Nhà trình tường - kiến trúc độc đáo của người Mông Bắc Hà
Hàng năm, sau khi thu hoạch xong lúa, ngô, đậu tương, bán nông sản có tiền và cũng là lúc nông nhàn, người Mông ở vùng cao huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai lại bắt tay vào làm nhà. Đây cũng là thời gian khô ráo ít mưa nên việc trình tường đất dễ dàng hơn. Những ngôi nhà chỉ làm bằng đất nhưng có tuổi thọ hàng trăm năm, có độ cứng như bê tông, đạn bắn không thủng... là một “đặc sản về kiến trúc” của Bắc Hà.
Người H'mông đã định cư ở Bắc Hà hơn 200 năm, đến nay vẫn giữ tập tục cư trú ở vùng núi cao, làm nhà ở trên lưng chừng núi, sườn dốc, làm nhà trình tường. Khu vực trung tâm và thượng huyện Bắc Hà có khí hậu đặc trưng ôn đới, mùa hè mát mẻ, mùa đông lạnh giá. Để thích ứng môi trường khí hậu này người H'mông Bắc Hà đã sáng tạo lên kiểu “nhà trình tường”. Tường của ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng đất. Trước đây người ta thường trình cả 4 mặt tường, nhưng hiện nay người ta chỉ trình 2 đến 3 mặt tường. Mặt phía trước được thay bằng gỗ. Ở những xã vùng sâu, vùng xa như Hoàng Thu Phố, Tả Van Chư, Lùng Cải người ta vẫn làm nhà trình tường 4 mặt.
            Sau khi chọn được vị trí hợp lí, người ta san đất để lấy mặt phẳng làm nền nhà. Đất dùng để trình tường phải là loại đất có màu đỏ hoặc vàng, có độ dẻo và kết dính cao. Móng nhà được đặt ngay trên mặt đất bằng mà không phải đào móng như nhà xây dưới vùng thấp. Để có được bức tường đất dày, chắc chắn người ta phải làm những khuôn bằng gỗ rồi dồn đất vào dùng chày gỗ nện thật chặt. Các khuôn gỗ phải đủ chắc để giữ được đất và chịu được sức nén từ chày gỗ nện xuống. Hết lượt trình thứ nhất, khuôn được tháo đặt tiếp lượt tầng thứ 2, rồi đổ đất giã tiếp cho kết dính thật chặt với lượt tầng vừa làm xong. Thường thì mỗi ngôi nhà làm cao 5 - 6 lượt tầng ván khuôn là đủ, cá biệt có gia đình làm cao 7 - 8 tầng khuôn. Lần lượt từng khuôn gỗ được dâng lên cao đến khi bức tường đất cao khoảng 2,5 m thì thôi. Trong khi trình đất người ta thi thoảng cho những viên đã nhỏ lẫn vào đất để trình làm tăng độ bền cho bức tường.
            Độ cao của mỗi bức tường còn tùy thuộc vào ý chủ nhà làm nhà cao hay thấp. Bề rộng của bức tường thường rộng khoảng 40 đên 50 cm. Sau khi trình tường xong người ta mới làm khung nhà bằng gỗ để dựng lên. Khung gỗ  được làm bằng gỗ sến, thông rừng, xoan đào có độ bền 40 - 60 năm.  Trước đây, nhà thường lợp bằng cỏ gianh hoặc rơm rạ, ngói âm dương. Hiện nay, nhiều nhà lợp bằng fibrô - xi măng hoặc tôn.

Người dân dùng chày gỗ nện đất trình tường (ảnh internet)
Tuy những bức tường chỉ bằng đất, không có trụ cột, nhưng vẫn rất chắc, trâu, bò húc cũng không đổ, đạn bắn cũng không xuyên thủng. Mỗi ngôi nhà trình tường thường có tuổi thọ hàng trăm năm.  Ưu việt của nhà trình tường là dù ngoài trời nắng, oi bức, khi bước vào nhà cảm thấy rất mát mẻ và dễ chịu, mùa đông dù lạnh giá nhưng trong nhà vẫn đủ ấm.
            Người H'mông có tính cộng đồng rất cao, nên một gia đình làm nhà thì các hộ trong thôn đều đến giúp làm nhà. Mỗi nhà một người, họ giúp nhau nhiều ngày liền, từ san đất làm nền nhà đến trình tường, làm khung lợp mái.
Kiểu nhà trình tường truyền thống của người Mông (ảnh: Phan Phượng)
    Với kiến trúc độc đáo của nhà trình tường đất, hiện nay các bản làng người H'mông ở Bắc Hà, đặc biệt là làng du lịch sinh thái - văn hóa Tả Văn Chư, đang là điểm đến hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
            
Phan Phượng
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn