SỰ TÍCH TỤC KÉO VỢ “HÁI PÙ” CỦA NGƯỜI MÔNG Ở LÀO CAI
Kéo vợ (tiếng Mông gọi là “hái pù”) là phong tục lâu đời của đồng bào Mông. Vào những ngày lễ hội đầu xuân hoặc các buổi chợ phiên các chàng trai, cô gái xúng xính váy áo mới, bước chân vui nhộn, tiếng lòng thổn thức hòa vào dòng người không chỉ là đi chơi hay mua bán mà đó còn là dịp để họ tìm gặp người yêu. 
Đây cũng là thời điểm thích hợp cho các chàng trai kéo vợ. Kéo vợ là một cách để chàng trai ướm hỏi cô gái có thực sự đồng ý lấy chàng trai làm chồng không. Nếu cô gái không đồng ý lấy chàng trai thì được phép bỏ về nhà. Chàng trai và gia đình mình không được ép buộc cô gái.

Trước đây, kéo vợ “hái pù” không phải do con trai kéo con gái về làm vợ mà con gái kéo con trai về làm chồng. Người Mông vẫn truyền miệng lại câu chuyện cổ của tổ tiên về nguồn gốc tục kéo vợ. Ngày xưa, phụ nữ là người chủ động trong tình yêu. Các cô gái sẽ chủ động đi tìm chồng và kéo chồng. Vào các phiên chợ hoặc ngày lễ hội, các cô gái hẹn hò với các chàng trai, khi đã ưng ý thì cô gái sẽ kéo chàng trai về nhà làm chồng. Nếu chàng trai không ưng ý thì sẽ bỏ về nhà. Còn chàng trai đồng ý sẽ tổ chức đám cưới. Các nghi lễ trong đám cưới sau đó như lễ ăn hỏi, lễ cưới đều do nhà gái chủ động thực hiện. Khi đã thành vợ chồng, người vợ sẽ làm chủ gia đình. Phụ nữ lên rừng lấy gỗ dựng nhà để ở, còn đàn ông ở nhà sinh con đẻ cái. Khi lên rừng lấy gỗ phụ nữ không đủ sức để vác được cây gỗ to làm cột trụ để dựng nhà, khiến cho ngôi nhà không vững chắc. Ngược lại đàn ông ở nhà sinh con thì con chỉ nhỏ bằng con châu chấu, không địu được trên lưng mà phải buộc vào xà cạp ở bắp chân. Vì đứa con nhỏ quá lại buộc ở bắp chân nên bị con gà mổ ăn mất. Nhận thấy việc vợ kéo chồng về nhà làm chồng không thuận tiện cho cuộc sống, vợ không dựng được nhà vững chắc mà chồng lại không nuôi được con. Nên người ta đã đổi lại đàn ông kéo phụ nữ về làm vợ. Từ đó, đàn ông làm chủ gia đình, lên rừng vác được cột trụ to để làm nhà. Người vợ ở nhà sinh con, nuôi con được khỏe mạnh. Thấy việc đổi lại như thế phù hợp với cuộc sống nên tục kéo vợ “hái pù” của người mông được dùy trì từ đó đến nay.
Ngày nay, tục kéo vợ vẫn được duy trì. Tuy nhiên các chàng trai và cô gái tìm hiểu nhau trước và cùng nhau về nhà, khi gần đến nhà thì chàng trai cầm tay cô gái kéo làm lí. Người Mông rất sợ tục kéo vợ bị mất đi, đặc biệt là chị em phụ nữ. Họ cho rằng nếu không kéo vợ thì tiếng nói của người phụ nữ trong gia đình không có giá trị. Theo lí của người Mông nếu kéo vợ về thì bố mẹ chàng trai sẽ biết đó là con dâu họ. Còn khi cô gái tự nguyện theo về thì bố mẹ cho rằng đó chỉ là bạn bè về nhà chơi. 
Phan Phượng
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn