Gỡ những " nút thắt" để du lịch Sa Pa phát triển bền vững có trách nhiệm
Xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Sa Pa đang có những bước chuyển mình lớn, khả quan trong những năm qua, đặc biệt khi đường cao tốc khai thông, lượng khách đổ dồn về Sa Pa ngày càng tăng.
Thời điểm hiện tại Sa Pa đã có 176 cơ sở lưu trú (trong đó có 47 cơ sở đạt tiêu chuẩn từ 1- 4 sao); 22 doanh nghiệp lữ hành và 136 nhà hàng phục vụ khách du lịch. Các tuyến điểm du lịch được quan tâm, từ vệ tinh Sa Pa phát triển mở rộng ra Cát Cát, Lao Chải, Tả Van, Thanh Kim, Nậm Cang, Nậm Xài, Tả Phìn, Sâu Chua, Bản Khoang…Du lịch cộng đồng bước đầu được quan tâm với 107 hộ kinh doanh lưu trú tại gia (homestay trải theo các tuyến, điểm du lịch). Hai khu du lịch sinh thái tại Sa Pa (Hàm Rồng và Thanh Kim) được du khách đón nhận ấn tượng. Ngoài ra Sa Pa còn thu hút hàng chục nhà đầu tư lớn từ các Tập đoàn kinh tế như Dự án Resort cao cấp Đông Dương, khu du lịch Đồi con gái, Dự án Cáp treo gắn với tổ hợp khách sạn 5 sao của Tập đoàn Sun Group…
          Nhờ lợi thế và được quan tâm nên những năm gấn đây du lịch Sa Pa đã phát triển khả quan, bình quân một năm Sa Pa đón 1 triệu khách du lịch, giai đoạn 2011- 2014 tốc độ phát triển bình quân lượng khách đạt 15% (một tốc độ khá cao so với cả nước), Sa Pa quá tải lượng khách vào dịp cuối tuần trong điều kiện đường cao tốc khai thông.

          Du lịch Sa Pa phát triển với nhiều cơ hội và thách thức. Khi đường cao tốc khai thông, dòng khách dịch chuyển lên Sa Pa tăng đột biến vào các ngày cuối tuần, những ngày không cao điểm lượng khách tới Sa Pa đều hơn trước thời điểm chưa thông đường cao tốc. Khu du lịch Sa Pa được coi là 1 trong 45 khu du lịch quốc gia (được xác định trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam  tầm nhìn đến 2030) tạo lợi thế cạnh tranh đặc biệt trong thu hút đầu tư dịch vụ du lịch. Cạnh tranh với đường bộ, đường sắt Việt nam cũng đang cải thiện tuyến đường sắt như rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng, giảm giá thành cũng là cơ hội tốt tăng lượng khách tới Lào Cai – Sa Pa. Nhìn sang tỉnh bạn Vân Nam – Trung Quốc họ rất chú trọng phát triển hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng Quảng Ninh nên phía bạn đã tập trung đầu tư cao tốc Côn Minh – Hồng Hà, nâng cấp tuyến đường từ Hồng Hà về Hà Khẩu. Tuyến đường sắt cao tốc từ Côn Minh – Hà Khẩu cũng gấp rút hoàn thành tạo điều kiện dịch chuyển một lượng khách Trung Quốc lớn đến Lào Cai. Mặt khác khi đường giao thông thuận lợi, các nhà đầu tư lớn tiếp tục ‘nhòm ngó” Sa Pa coi Sa Pa là “chiến lược” trong đầu tư dịch vụ du lịch, tất yếu là sẽ có hàng loạt các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào Sa Pa. Đây chắc chắn là những cơ hội không nhỏ giúp du lịch Sa Pa cất cánh.
          Tuy nhiên cùng với bức tranh màu hồng cho phát triển du lịch Sa Pa, Sa Pa cũng đang phải đối diện với những thách thức mà nếu không vượt qua thì du lịch Sa Pa không thể phát triển bền vững với những hệ quả khó lường trong những năm tới. Đầu tiên phải kể đến thách thức khi đường cao tốc khai thông, Sa Pa quá tải vào những dịp cuối tuần. Du khách lên Sa Pa tự do không theo kế hoạch sẽ không đặt được phòng nghỉ, họ sẽ quay lại thành phố Lào Cai nghỉ hoặc về lại Hà Nội trong ngày gây lãng phí nguồn khách. Cùng với việc quá tải dịch vụ sẽ kéo theo chất lượng phục vụ kém và tăng giá “chặt chém” khách. Thực tế cũng đã diễn ra như vậy khi khá nhiều cơ sở lưu trú không kê khai và bán theo giá niêm yết, cá biệt còn có các khách sạn rao bán giá phòng cực đắt trên trang quốc tế www.booking.com hoặc www.agoda.com gây phản cảm cho du khách và ảnh hưởng tới thương hiệu Sa Pa. Vào dịp cao điểm Sa Pa có tới khoảng hàng ngàn xe lớn nhỏ tại thị trấn, quá tải điểm đỗ gây lộn xộn, tắc đường cục bộ khó kiểm soát, Sa Pa đông đúc ngột ngạt tại thị trấn khiến du khách nước ngoài không còn hứng khởi vì thế vô hình chung Sa Pa sẽ mất đi lượng khách quốc tế trong tương lai. Sa Pa thực sự đang đứng trước nguy cơ tăng khách đại trà là khách nội địa và suy giảm khách quốc tế (những người ưa mạo hiểm nhưng lại thích sự yên tĩnh và hoang sơ).
          Chất lượng nhân lực lao động tại Sa Pa cũng đang là vấn đề nhức nhối khi hầu hết những nhà nghỉ đạt chuẩn có lao động đều không được đào tạo qua chuyên ngành du lịch, hơn nữa người lao động lại mang tính “thời vụ” rất khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong nghiên cứu nhu cầu và tuyển sinh đào tạo. Việc khai thác bản sắc văn hóa, văn nghệ mang bản sắc dân tộc tại Sa Pa chưa hấp dẫn. Sa Pa chưa có 1 chương trình văn nghệ dân tộc đặc sắc, bản địa phục vụ du khách trong tuần. Cũng có những đội văn nghệ dân tộc tại một số khu du lịch nhưng sân khấu hóa và biểu diễn chưa có hồn, chắc chắn ít để lại ấn tượng cho du khách, nhất là khách quốc tế.
          Mặc dù nhiều cơ sở lưu trú (176 cơ sở), nhưng lại thiếu những cơ sở chất lượng cao. Cả Sa Pa mới có 10 cơ sở đạt chuẩn từ 3-4 sao, chưa có khách sạn 5 sao (Chiếm 5% tổng số cơ sở lưu trú) – một tỷ lệ khách sạn cao cấp quá khiêm tốn trong một khu du lịch thương hiệu quốc tế chắc chắn sẽ không đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách có nhu cầu chi trả cao. Ngoài vùng thị trấn Sa pa thiếu các khu resort sinh thái cao cấp, thiếu sân golf (sân gôn) là những thách thức về đầu tư mà Sa pa đang đối mặt. Mặt khác các chủ đầu tư quan ngại vấn đề các dự án chuẩn bị đầu tư liên quan tới quy hoạch di tích ruộng bậc thang…Cả Sa Pa đang thiếu quy hoạch tổng thể phát triển du lịch.
          Nhưng có lẽ nhức nhối nhất ở Sa Pa bây giờ là nạn bán hàng rong, đeo bám khách. Mặc dù chính quyền huyện Sa Pa đã vào cuộc và nghiêm túc áp dụng hàng loạt giải pháp nhưng nguy cơ tăng số lượng đồng bào bán hàng rong, đeo bám khách trong khu vực thị trấn và các tuyến điểm du lịch có thể vẫn tiếp diễn với quy mô rộng hơn mà chưa có giải pháp giải quyết triệt để. Hiện tại đã có trên 500 người bán hàng rong trong khu vực thị trấn và các tuyến điểm du lịch gây phản cảm và khó chịu cho du khách. Nguyên nhân gốc của việc bán hàng rong là vấn đề xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề và lo cho việc làm của bà con đang là bài toán khó. Hơn nữa hạ tầng cho du lịch Sa Pa (đường giao thông) tới các tuyến điểm du lịch đang xuống cấp (Tuyến từ Sa Pa – Tả Phìn, Tả Van – Thanh Kim, Bản Khoang, Cát Cát)…và chưa đảm bảo an toàn cho du khách.
          Từ những nút thắt đáng lo ngại đó, du lịch Sa Pa trăn trở vượt qua bằng các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Trước hết nhìn tầm phát triển cho Sa Pa đến 2030 Sa Pa rất cần có một quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên cơ  Quy hoạch tổng thể chung du lịch của tỉnh,  quy hoạch đô thị du lịch Sa Pa để có thể sớm trình thủ tướng chính phủ công nhận, xếp hạng Sa Pa là khu du lịch quốc gia kịp thời làm lễ công bố gắn với năm du lịch quốc gia 2017 tại Lào Cai và các tỉnh Tây Bắc. Có thể giải quyết một phần quá tải Sa Pa bằng việc chuyển trụ sở hành chính của UBND huyện ra một vị trí mới để nhường khu này cho các nhà đầu tư lớn phát triển du lịch (nếu theo phương án này có thể đáp ứng tăng thêm 2000 phòng khách sạn cho Sa Pa). Khi khu vực thị trấn quá tải lượng khách quốc tế sẽ quan tâm tới các khu du lịch cách xa thị trấn gắn với bản làng dân tộc, gắn với ruộng bậc thang và muốn ngắm cảnh quan dọc dãy núi Hoàng Liên Sơn. Nắm bắt nhu cầu đó chúng ta nghiên cứu các dự án thu hút đầu tư xa hẳn trung tâm thị trấn Sa pa để đáp ứng và thu hút thêm khách Quốc tế đang chững lại khi Sa Pa quá tải tại thị trấn. Phấn đấu đến năm 2025, mỗi tuyến du lịch của Sa Pa sẽ có những dự án đầu tư du lịch sinh thái lớn được vận hành tạo sản phẩm đặc trưng và thu hút, sử dụng chủ yếu là lao động địa phương. Đặc biệt chú ý phát triển thêm sản phẩm du lịch – thể thao sân golf cho khách thu nhập cao gắn với khu resort sinh thái, tổ hợp khách sạn dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn 5 sao. Khu vực đầu tư ngoài thị trấn liên quan tới di tích ruộng bậc thang cần khoanh vùng chỉ rõ ranh giới để nhà đầu tư quan tâm lập dự án.
          Các bãi đỗ xe ngoài thị trấn cần được nghiên cứu thực hiện với mong muốn thị trấn Sa Pa trở thành một điểm du lịch yên tĩnh, đi bộ, không có tiếng ồn ảnh hưởng tới sinh hoạt của du khách. Nội thị Sa Pa nghiên cứu các xe điện đặc thù chuyên chở khách đảm bảo sinh thái tốt. Nghiên cứu các đường rẽ hạn chế xe máy của dân, ô tô của khách thập phương tập trung vào khu vực thị trấn…Trên các tuyến đường từ Lào Cai vào Sa Pa và tuyến du lịch từ Sa Pa tỏa đi các xã cũng cần phải khảo sát đầu tư đảm bảo an toàn cho du khách trên các đoạn nguy hiểm có thể xảy ra đá rơi, có vực sâu…
          Điều quan trọng giữ được thương hiệu du lịch Sa Pa đó là không những vừa giữ được cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc mà còn quan tâm xây dựng văn minh trong đón tiếp khách du lịch, chấm dứt nạn lang thang, ăn xin, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng bán hàng rong, đeo bám khách du lịch. Huyện Sa Pa cần phải xây dựng, triển khai các kế hoạch cụ thể liên quan đến lang thang, ăn xin, đeo bám, chèo kéo khách, có phương án sắp xếp các tuyến phố để bà con bán hàng lưu niệm…Đặc biệt quan tâm tới các dự án sinh kế gắn với xóa đói giảm nghèo, giúp đồng bào có công ăn việc làm, ưu tiên sắp xếp lao động là đồng bào dân tộc được làm việc trong các đơn vị du lịch tạo thu nhập nâng cao đời sống.
          Chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch Sa Pa cần được triển khai thông qua các cuộc thi sáng tác về biểu tượng, biểu trưng, các khẩu hiệu (slogan) để định hướng thương hiệu du lịch Sa Pa. Mặt khác tại Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch cần nâng cao văn hóa kinh doanh trong ứng xử với khách (nghiêm túc đăng ký, kê khai niêm yết bán đúng giá niêm yết), nghiêm túc chấp hành các quy định của nhà nước liên quan tới nghĩa vụ của doanh nghiệp, đoàn kết chung tay xây dựng thương hiệu du lịch Sa Pa trên cơ sở cộng đồng doanh nghiệp với phương châm thương hiệu du lịch Sa Pa như một tòa nhà đẹp, còn mỗi doanh nghiệp du lịch là những viên gạch xây lên tòa nhà ấy. Đồng thời sớm nghiên cứu triển khai chương trình văn nghệ đậm bản sắc vùng cao Sa Pa phục vụ du khách vào đêm thứ 7 cuối tuần.
          Bàn về du lịch Sa Pa thì còn nhiều trăn trở, nhưng với sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cùng với sự nỗ lực, chung tay góp sức của các ngành, huyện Sa Pa, sự ủng hộ của các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng hoàn toàn có thể tin tưởng trong tương lai không xa, Sa Pa sẽ gỡ dần những “nút thắt” phát triển du lịch theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, xứng đáng với thương hiệu Sa Pa trong lòng du khách.
Th. Sỹ: Nguyễn Đình Dũng – PGĐ Sở VHTTDL
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn