“Di sản chỉ thực sự có giá trị khi có ích cho con người!”
Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2013-2017. Đây là một tin vui không chỉ với ngành di sản, ngành văn hóa mà có thể nói là niềm tự hào chung của Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với niềm tự hào đó, Việt Nam phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong việc giữ gìn tài sản văn hóa quý giá do cha ông để lại và tham gia bảo vệ kho tàng di sản văn hóa của cả nhân loại.  

Xung quanh câu chuyện này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trao đổi cùng PGS, TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam.

Phóng viên (PV): 2013 là năm tương đối đặc biệt, Việt Nam đã trở thành ủy viên Ủy ban Di sản thế giới. Tiếp đó, chúng ta đón nhận tin vui, đờn ca tài tử trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo ông, khi trở thành ủy viên Ủy ban Di sản thế giới, Việt Nam cần làm gì để xứng đáng với vị trí đó?

 

PGS, TS Đặng Văn Bài: Có hai trách nhiệm mà Việt Nam cần phải thực hiện khi trở thành ủy viên của Ủy ban Di sản thế giới. Trước hết là trách nhiệm gắn với công việc nội bộ của ta. Khi tham gia Công ước Di sản thế giới, các quốc gia phải thực hiện những quy định của Công ước. Đặc biệt, khi trở thành ủy viên của Ủy ban Di sản thế giới, chúng ta càng phải nỗ lực bảo vệ di sản thế giới theo đúng luật pháp quốc tế. Tức là phải thiết lập sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, giữa bảo tồn và bảo vệ môi trường thiên nhiên để di sản thực sự có vị trí xứng đáng trong đời sống xã hội và trở thành nhịp cầu giao lưu văn hóa quốc tế. Trong quan hệ quốc tế có một hình thức giao lưu mạnh mẽ, thiết thực nhất là du lịch văn hóa. Du lịch đóng vai trò quảng bá văn hóa cho bạn bè quốc tế, để họ biết, hiểu và yêu mến Việt Nam. Đây chính là cơ sở để chúng ta thu hút đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực kinh tế.

 

Ở góc độ quốc tế, trong các kỳ họp của Ủy ban Di sản thế giới, Việt Nam từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, phải đóng góp những ý tưởng mới để cùng UNESCO xác định phương hướng phát triển trong tương lai, đề xuất những ý tưởng để biến di sản văn hóa thành nhân tố góp phần tôn vinh tinh thần “Tự do, bình đẳng, bác ái”, thức tỉnh ý thức yêu chuộng hòa bình. Bởi vì hòa bình là khát vọng lớn nhất mà nhân loại đang hướng tới. Chúng ta đang đứng trước rất nhiều thử thách về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, xung đột sắc tộc, tôn giáo, xung đột khu vực… Do đó, văn hóa phải trở thành phương tiện giáo dục nhận thức con người, xác định thái độ ứng xử có văn hóa để con người cũng như các quốc gia biết chung sống trên tinh thần khoan dung và tôn trọng lẫn nhau.

 

Thứ hai, Việt Nam có thể đóng góp vào việc hoàn thiện các cơ chế quản lý, khích lệ các quốc gia thành viên chủ động triển khai các hoạt đông bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của mình và cũng là góp phần bảo vệ kho tàng văn hóa của nhân loại.

 

Thứ ba là xem xét, đánh giá, xác định hồ sơ đề cử di sản của các quốc gia khác có xứng đáng trở thành di sản thế giới không.

 

Thứ nữa, theo Công ước Di sản thế giới, hằng năm các nước có di sản văn hóa phải báo cáo hiện trạng của di sản. Các thành viên trong Ủy ban có trách nhiệm thẩm định các báo cáo đó. Trong trường hợp các quốc gia không thực hiện tốt các quy định của Công ước, thì phải kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các quốc gia thành viên có biện pháp khắc phục để các di sản thoát khỏi tình trạng khan cấp.

 

PV: Là người đã làm công tác bảo vệ di sản nhiều năm, theo kinh nghiệm của ông, chúng ta có thể đóng góp những kinh nghiệm gì cho thế giới?

 

PGS, TS Đặng Văn Bài: Ví dụ, ở khu di sản Cố đô Huế Việt Nam có kinh nghiệm về bảo tồn di tích kiến trúc gỗ. Các bạn quốc tế nói, nếu tiếp tục phát huy tốt, Huế hoàn toàn có khả năng trở thành một phòng thí nghiệm của khu vực Đông Nam Á về bảo vệ kiến trúc gỗ. Nếu làm tốt hơn nữa, thì đó sẽ là một trung tâm đào tạo tại chỗ về bảo tồn kiến trúc gỗ trong khu vực.

 

Hơn nữa, Việt Nam còn có thể đóng góp với thế giới những kinh nghiệm thực tế về bảo tồn di sản văn hóa gắn với các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng. Thực tế ấy thể hiện tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam thực sự được tôn trọng. Trong số hơn 40.000 di tích lịch sử và văn hóa của Việt Nam được phát hiện qua các đợt kiểm kê, chúng ta đã xếp hạng được hơn 3000 di tích cấp quốc gia, trong đó có tới hơn 2000 di tích là các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng.

 

Hơn nữa, xét trong chiều sâu lịch sử, các di sản văn hóa gắn với tôn giáo, tín ngưỡng cũng có cơ chế tác động tích cực tới các hành vi cá nhân và cộng đồng, nhờ đó chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được thăng hoa và trở nên thiêng liêng trong tâm hồn Việt. Ví dụ, đền Hùng, từ tín ngưỡng của 3 làng đã trở thành tín ngưỡng quốc gia. Và tín ngưỡng thờ Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

PV: Dù đã trở thành ủy viên của Ủy ban Di sản thế giới nhưng việc bảo vệ di sản của chúng ta vẫn chưa thực sự hoàn hảo. Chúng ta có thể rút kinh nghiệm gì từ thế giới, thưa ông?

 

PGS, TS Đặng Văn Bài: Từ ngày 4 đến ngày 7-12 vừa rồi, tôi dự hội thảo khoa học tại Xơ-un, Hàn Quốc, về bảo vệ di sản văn hóa Phật giáo. Các nhà khoa học đã giới thiệu, chia sẻ các ý tưởng, kinh nghiệm bảo vệ lọai hình di sản văn hóa độc đáo này. Có một nội dung được nhấn mạnh là, ngoài bảo vệ các giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể trong văn hóa Phật giáo, họ còn đề cập đến khía cạnh giữ gìn tính thiêng và văn hóa đạo đức trong giáo lý của Phật giáo và phương thức tu bổ, tôn tạo, biến các di sản văn hóa Phật giáo thành các điểm du lịch tâm linh hấp dẫn cho cộng đồng. Nhưng dù phát triển theo hướng nào thì về căn bản vẫn phải kiểm soát được sự phát triển để không làm biến dạng di tích. Nghĩa là không vì sự phát triển mà ảnh hưởng tới di sản văn hóa Phật giáo. Ngược lại, di sản văn hóa Phật giáo lại trở thành động lực cho phát triển du lịch văn hóa. Nhưng mục tiêu chính là thông qua việc giáo dục di sản làm cho tư tưởng nhân văn của Phật giáo thấm vào từng cá nhân. Và như thế, di sản văn hóa Phật giáo thực hiện được các chức năng cơ bản: Giải tỏa tâm lý, điều chỉnh hành vi, giáo dục nhân cách giúp cho con người sống nhân văn hơn, mở rộng tình thương yêu đồng loại và ứng xử có văn hóa hơn với môi trường tự nhiên và xã hội. Di sản Phật giáo thường được xây dựng ở những nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hài hòa tạo ra sức hấp dẫn cho du khách. Qua một hội nghị, tôi có điều kiện biết tới cách tiếp cận mới về di sản văn hóa. Những tư tưởng mới như vậy hoàn toàn có thể vận dụng vào điều kiện của Việt Nam.

 

Còn nhiều kinh nghiệm nữa mà Việt Nam có thể học hỏi được từ thế giới. Trong đó, việc đầu tiên, quan trọng nhất là phải có một nguồn nhân lực có chất lượng. Chúng ta phải tự nhìn nhận khoảng cách của mình với thế giới trong rất nhiều lĩnh vực. Đó là Việt Nam còn thiếu các chuyên gia đầu ngành hoạt động chuyên nghiệp, làm chủ kỹ năng chuyên sâu, được đào tạo có bài bản. Chuyên nghiệp cũng có nghĩa là biết cách làm việc nhóm, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong nghiên cứu cũng như hoạt động thực tiễn. Thứ ba, phải nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ công dân cũng như đạo đức nghề nghiệp của người hoạt động trong lĩnh vưc di sản văn hóa.

 

Về nhận thức xã hội, Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi và bổ sung năm 2009, cộng với sự tác động của các phương tiện thông tin đại chúng, nhận thức của cộng đồng đã được nâng lên một bước. Nhưng không phải ở bất cứ giai tầng xã hội nào cũng nhận thức đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của di sản văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, với những người làm trong lĩnh vực kinh tế, vẫn thiên về tăng trưởng kinh tế là chính mà quên rằng, việc tạo lập sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và văn hóa mới là cơ sở cho phát triển bền vững.

 

Còn một khía cạnh nữa, theo tôi cần phải làm ráo riết là, chúng ta vẫn chưa nhận thức đúng về vai trò của cộng đồng trong bảo vệ di sản. Có thể nói, trong chừng mực nào đó, vai trò của cộng đồng chưa được xem trọng với tư cách là chủ thể văn hóa. Chúng ta vẫn thiên về bảo vệ di sản văn hóa nhưng quên mục tiêu bảo vệ di sản văn hóa là nhằm phục vụ phát triển cộng đồng và phát triển con người. Di sản văn hóa phải mang lại lợi ích cả về văn hóa lẫn kinh tế cho những chủ thể sáng tạo văn hóa-những người đang sống bên cạnh di tích và luôn làm nhiện vụ bảo vệ di tích. Trong nhiều trường hợp, người ta muốn hy sinh việc bảo tồn di sản cho phát triển và đã gây ra nhiều tác động tới di sản văn hóa. Cho nên chúng ta cần phải quan tâm, gắn việc bảo tồn di sản với việc đáp ứng nhu cầu của cộng đồng để họ được hưởng lợi ích tinh thần và vật chất từ việc tham gia bảo tồn di sản văn hóa. Cái gì mang lợi ích cho cộng đồng thì sẽ được trân trọng và yêu mến.

 

Hội thảo vừa qua của Viện Bảo tồn di tích về bảo vệ di sản văn hóa làng cổ Hà Nội, tôi đã có ý kiến, những giá trị, dù lớn đến đâu, vẫn là giá trị ảo, nó chỉ thực sự có giá trị khi có ích cho con người. Phải làm cho cộng đồng cảm nhận được cái giá trị văn hóa truyền thống thực sự có ích cho họ thì họ sẽ tự nguyện bảo vệ và phát huy.

PV: Khi phố cổ Hội An đem lại lợi ích cho người dân, thì được bảo vệ rất tốt. Vì sao chúng ta không nhân rộng kinh nghiệm ấy, thưa ông?

 

PGS, TS Đặng Văn Bài: Phố cổ Hội An là một đô thị, còn Đường Lâm là một làng cổ. Ở phố, những sinh hoạt, sản xuất dễ trở thành một loại hình dịch vụ du lịch hơn so với một vùng thôn quê như Đường Lâm. Hơn nữa, phố cổ Hội An được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1985, đến nay mới được phát triển ổn định như thế. Tất cả cần có một quá trình. Hơn nữa, Hội An là một phố nên việc chuyển đổi nhanh chóng hơn là tất nhiên. Đường Lâm cũng cần một quá trình như thế. Không nên quan niệm danh hiệu di sản quốc gia hay thế giới là một “đôi đũa thần”, có thể ngay lập tức biến một vùng di sản trở nên phồn vinh và phát triển. Vấn đề là phải làm cho người dân thấy rõ được sự hy sinh sẽ mang lại một tương lai như thế nào.

 

Thực tế cũng thấy rõ, nhờ xếp hạng quốc gia mà các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng ở Đường Lâm được bảo tồn. Thứ hai, hạ tầng cơ sở của họ đã được nâng lên. Vấn đề còn lại là làm sao để từng gia đình nhận thức rõ lợi ích chung và riêng của từng gia đình trong việc bảo tồn di sản văn hóa làng cổ.

 

Ta có rất nhiều chương trình liên quan đến nông thôn như: Xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn di tích nhưng lại chưa được kết nối trong một dự án liên ngành để tạo ra một nguồn lực mang tính tổng hợp. Trước mắt phải có kế hoạch giúp nông dân biết cách biến sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm phục vụ dịch vụ du lịch góp phần tái cơ cấu kinh tế ở nông thôn, giúp các hộ nông dân biết tổ chức các sản phẩm và dịch vụ du lịch tương ứng. Đó là con đường phát triển bền vững mà Đường Lâm cần hướng tới và cũng là phương thức để thu hút sự tham gia tự nguyện của cộng đồng cư dân địa phương vào việc bảo tồn di sản văn hóa làng cổ.

 

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Quân đội nhân dân
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn