(23/02/2022) 7 lưu ý để chuyến đi ngắm băng tuyết của bạn thêm thú vị
1. Luôn giữ ấm cơ thể
Việc quan trọng nhất bạn cần làm là giữ ấm cơ thể. Lớp trang phục sát cơ thể, bạn nên mặc nhiều hơn 1 áo mỏng, từ chất liệu cotton hoặc sợi giữ nhiệt chuyên dụng cho đi núi/mưa tuyết thay vì mặc 1-2 chiếc áo len dày. Phần khoác phía ngoài bạn có thể lựa chọn áo lông vũ, áo parka hoặc anorak có lót giữ nhiệt, dài tới đầu gối và phần mặt ngoài áo chắn gió, không thấm nước mưa, tuyết. Đối với quần, bạn cũng áp dụng nguyên tắc tương tự, nhưng đa phần để dễ di chuyển bạn chỉ nên mặc 2 lớp, 1 lớp giữ nhiệt và 1 lớp chắn gió để dễ vận động. Bạn cũng có thể đeo nhiều hơn 1 lớp tất nhưng không nên đeo quá nhiều để tránh hiện tượng cước chân. Giày nên lựa chọn loại không thấm nước, có lót lông, gót giày ma sát cao để chống trơn trượt do băng, tuyết. Bạn cũng cần chú ý mang theo găng tay da, mũ len, khăn quàng và bịt tai để tăng cường giữ ấm cho cơ thể.
Mặc trang phục đủ ấm nhưng bạn không nên chủ quan khi ngắm băng tuyết, mà phải lưu ý tránh mưa, tuyết làm bất cứ phần nào trên cơ thể bị lạnh vì khi bị cảm lạnh sẽ mất thời gian để phục hồi làm ảnh hưởng tới chuyến đi của mình.
Du khách leo núi Lảo Thẩn ngày 20/02/2022
2. Mang theo đồ ăn nhẹ/ nước ấm
Luôn nhớ mang theo một ít bánh quy, bánh mì hoặc lương khô, thịt nguội, xúc xích và một chai nước bên mình, tốt nhất là một bình giữ nhiệt với nước nóng hoặc socola/cacao nóng. Khi ăn uống hãy thưởng thức từng chút một và trải nghiệm cảm giác hà hơi nóng giữa bầu không khí tuyệt vời của nơi đây. Nếu bạn tới khu vực đèo Ô Quý Hồ (Sa Pa) hoặc các địa điểm có quán ăn địa phương, bạn có thể thưởng thức những món nướng đặc sản nơi đây như trứng nướng, cơm lam, khoai nướng, thịt xiên, thịt trâu sấy vùi than nướng, lạp sườn gác bếp,… Thử cảm giác uống một chén rượu, ăn thịt trâu sấy nướng giữa tiết trời lạnh giá ở Sa Pa cũng rất thú vị đấy.
3. Bảo vệ thiết bị điện tử
Nhiệt độ thấp và độ ẩm cao là kẻ thù của các thiết bị điện tử. Điện thoại, máy tính bảng của bạn sẽ rất dễ bị tụt pin trong chuyến đi săn tuyết, ngắm băng do vậy đừng quên mang theo sạc dự phòng để luôn đủ pin chụp lại những khoảnh khắc đẹp hiếm có. Đặc biệt đừng quên bảo vệ chiếc máy ảnh của bạn với một số mẹo như: khi không chụp, bạn nên che lens lại để tránh ảnh chụp sau đó bị cháy sáng do quá nhiều ánh sáng trắng trước ống kính. Ngoài ra cần chú ý bọc máy ảnh lại tránh để máy bị ngấm nước dẫn đến hỏng IC.
4. Di chuyển trên địa hình trơn trượt
Đa phần mọi người sẽ lựa chọn đi xe tự lái hoặc thuê xe transit (với gia đình đông) khi đi ngắm băng tuyết ở Sa Pa, Lào Cai. Dù là tài xế lâu năm nhưng nếu chưa từng lái xe trên địa hình có băng tuyết trên đường, rất nhiều người bị bất ngờ và không kịp xử lí khi có tình huống phát sinh. Mẹo cho bạn là đi chậm, tăng tốc và đạp phanh thật từ tốn. Luôn giữ khoảng cách với xe đi trước gấp 5 lần so với bình thường và tránh việc cố vượt qua các xe khác. Hãy lái xe từ tốn vì bạn có cả một chuyến đi ở phía trước cùng toàn bộ gia đình ở phía sau.
Cây cối đóng băng do nhiệt độ xuống thấp tạo nên cảnh quan diễm lệ
5. Chuẩn bị dụng cụ y tế
Nền nhiệt thấp dưới 5 độ C thậm chí là âm độ, chúng ta cần lường trước nguy cơ mình có thể bị nhiễm lạnh, đau nhức khớp xương hoặc khó thở, chóng mặt với những người có bệnh nền về tim mạch, huyết áp,… Để giữ chuyến đi của bạn suôn sẻ, hãy nhớ chuẩn bị sẵn loại thuốc tương ứng với bệnh của mình, đồng thời kèm theo vài viên thuốc có tác dụng giảm đau, giảm sốt nhanh như thuốc hạ sốt, kháng sinh, và các loại paracetamol …
Dù bạn mặc nhiều áo đến đâu, khả năng nhiễm lạnh cũng vẫn rất cao. Khi đó, bạn cần có ngay các vật dụng y tế cơ bản để làm ấm kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm. Vật dụng y tế bạn nên mang theo là: miếng dán giữ nhiệt, dầu gió, trà gừng… giúp tăng nhiệt độ cơ thể nhanh chóng.
6. Đặt phòng trước
Không nằm trong khoảng thời gian du lịch cao điểm, nhưng băng tuyết xuất hiện cũng là lúc rất đông du khách yêu thích, do vậy khi xác định điểm đến, bạn cần đặt phòng trước để luôn chủ động việc nghỉ ngơi của bản thân và gia đình.
7. Luôn theo dõi thông tin từ các nguồn chính thống
Và cuối cùng để chuyến đi ngắm băng, săn tuyết tại Lào Cai của bạn luôn thuận lợi, không bị nhiễu thông tin, đừng quên cập nhật từ dulichlaocai.vn, laocaitourism.vn hoặc fanpage facebook tại địa chỉ
www.facebook.com/visit.laocai . Hotline hỗ trợ du khách miễn phí tại số điện thoại 02143 871 975.