(23/06/2021) Đôi nét về hành trình hình thành và phát triển Du lịch Lào Cai những năm 1991-2004

Ngày 12-8-1991, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Ngày 1-10-1991 tỉnh Lào Cai được tái lập trên cơ sở vùng đất Lào Cai (cũ) và bổ sung thêm ba huyện: Bảo Yên, Văn Bàn (thuộc Yên Bái cũ), Than Uyên (thuộc Nghĩa Lộ cũ) bao gồm 8 huyện, 2 thị xã, đánh dấu một bước phát triển mới của tỉnh Lào Cai. Khi tái lập, tỉnh Lào Cai có diện tích tự nhiên là 8.044 km2, gồm 8 huyện với 180 xã, phường, thị trấn, tỉnh lị là thị xã Lào Cai. Tháng 8 năm 2000, huyện Bắc Hà được tách thành 2 huyện Bắc Hà và Si Ma Cai, đến tháng 1 năm 2002 thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường sáp nhập thành thị xã Lào Cai. Tháng 1 năm 2004, huyện Than Uyên chuyển về tỉnh Lai Châu. Ngày 30-11-2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 195/2004/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Lào Cai thuộc tỉnh Lào Cai. Đến nay, tỉnh Lào Cai gồm thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và 7 huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn. Diện tích tự nhiên 6.364,02 km2 (chiếm 2,44% diện tích cả nước, là tỉnh có diện tích lớn thứ 19/64 tỉnh, thành phố cả nước).

Hành trình 30 năm tái lập tỉnh Lào Cai
Giai đoạn 1991-1995, tăng trưởng kinh tế trung bình của Lào Cai đạt 11,8%/năm (cả nước đạt 8,2%/năm), thể hiện bước chuyển đầu tiên của nền kinh tế sang cơ chế thị trường. Giai đoạn 1996 - 2000, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Lào Cai giảm do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ của châu Á. Nền kinh tế Lào Cai tuy không chịu tác động trực tiếp, nhưng sự cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, thu hút nguồn vốn từ bên ngoài giảm nên đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế của Lào Cai, tăng trưởng bình quân đạt 5,8%/năm. Tính bình quân trong 10 năm (1991-2000), tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 9,0%/năm (cả nước đạt 7,6%). Những kết quả trên khẳng định bước chuyển biến đầu tiên, quan trọng của nền kinh tế tỉnh Lào Cai trong những năm đầu tái lập.
Trong 10 năm tiếp theo (2001-2011), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Lào Cai trung bình 12,5%/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế từ năm 2001 đến năm 2011 luôn ở mức 2 chữ số, cao hơn những năm đầu tái lập tỉnh, cao hơn so với mức tăng của cả nước và nhiều địa phương khác. Kết quả đó khẳng định đường lối đổi mới của Đảng đã được vận dụng sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tình hình tỉnh Lào Cai. Kết thúc năm 2015, tỉnh Lào Cai đạt thắng lợi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong tổng số 27 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV, có 25 chỉ tiêu vượt và đạt; 2 chỉ tiêu đạt trên 56%. Trong tổng số 393 mục tiêu của 7 chương trình, 27 đề án, có 313 mục tiêu vượt và đạt; 48 mục tiêu đạt trên 80%.
Giai đoạn 2016 – 2020, Lào Cai tăng trưởng bình quân đạt 9,08%. GRDP bình quân đầu người đạt 76,3 triệu đồng, đứng thứ 2 trong các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.
Trong quá trình phát triển, Lào Cai phát huy tốt vai trò, vị trí của mình, luôn đặt trong mối liên kết của vùng và cả nước; là tỉnh trung tâm của khu vực Tây Bắc, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, hoạt động đối ngoại và xây dựng Đảng của khu vực. Trong đó, ngành du lịch Lào Cai cũng có những định hình, ổn định và phát triển qua các thời kỳ, bắt đầu triển khai một hành trình đầy tự hào gắn với quá trình tái lập và phát triển tỉnh Lào Cai.
Du lịch Lào Cai: Gian khó khởi đầu
Ngày 12/8/1991, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 8 đã ban hành Nghị quyết sáp nhập Tổng cục Du lịch vào Bộ Thương mại và Du lịch. Ngày 26/10/1992, Chính phủ ra Nghị định số 05/NĐ-CP thành lập Tổng cục Du lịch là cơ quan thuộc Chính phủ. Song song với việc ổn định bộ máy quản lý Nhà nước ở Trung ương, Tổng cục Du lịch đã nghiên cứu phương án kiện toàn hệ thống quản lý Nhà nước ở các địa phương, trong đó các tỉnh có du lịch phát triển thành lập Sở Du lịch. Tại Lào Cai, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Thương mại và Du lịch thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về du lịch ở địa phương. Thời điểm những ngày đầu thành lập, bộ máy quản lý nhà nước về du lịch mới chỉ hình thành ở cấp tỉnh, các huyện thị xã chưa có bộ máy quản lý chuyên trách, các phòng văn hóa thông tin địa phương chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, chưa xác định được nhiệm vụ tham mưu quản lý và định hướng phát triển du lịch rõ nét, diện mạo du lịch Lào Cai những ngày ban đầu chủ yếu dựa vào các cơ sở vật chất do nhà nước đầu tư và quản lý.
Trong giai đoạn 1991 – 1995, hệ thống giao thông chủ yếu dựa vào quốc lộ 70 đã xuống cấp. Đường sắt Hà Nội – Lào Cai chưa được nâng cấp cải tạo để phục vụ khách du lịch, việc vận chuyển người và vận tải hàng hóa đến Lào Cai còn nhiều khó khăn. Du lịch Lào Cai thời điểm này chưa có các khu điểm và dịch vụ du lịch hấp dẫn, chủ yếu do các nhà khách, khu nhà nghỉ của các ngành và địa phương cung cấp. Năm 1992, tỉnh có 2 cơ sở nhà khách với 50 phòng, 150 giường. Toàn tỉnh đón 8.000 lượt khách du lịch/năm.
Thời điểm gian khó giai đoạn đầu thành lập này, du lịch Lào Cai tập trung hình thành bộ máy quản lý nhà nước về du lịch, bước đầu hình thành tầm nhìn, kế hoạch thúc đẩy phát triển du lịch nhà nước và ngoài quốc doanh. Công ty du lịch Lào Cai – doanh nghiệp du lịch quốc doanh đầu tiên của tỉnh cũng ra đời. Hoạt động thông thương và đón khách du lịch quốc tế qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai cũng bắt đầu khai thông. Tuy cơ sở vật chất du lịch ban đầu mới thiết lập nhiều khó khăn, hoạch định du lịch còn đơn giản, định hướng và thực tiễn của ngành còn nhiều bất cập nhưng du lịch Lào Cai đã được du khách tìm đến, cơ hội phát triển ngành dịch vụ mà tỉnh có nhiều tiềm năng bước đầu được nắm bắt.

Lào Cai chuyển mình thành đô thị hiện đại - phát triển bậc nhất vùng Tây Bắc - Việt Nam
Du lịch Lào Cai 30 năm: Mốc son khởi đầu ngày tái lập
Giai đoạn 1996 - 2000, do hệ thống giao thông vẫn khó khăn khó khăn, đời sống kinh tế chưa phát triển năng động, nên du lịch Lào Cai vẫn xác định mục tiêu khiêm tốn là “thu hút khách và tăng thu vào ngân sách” trên cơ sở định hướng triển khai đầu tư xây dựng khu du lịch Sa Pa, thúc đẩy khai thác các di tích địa phương, đẩy mạnh quản lý du lịch v.v... Từ đó, Tỉnh đã quan tâm tập trung hơn trong đầu tư phát triển du lịch. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ II nhiệm kỳ 1996 - 2000, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XII đã đánh giá: Kinh tế du lịch có bước phát triển khá cả về xây dựng quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, xúc tiến và quảng bá, đã quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ và nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch. Lượng du khách tăng bình quân hàng năm 57%, doanh thu tăng 73% và nộp ngân sách tăng 18%. Đây là những đánh giá quan trọng, ghi nhận nhiều nỗ lực của ngành và tạo tiền đề cho những chủ trương ưu tiên phát triển du lịch Lào Cai của tỉnh về sau.
Bước vào giai đoạn 2001-2005, nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch hơn nữa, Đảng bộ tỉnh Lào Cai chủ trương: Về du lịch, cần mở rộng hơn địa bàn và hình thức hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm về du lịch và các dịch vụ vận tải, bưu điện, tài chính, tư vấn..., có cơ chế quản lý phù hợp theo hướng nhanh gọn về thủ tục, dịch vụ văn minh để tăng nhanh sự phát triển. Tăng cường đầu tư và quảng bá khu du lịch Sa Pa và những khu du lịch khác trong tỉnh nhằm thu hút ngày càng nhiều các du khách.
Ngày 16-3-2001, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 77/2001/QĐ-UB “Về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình hành động du lịch Lào Cai 2001-2005”. Tỉnh ủy Lào Cai cũng đã ban hành kế hoạch số: 03/KH-TU Về thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch trọng tâm đến năm 2005. Đồng thời, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng xây dựng Đề án phát triển kinh tế du lịch Lào Cai giai đoạn 2001 - 2005. Trong quá trình tổ chức, thực hiện, Đảng bộ tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình hành động du lịch, để đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất nhằm chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án đề ra. Cùng với đó, tỉnh Lào Cai đã ban hành các văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý, đưa các hoạt động du lịch vào nề nếp như: Quyết định 187/QĐ-UB của UBND tỉnh ngày 28/5/2001 Về quản lý xuất nhập cảnh tại khu kinh tế cửa khẩu; Chỉ thị số 08/2002/CT-UB ngày 22/5/2002 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản l‎ý hoạt động kinh doanh thương mại - du lịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về du lịch được tăng cường trên cơ sở kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch từ tỉnh đến các huyện, thành phố. Đồng thời, tỉnh tiến hành sắp xếp, chuyển đổi hệ thống các doanh nghiệp du lịch cho phù hợp với tình hình mới nhằm nâng cao năng lực, tạo ra những sản phẩm du lịch mới có sức cạnh tranh cao, từng bước vươn ra các thị trường trong nước và quốc tế. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đẩy mạnh, tạo ra sự nhận thức đúng đắn, sâu rộng trong các cấp, các ngành, người dân, các đơn vị kinh doanh và khách du lịch trong việc chấp hành nghiêm các quy định Pháp luật.
Trong giai đoạn này, những chương trình hợp tác trong nước và quốc tế về du lịch cũng triển khai đạt nhiều kết quả, đặt nền móng cho sự tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm, nâng cao năng lực quản lý và định hình chiến lược phát triển du lịch Lào Cai theo nhu cầu thị trường du lịch quốc tế. Có thể kể ra những chương trình hợp tác tiêu biểu như:
Năm 2002 Chương trình hợp tác phi tập trung Pháp - Việt giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và vùng Aquitaine (Cộng hòa Pháp) đã ký kết, đặt nền móng cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai địa phương, từ đó với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia Pháp, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2005 – 2010 và định hướng 2020 đã được nghiên cứu xây dựng và công bố. Bản quy hoạch là căn cứ xây dựng và phát triển ngành du lịch Lào Cai một cách bền vững, chất lượng cao. Với bề dày kinh nghiệm của một đất nước hàng đầu thế giới về phát triển du lịch, các chuyên gia vùng Aquitaine đã dày công khảo sát, phân tích, đánh giá thị trường khách du lịch...để hoàn thành quy hoạch với các tuyến điểm và sản phẩm du lịch đặc sắc. Gắn với quy hoạch này là kế hoạch hành động du lịch tỉnh Lào Cai; là sự ra đời của Nhà du lịch Sa Pa (Trung tâm Thông tin Du lịch Lào Cai, nay là Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai), một trong những mô hình đón tiếp thông tin tư vấn du lịch hàng đầu Việt Nam; xây dựng nhãn hiệu chất lượng Fansipan và bộ tập gấp giới thiệu du lịch Lào Cai 2 thứ tiếng Anh, Pháp và website giới thiệu du lịch Lào Cai đến thị trường quốc tế sapa-tourism.com, đồng thời Quy chế đô thị du lịch Sa Pa cũng được ban hành.

Sa Pa - thành phố du lịch trong sương - điểm đến hàng đầu của du lịch Việt Nam và Tây Bắc
Năm 2005, ba tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai đã hợp tác xây dựng và tổ chức chương trình du lịch về cội nguồn và được duy trì đến năm 2008. Từ chương trình này, Lễ hội Đền Thượng đã được tổ chức hàng năm. Hội chợ Thương mại Quốc tế hợp tác với Vân Nam - Trung Quốc cũng khởi động. Các tuần văn hóa du lịch Sa Pa, Bắc Hà hàng năm được diễn ra với nhiều hoạt động mang tính truyền thống đặc sắc thu hút khách du lịch, nhờ đó các lễ hội dần vang danh như  như: Lễ hội trên mây Sa Pa; Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà; Chảo thắng cố được sách kỷ lục Guiness Việt Nam; Giải thể thao tổng hợp Raid Gouloise Bắc Hà v.v…
Nhờ những nỗ lực vượt bậc trong giai đoạn khởi đầu, du lịch Lào Cai dần định hình và phát triển, hình thành rõ nét các loại hình và sản phẩm du lịch, tạo thương hiệu và điểm đến hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế. Theo thống kê trong giai đoạn này, lượng khách du lịch đến Lào Cai tăng theo từng năm. Năm 2001 mới có 252.850 lượt khách du lịch đến Lào Cai, trong số đó, khách du lịch quốc tế là 170.153, chiếm 67,3%. Năm 2005, Lào Cai đã đón 480.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 70%. Doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2001 đạt 56.537 triệu đồng, đến năm 2005 đạt 176.000 triệu đồng, mức tăng bình quân giai đoạn này đạt 14,5%/năm. Số thu nộp ngân sách từ các hoạt động du lịch đạt bình quân gần 15 tỷ đồng/năm. Tính chung trong giai đoạn 2001-2005, Lào Cai đón 1.956.000 lượt khách, tăng 8,7% so với đề án, mức tăng bình quân giai đoạn này là 17,5 %. Đến năm 2005, tỷ trọng GDP du lịch ước đạt 8,1 % so trong cơ cấu GDP của tỉnh, vượt 0,1% so với đề án (tính theo giá điều chỉnh mới).
Những số liệu trên đã cho thấy trong những năm 2001-2005, hoạt động du lịch tỉnh Lào Cai đã thu được một số kết quả tương đối khả quan: Số lượng, chất lượng khách tăng nhanh, bước đầu tạo được thương hiệu du lịch Lào Cai đến bạn bè trong nước và quốc tế. Du lịch đã dần trở thành ngành kinh tế phát triển tốc độ cao, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Công tác quản lý nhà nước về du lịch cũng đã được nâng cao, bước đầu tạo môi trường thuận lợi, từng bước thu hút và tạo dựng được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn bản lề tiếp theo của du lịch Lào Cai.
Phạm Tất Thành (ảnh: Dương Toản)
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn