(24/09/2021) Du lịch Lào Cai 30 năm: Vững chắc giai đoạn bản lề (2006 – 2014)
Phát huy đà phát triển, những năm 2006 – 2008, du lịch Lào Cai có nhiều khởi sắc cả về số lượng và chất lượng. Năm 2006 đón 560.000 lượt khách. Năm 200 đón 632.000 lượt khách (tăng 12,9% so với năm 2006). Năm 2008 đón 667.000 lượt khách (tăng 5,5% so với năm 2007). Theo đó, doanh thu từ hoạt động du lịch đến năm 2006 đạt 280 tỷ (tăng 30,2% so với năm 2005), năm 2007 đạt 362 tỷ (tăng 29,3% so với năm 2006), năm 2008 đạt 434 tỷ đồng (tăng 19,9% so với năm 2007).
Đặc biệt, giai đoạn này đánh dấu sự chuyển biến mới trong mô hình tổ chức quản lý du lịch từ quốc gia đến địa phương. Ngày 31-7-2007Quốc hội khóa XII ra Nghị quyết thành lập BVHTTDL trên cơ sở sáp nhập Ủy ban TDTT, Tổng cục Du lịch và mảng văn hóa của Bộ Văn hóa và Thông tin. Ở cấp tỉnh, thành, cơ quan quản lý Nhà nước là SVHTTDL. Theo đó, ngày 25-3-2008, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 647/QĐ-UB về việc hợp nhất Sở Thể dục Thể thao với sở Văn hóa - Thông tin và tiếp nhận tổ chức quản lý nhà nước về Du lịch từ Sở Thương mại và Du lịch, bộ phận Gia đình của Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em. Ngày 1-4-2008, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai chính thức được thành lập. Quy chế quản lý một số hoạt động du lịch trên địa bàn cũng được ban hành (Quyết định số 05/QĐ-UBND ngày 23/1/2008), làm cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường thực hiện quản lý nhà nước về du lịch phù hợp với thực tế của địa phương. Đồng thời, Ban Chỉ đạo du lịch tỉnh Lào Cai cũng được kiện toàn lại theo Quyết định số 2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lào Cai ngày 7/7/2009, ghi dấu ấn với nhiều quyết sách quan trọng trong phát triển du lịch ở các địa phương.
Trong giai đoạn 2006 – 2014, du lịch Lào Cai cũng ghi dấu ấn đậm nét về triển khai hợp tác trong và ngoài nước nhằm hợp tác phát triển du lịch. Theo đó, Ngày 19/1/2007, tại thành phố Hải Phòng, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã ký biên bản trao đổi, hợp tác kinh tế lần thứ III giữa 5 tỉnh, thành phố: Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam).  Năm 2008, Chương trình Hợp tác phát triển du lịch khu vực Tây Bắc mở rộng đã được 8 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên được ký kết trong Hội nghị hợp tác phát triển du lịch khu vực Tây Bắc ngày 14-11-2008 tại Sa Pa (Lào Cai) dưới sự chủ trì của BVHTTDL nhằm khai thác hợp lý tiềm năng du lịch địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch của khu vực bằng các chương trình, nội dung phát triển du lịch riêng của mỗi tỉnh, phù hợp với thỏa thuận phát triển chung. Từ năm 2009 - 2015, Lào Cai liên tục là Trưởng nhóm chương trình hợp tác 8 tỉnh, có sự tư vấn, nâng cao năng lực của tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và Dự án Phát triển nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam (Dự án EU), cũng như triển khai các hợp phần hợp tác với Vùng Nouvelle Aquitaine – CH Pháp, tạo bản lề quan trọng trong định hướng phát triển du lịch bền vững, chất lượng cao hướng tới tầm nhìn khu vực và quốc tế đối với ngành du lịch Lào Cai.

Y Tý - Bát Xát dần ghi dấu ấn trong lòng du khách
Bên cạnh đó, các Đề án trọng tâm của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai các khóa liên tục được xây dựng nhằm cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh, từng bước phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đề án “Phát triển kinh tế du lịch giai đoạn 2006-2010” được xác định là một trong 29 đề án khóa XIII đề ra nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch và định hướng đưa kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đề án "Phát triển kinh tế du lịch tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2011-2015 còn chỉ ra: phát triển thương mại - du lịch, dịch vụ là mũi nhọn; Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động du lịch, dịch vụ, đưa du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Mở rộng không gian du lịch ra thành phố, các huyện và khu vực nông thôn miền núi, các khu vực thiên nhiên hoang dã trên cơ sở mở rộng các khu, tuyến, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Khai thác tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực khác để phát triển du lịch theo hướng nhanh, mạnh, bền vững, chất lượng, tạo việc làm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương; Khẳng định thương hiệu du lịch Lào Cai và trở thành một trong 10 điểm đến du lịch quốc tế hấp dẫn nhất của Việt Nam.
Nhờ đó, nếu như năm 2010, trên địa bàn tỉnh Lào Cai mới có 410 cơ sở lưu trú với 5.150 phòng, tập trung tại Sa Pa, Bắc Hà, thành phố Lào Cai. Trong số đó có 17 khách sạn 1 sao với 234 buồng; 22 cơ sở đạt chất lượng 2 sao với tổng số 550 buồng; 4 cơ sở đạt chất lượng 3 sao và 1 khách sạn 4 sao. Ngoài ra còn có hơn 80 nhà nghỉ lưu trú tại gia ở các thôn bản phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Sa Pa và Bắc Hà. Thì đến năm 2014, cơ sở vật chất phục vụ du lịch được tăng cường, tổng số cơ sở lưu trú là 550 cơ sở, với trên 8.000 phòng trong đó có 01 cơ sở đạt 5 sao với 150 phòng;  02 cơ sở 4 sao với 320 phòng, 13 cơ sở 3 sao với 650 phòng, 98 cơ sở từ 1-2 sao với trên 300 phòng; công suất sử dụng phòng trung bình đạt gần 60%. Giai đoạn 2006 - 2010, tổng số vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng và vui chơi giải trí (đặc biệt là khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp) trong toàn tỉnh đạt 1.220.522 triệu đồng. Với tổng số vốn đầu tư cho phát triển kinh tế du lịch trong 10 năm là 2.485 tỷ đồng, Lào Cai đã hoàn thành quy hoạch tổng thể du lịch của tỉnh giai đoạn 2005-2015, thiết lập các trung tâm du lịch, các cụm du lịch, ngành du lịch, xây dựng các tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh dựa trên sự phân bố tài nguyên tự nhiên và nhân văn.

Phạm Tất Thành (ảnh: Dương Toản)
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn