(23/8/2017) Đi chợ phiên ở Bát Xát
Bát Xát có hai phiên chợ nổi tiếng, không chỉ có vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt và tinh thần người dân, mà còn đặc biệt hấp dẫn khách du lịch bởi sự nguyên sơ và độc đáo của nó. Nằm trong khuôn khổ hoạt động Lễ hội mùa Thu Bát Xát 2017, hoạt động khám phá chợ phiên Mường Hum và Y Tý là hai sự kiện bạn không thể bỏ lỡ.
   Chợ Y Tý (xã Y Tý) họp sáng thứ Bảy hàng tuần, nằm cách Lào Cai 80km (khoảng 2h đi xe) và cách thị trấn Sa Pa 71km. Chợ họp tại Trung tâm xã Y Tý là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa của đồng bào Hà Nhì, Mông, Dao ở địa bàn các xã lân cận. Trên đường đến với phiên chợ Y Tý, bạn sẽ có cơ hội thưởng ngoạn cảnh sắc hùng vỹ hai bên đường hoặc ngắm đồng bào người Hà Nhì trong trang phục truyền thống với các sinh hoạt thường ngày.
Trên đường tới Y Tý (Ảnh: Nguyễn Chiểu)
 
   Đến phiên chợ Y Tý, có lẽ điều làm du khách háo hức nhất là được quan sát, tìm hiểu các nét văn hóa mua, bán truyền thống của đồng bào dân tộc, được quan sát những điều mà cuộc sống hiện đại của chúng ta dường như không bao giờ có. Đó là những nông cụ đan lát thủ công bằng mây rất cầu kì, những chiếc mâm, chiếc giỏ, những cái cuốc, thuổng rèn tay hay những món ăn truyền thống của người Hà Nhì, người Hmong, những bánh khảo, bánh dày của người Dao.
Phiên chợ Y Tý nổi bật với sắc xanh lam trang phục người Hà Nhì
 
   Cách chợ Y Tý 28km về phía Tây là chợ Mường Hum (cách TP Lào Cai 49km), một chợ phiên có lịch sử lâu đời từ nhiều năm về trước. Chợ chỉ họp sáng Chủ Nhật hàng tuần, và là nơi giao thương trao đổi hàng hóa của các xã Mường Hum, Bản Xèo, Dền Thàng, Pa Cheo, Dền Sáng, Trung Lềnh Hồ và Sàng Ma Sáo. Chính bởi vị thế là trung tâm của khu vực những xã này nên chợ nằm trọn trong lòng thung lũng Mường Hum, bốn phía là núi non trùng điệp, cảnh sắc quả thật vô cùng kỳ vĩ. Đồng bào Mông, Dao, Dáy, Hà Nhì ở các xã muốn đi họp chợ phải băng rừng già, lội suối Mường Hum để tới phiên chợ quan trọng này.

 

Vượt thác băng đèo đến Mường Hum
   Nếu xuất phát từ Lào Cai, du khách có thể đón xe ca tại bến xe nội tỉnh Lào Cai (đường Minh Khai, phường Phố Mới, TP Lào Cai) mất khoảng 2 giờ ngồi xe để tới được chợ nên muốn dự chợ vào sáng Chủ nhật, bạn có thể đi thăm Y Tý từ thứ 7, sau đó di chuyển và nghỉ lại một đêm tại Mường Hum, đợi tới sáng Chủ nhật để dự chợ phiên Mường Hum. Đối với khách đi từ Sa Pa tuy tuyến đường có khác nhau nhưng thời gian tương tự là khoảng 2h ngồi xe khách, bạn có thể đi xe khách từ bến xe huyện Sa Pa (nằm trên quốc lộ 4D). Rất đông du khách nước ngoài sau khi tham quan Sa Pa đều lựa chọn đi tới Nậm Pung để được đi bộ (trekking) tới Mường Hum.

Phiên chợ Mường Hum tập nập người mua - kẻ bán


Thưởng thức bánh rán truyền thống ở chợ.

   Vậy chợ Mường Hum đặc sắc mà nổi tiếng đến vậy? Trước tiên, cũng giống như chợ Y Tý, đây là phiên chợ chỉ họp 1 lần/ tuần, vì vậy đối với đồng bào, đây chắc chắn là phiên chợ không thể lỡ. Ai có nông sản, nông cụ, hàng hóa muốn bán, muốn trao đổi chắc chắn phải đi. Ai muốn tìm bạn, gặp bạn, trò chuyện tâm tình, chắc chắn càng phải đi. Trẻ con muốn đi, người già đương nhiên càng không thể vắng. Họ tới chợ không chỉ để trao đổi hàng hóa mà còn để trò chuyện tâm tình, “đi chơi chợ” là thế! Chính bởi đó mà chợ rất đông đúc, rất đậm bản sắc dân tộc vùng cao. Tỉ như đi chợ Mường Hum, gặp một chị người Hà Nhì bán chỉ 3 quả trứng, chỉ đôi mớ rau! Đấy, họ đi chợ chỉ vậy thôi. Hoặc là đến chợ để gặp gỡ người bạn lâu năm nhưng ở mãi bên kia 3 quả đồi nên có bao điều để nói chẳng kể xiết.


 
   Cho dù là chợ Mường Hum hay Y Tý thì đều hấp dẫn người ta bởi những cái nhỏ nhặt và chân phương như thế. Không cầu kì, không có công nghệ, những phiên chợ ấy đậm cái tình, đậm cái nguyên sơ của vùng đất và con người nơi đây. Bởi thế, nhớ ghé thăm chợ phiên Bát Xát dịp Lễ hội mùa Thu Bát Xát 2017 để trải nghiệm một cuộc sống vùng cao thực sự nơi đây!
Bùi Hà (ảnh: sưu tầm)
  • (21/8/2017) Bạn đã trải nghiệm văn hóa Mông ở Bản Cát Cát (Sa Pa – Lào Cai) chưa? (08/21/2017)
  • (21/8/2017) Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2017 (08/21/2017)
  • (17/8/2017) Cảnh báo sạt lở, mưa lũ ở Lào Cai (08/17/2017)
  • (17/8/2017) Khám phá Lễ hội mùa Thu tại Bát Xát (08/17/2017)
  • (17/8/2017) LẦN ĐẦU TIÊN: Bát Xát tổ chức Giải leo núi “Chinh phục đỉnh Lảo Thẩn” năm 2017 (08/17/2017)
  • (01/8/2017) Thay đổi thời gian tổ chức Lễ hội mùa thu tại Bát Xát (08/01/2017)
  • (31/7/2017) Tạm dừng không đón khách đến hành lễ Đền Bảo Hà (08/01/2017)
  • (31/7/2017) Bế mạc Khóa đào tạo quản lý và phát triển điểm đến tại Lào Cai (07/31/2017)
  • (26/7/2017) Lễ hội du lịch mùa thu lần đầu tiên được tổ chức tại Bát Xát (07/26/2017)
  • (24/7/2017) Khách sạn Amazing Sapa tổ chức Lễ đón nhận quyết định công nhận khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao (07/24/2017)
  • (13/07/2017) Hội thảo giới thiệu du lịch thành phố Cần Thơ tại tỉnh Lào Cai (07/13/2017)
  • (12/07/2017) Lào Cai tham gia Khóa đào tạo viên Kỹ năng lãnh đạo cho quản lý cấp cao (07/12/2017)
  • (9/7/2017) THƯỞNG THỨC CÁC ĐẶC SẢN ĐẬM CHẤT NÚI RỪNG TẠI LỄ HỘI RƯỢU VÀ ẨM THỰC TÂY BẮC (07/09/2017)
  • (9/7/2017) KHAI MẠC LỄ HỘI RƯỢU VÀ ẨM THỰC TÂY BẮC (07/09/2017)
  • (06/7/2017) LẦN ĐẦU TIÊN: Cáp treo Fansipan Sa Pa tổ chức Lễ hội rượu và ẩm thực Tây Bắc (07/06/2017)
  • THÔNG TIN LIÊN HỆ
    CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
    Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
    Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
    Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

    Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
    Sốđiện thoại: 02143.669898;

    Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn