Giữa màu xanh ngút ngàn của núi rừng Hoàng Liên, thấp thoáng bóng dáng các cô gái người dân tộc Dao Đỏ khoác lên mình bộ trang phục truyền thống với sắc đỏ tươi tắn, rực rỡ tựa như những bông hoa xinh đẹp. Bên cạnh sắc đỏ rực rỡ nổi bật cuả trang phục các cô gái là màu chàm xanh đen trang phục các chàng trai. Màu đỏ và màu chàm xanh đen hòa quyện với màu xanh của núi rừng tạo lên một bức tranh độc đáo vừa lung linh vừa trầm ấm, vừa rực rỡ vừa tĩnh lặng.
Để tạo lên bức tranh lung linh, huyền ảo đó đồng bào Dao Đỏ phải tốn nhiều công sức và thời gian. Xen cạnh các nương ngô, nương lúa người dân trồng những nương bông, nương chàm để làm vải phục vụ cái mặc. Với người Dao Đỏ, trồng bông, trồng chàm cũng quan trọng như trồng lúa. Người ta thường gieo hạt vào tháng một, tháng hai để tránh cái lạnh kéo dài của mùa đông. Khi lấy được bông, người Dao Đỏ không tự dệt vải mà chuyển bông cho người Tày dệt, rồi lấy lại một phần vải đó để dùng. Người già kể lại rằng trước đây người Dao Đỏ cũng tự dệt vải nhưng do thức đêm để dệt vải nên bị hổ ăn thịt. Còn người Tày có nhà sàn cao nên hổ không vào nhà được. Từ đó người Dao Đỏ chuyển bông cho người Tày dệt vải.
Từ tấm vải trắng thô, muốn thêu được những họa tiết hoa văn đẹp người phụ nữ phải cẩn thận, tỉ mỉ nhuộm chàm nhiều lần để có được màu xanh đen. Trên nền chàm xanh đen đó người ta mới có thể thêu được các hoa văn như ý muốn. Màu của chỉ thêu cũng dùng các cây có sẵn trong tự nhiên để nhuộm như: củ nghệ,
cây chẳm giằng, cây
bộp ché huê, cây
chẳm men, cây
sở mủa đéng, cây
chẳm bua. Tơ để nhuộm các màu phải được tẩy trắng bằng nước tro rơm nếp trước.
Một bộ trang phục hoàn chỉnh của phụ nữ người Dao Đỏ gồm: áo
- sía ton lùi đáo, quần
- sía hấu, yếm
- chờ pồng, xà cạp –
lặp peng, thắt lưng
- tồm lờ xin, khăn đội đầu -
hồng, cùng đồ trang sức như nhẫn, vòng cổ, vòng tay, hoa tai. Ở vùng cao có khí hậu giá lạnh bộ trang phục của nữ giới còn có thêm một thắt lưng -
lẹ xin ton, tấm vải quàng trên vai
- lùi xoàng, tấm vải đeo sau mông -
lùi kia. Các xã phía tây huyện Bát Xát không có thắt lưng và các tấm vải đeo sau lưng nhưng lại có thêm tạp dề -
xoàng pống. Bộ trang phục của nam thì đơn giản hơn, bao gồm khăn đội đầu
- gỏong pêu, áo -
lùi ton, quần -
hẩu ton và nhẫn đeo tay
- pờ độ deng. Vào dịp lễ hội, người ta sẽ mặc những bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất. Bộ quần áo đẹp cũng góp phần làm con người ta thăng hoa, phấn chấn hòa quyện vào với không khí tươi vui của lễ hội.
Đặc biệt trên trang phục người Dao Đỏ có nhiều loại hoa văn mang tính biểu tượng như hoa văn biểu tượng chim thú hình con chim -
lỏ, hình nốt chân con mèo -
lổm trêu, chân con cào cào -
chổm nghiu, mắt con hổ -
tồm xiền mùng mày, chân con chó -
chù tẻn xăm, chân con ngựa -
mả. Hoa văn biểu tượng mặt trời như mặt trời bé -
bộ ung ton, mặt trời to -
tôm bộ ung, hoặc một số hình hoa với các hệ thống nhiều cánh hoa xếp đối xứng qua tâm như hình hoa tám cánh -
chẹm nhắt, quả nhim, hình hoa nhiều cánh khắc trên cúc áo. Hoa văn hình người -
chằn ton. Hoa văn hình dấu thập ngoặc như
cáo,
chù tẻn xăn (hoa nhiều chân),
chù tẻn hươu, chuồn bổ đố. Hoa văn liên quan đến tín ngưỡng như ma tổ tiên -
phản xinh. Người phụ nữ Dao Đỏ dường như đã mang hơi thở của núi rừng vào bộ trang phục. Bằng trí tưởng tượng phong phú kết hợp với tính cần cù, nhẫn nại, sự tỉ mỉ, khéo léo trong từng đường kim, mũi chỉ họ đã biến những điều đơn giản trong đời sống thường ngày thành những họa tiết hoa văn tinh tế, sắc sảo trên trang phục.
Điểm nổi bật trên trang phục của nữ giới là màu đỏ rực rỡ của chiếc khăn đội đầu. Nó như bông hoa rừng rực rỡ giữa nền chàm xanh đằm thắm của bộ trang phục. Giữa lòng núi rừng tĩnh mịch, màu đỏ đã mang lại không gian rực rỡ, ấm áp, làm cho cả khu rừng như bừng sáng, tươi mới hơn. Ngoài ra màu đỏ còn ngầm thể hiện niềm mong ước của người Dao Đỏ về một cuộc sống đầy đủ, ấm no, hạnh phúc và mang lại nhiều may mắn. Trang phục nam giới không được trang trí nhiều hoa văn như nữ giới. Phần lớn là màu chàm xanh đen, chỉ được điểm xuyết một chút hoa văn ở tay áo. Tuy không sặc sỡ, nổi bật nhưng nó lại hòa quyện, gần gũi với màu xanh của núi rừng. Mang lại cho ta cảm giác bình yên nhưng vẫn mạnh mẽ.
Để có được bộ trang phục vừa đẹp, vừa bền ngay từ khi còn bé các cô gái Dao Đỏ đã được các bà mẹ dạy cách thêu, cách cắt khâu quần áo. Đến khi biết làm duyên, đi lấy chồng cũng là lúc những đường thêu, mũi chỉ đã thành thục và tự làm được những bộ quần áo đẹp nhất. Bằng cách truyền nghề, chỉ dẫn tỉ mỉ của các bà, các mẹ mà cách thêu, khâu quần áo của đồng bào Dao Đỏ không hề bị mai một. Đó cũng là cách người Dao Đỏ trao truyền và tiếp nối các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Với tính nhẫn nại, cần cù và đôi bàn tay khéo léo, nghệ thuật tinh tế trong sử dụng màu sắc, người Dao Đỏ đã tô điểm thêm cho bộ trang phục của mình thêm phần rực rỡ, như đóa hoa ngời sắc giữa núi rừng Hoàng Liên mà không lẫn với bất cứ dân tộc
Trang phục phụ nữ Dao Đỏ ở Bảo Thắng, Lào Cai.
Ảnh: Phan Thị Phượng
Trong dịp lễ hội các chị em phụ nữ xúng xính trong những bộ trang phục mới.
Ảnh: Phan Thị Phượng