnh sẽ đầu tư xây trung tâm thông tin du lịch, các quầy bán sản vật địa phương của bà con dân tộc thiểu số, khu trưng bày, triển lãm, xây dựng các trạm ngắm cảnh ruộng bậc thang, các quầy bán sản vật địa phương của bà con dân tộc thiểu số, khu vệ sinh công cộng trên tuyến.
Lào Cai đang mời các chuyên gia tư vấn hàng đầu về phát triển du lịch cộng đồng đến khảo sát đề xuất phương án chi tiết về quy hoạch và hạng mục đầu tư. Tỉnh cũng giành 100 tỷ đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Châu Á thông qua dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mêkông để đầu tư cho 3 điểm du lịch cộng đồng có tính chất tâm điểm của 3 tiểu vùng du lịch sôi động nói trên thành 3 đầu tầu kéo các thôn, bản lân cận của thung lũng Mường Hoa - Sa Pa, lưu vực thượng nguồn Sông Chảy của 3 huyện: Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà và tuyến biên giới vùng cao của huyện Bát Xát vào guồng quay của phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững và liên hoàn. Đây là dự án đầu tư phát triển du lịch bài bản và quy mô nhất từ trước tới nay ở Lào Cai. Chắc chắn trong tương lai gần du lịch cộng đồng ở Lào Cai sẽ chuyển mạnh từ các mô hình đơn lẻ, rời rạc thành các chuỗi du lịch cộng đồng liên hoàn, vừa phát huy được lợi thế đặc trưng về văn hóa, cảnh quan của mỗi vùng miền, dân tộc vừa bổ sung hỗ trợ tích cực cho nhau tạo ra sức hút du khách lưu lại Lào Cai dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn.
Đỗ Sơn
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn