Bài học từ du lịch cộng đồng ở Lào Cai
Mô hình du lịch cộng đồng thường dễ làm và có thể đem lại hiệu quả cao đối với việc xóa đói giảm nghèo vì nó đòi hỏi đầu tư ít. Cộng đồng dân cư ở các địa phương Lào Cai có lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng vì di sản thiên nhiên và văn hóa nơi đây rất phong phú, đặc sắc.
 
                          Du khách nước ngoài thăm quan tại xã Tả Van (Sa Pa).     Ảnh: Trần Anh
 
Khi du lịch cộng đồng phát triển, nhất là đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, người dân đã có ý thức giữ nếp sống hợp vệ sinh, sửa sang nhà cửa, bảo vệ cảnh quan môi trường, di sản văn hóa truyền thống có giá trị được phát huy. Sự tác động và phát triển của du lịch vào cộng đồng người dân tộc thiếu số, đã dẫn đến sự chuyển đổi nghề nghiệp của cư dân bản địa, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ngành nghề sản xuất ở nông thôn từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, xóa đói giảm nghèo. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay ở Lào Cai, đối với tiêu chí chuyển dịch cơ cấu kinh tế thì việc tập trung nghiên cứu xây dựng và nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng ở các địa phương cũng là một trong những giải pháp, hướng đi hiệu quả.
                                          Khu du lịch Topas Ecolodge (Sa Pa).     Ảnh: Hồng Minh
 
Từ thành công của Sa Pa…
Là trung tâm du lịch của Lào Cai, trong những năm gần đây, du lịch Sa Pa phát triển với tốc độ rất nhanh, đặc biệt mô hình du lịch cộng đồng tại Sa Pa được xem là một trong những điển hình tiêu biểu về tính hiệu quả của loại hình du lịch này. Từ những mô hình du lịch cộng đồng thí điểm như Cát Cát, Sín Chải (xã San Sả Hồ), Bản Dền với vài hộ dân tham gia đến nay Sa Pa đã nhân rộng mô hình này ra nhiều xã như: Tả Van, Tả Phìn, Nậm Cang, với sự tham gia của hàng trăm hộ dân làm du lịch, doanh thu của nhiều hộ dân đạt 40 - 50 triệu đồng/năm đến hàng trăm triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo ở các điểm du lịch giàu nhanh gấp 2 – 3 lần so với các nơi khác. Xã Cát Cát có 20 – 30% số người dân tham gia thường xuyên vào các hoạt động du lịch (bán hàng, hướng dẫn khách, biểu diễn văn nghệ…, thu nhập bình quân từ 2.000.000 đến 3.000.000đ/ tháng/người. Toàn xã có trên 50 hộ kinh doanh thổ cẩm, hàng lưu niệm, dệt lanh, thủ công mỹ nghệ; tính trung bình thu nhập của người dân khoảng trên dưới 1.000.000đ/người/tháng.
Đến thành công của nhiều địa phương
Từ mô hình du lịch cộng đồng ở Sa Pa, hiện nay huyện Bắc Hà đã bắt đầu chú trọng xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch ở Trung Đô, Tả Van Chư, Tà Chải, Na Hối, Bản Phố. Ở Mường Khương là điểm du lịch Cao Sơn có lợi thế khí hậu trong lành, mát mẻ, hệ thống rừng già nguyên sinh, chợ văn hóa Cao Sơn, những nếp nhà tường trình của đồng bào Mông còn giữ nguyên bản sắc truyền thống… luôn hấp dẫn sự tìm hiểu, khám phá của du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Bát Xát cũng đang tích cực triển khai xây dựng mô hình này, bước đầu thí điểm tại xã Mường Hum.
Du lịch cộng đồng phát triển dẫn đến các nguồn thu nhập cho hộ gia đình cũng có biến đổi, với nguồn thu từ việc tham gia vào các dịch vụ du lịch, bổ sung vào nguồn thu từ nông nghiệp đã tạo ra sự bền vững cho kinh tế của các hộ gia đình. Nguồn thu từ du lịch cộng đồng có từ nhiều loại hình dịch vụ như thu từ dịch vụ lưu trú, bán các sản phẩm đặc sản địa phương, đồ lưu niệm, làm hướng dẫn viên…
Xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo
Ở Sa Pa, dịch vụ lưu trú tại gia (homestay) phát triển ở những điểm như Tả Van, Tả Phìn, Bản Dền trước khi có thủy điện xây dựng cũng có nguồn thu rất lớn từ dịch vụ này. Bán các sản phẩm lương thực, thực phẩm, con vật nuôi mang tính đặc sản của các địa phương như rau Sa Pa, rượu Shan Lùng (Bát Xát), thắng cố Bắc Hà, gạo Sén Cù Mường Khương, thịt hun khói, lạp xường, gà đồi, lợn cắp nách… cũng mang  lại nguồn thu lớn cho người dân. Các sản phẩm này không chỉ được tiêu thụ tại thị trường địa phương mà còn có thể phát triển thành thương hiệu phân phối rộng rãi, có sức hấp dẫn rất lớn đặc biệt là với khách du lịch nội địa.
Nghề thủ công truyền thống độc đáo của nhiều dân tộc theo đó cũng được khôi phục, những sản phẩm lưu niệm này rất được du khách, đặc biệt là khách quốc tế yêu thích đem lại giá trị kinh tế cao. Điển hình như thổ cẩm của người Mông ở Cát Cát, thổ cẩm của người Dao đỏ ở Tả Phìn… là các sản phẩm, đồ lưu niệm như áo, khăn, gối, túi đeo điện thoại di động, ví, mũ, túi xách tay, ba lô du lịch...; sản phẩm chạm khắc bạc như nhẫn, vòng tay, sợi dây chuyền bạc, các hình kỷ niệm bằng bạc…; thậm chí đến các đồ vật cũ cũng có thể trở thành hàng hóa mang bán như đồ trang sức bằng bạc nguyên chất của người dân tộc thiểu số, cái trống, cái mõ trâu…; hay như nghề lấy lá thuốc, lá thuốc tắm truyền thống của người Dao đỏ đang ngày càng nổi tiếng và có giá trị kinh tế cao.
Du khách đến thăm các làng văn hóa du lịch thường có nhu cầu xem văn nghệ. Vì vậy việc xây dựng các đội văn nghệ dân gian khai thác vốn dân ca dân vũ phong phú, đặc sắc của các dân tộc để phục vụ du khách là vấn đề cần thiết, mang lại việc làm và nguồn thu khá cho người dân. Một số đội văn nghệ hoạt động khá hiệu quả, thường xuyên như đội văn nghệ Cát Cát, đội văn nghệ Na Hối, đội xòe Tà Chải…
Bài học kinh nghiệm gì?
Dù đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, nhưng du lịch cộng đồng hình thành và phát triển ở các địa phương Lào Cai đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ phát huy thế mạnh văn hóa bản địa của các dân tộc mà còn góp phần lớn vào xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Mô hình du lịch cộng đồng được ngành Du lịch Lào Cai lựa chọn để xây dựng chiến lược phát triển cụ thể. Năm 2013, doanh thu từ hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đạt 29 tỷ đồng.
Để phát triển loại hình du lịch này này thì nguyên tắc trước hết là phải đề cao tính cộng đồng, phải có được sự tham gia rộng rãi của người dân, người dân phải trở thành chủ thế, được đảm bảo lợi ích. Phải có sự liên kết chặt chẽ về quyền lợi và nghĩa vụ giữa nhà nước, người dân tham gia làm du lịch, doanh nghiệp du lịch và nhà tư vấn. Vai trò của nhà nước, ở đây là ngành VHTTDL, ngành LĐTBXH phối hợp với các cấp, các ngành khác, phải tham gia đào tạo, định hướng cho người dân làm du lịch cộng đồng. Phải có chính sách hỗ trợ người dân làm du lịch cộng đồng thông qua các hình thức như ưu đãi vay vốn ngân hàng, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, làm nhà vệ sinh…
Phát triển du lịch cộng đồng phải gắn với những nét đặc sắc của địa phương, tránh trùng lặp, tràn lan như kinh nghiệm của một số nơi phát triển du lịch cộng đồng một cách ồ ạt, sản phẩm du lịch giống nhau dẫn đến tour tẻ nhạt, mất dần bản sắc. Di sản văn hóa là nguồn lực cho du lịch cộng đồng phát triển. Và ngược lại, du lịch càng phát triển thì càng khuyến khích người dân bảo tồn được di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Phát triển du lịch cộng đồng không chỉ coi trọng chất liệu truyền thống để xây dựng các sản phẩm du lịch, mà quan trọng hơn là thực hành các di sản văn hóa ngay tại cộng đồng theo hướng phát triển du lịch bền vững./.
TS. Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn