Lào Cai phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa vùng miền
Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới, có lợi thế so sánh đặc biệt để phát triển kinh tế du lịch do nằm trên trục hành lang kinh tế Côn Minh (Vân Nam) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và có khu du lịch quốc gia Sa Pa nổi tiếng... Từ những lợi thế này, liên tiếp trong các nhiệm kỳ gần đây, Đảng bộ tỉnh đều xác định chọn "Du lịch dịch vụ là mũi nhọn tăng trưởng của nền kinh tế”. Trong đó đặc biệt chú ý về bản sắc văn hóa của 25 dân tộc anh em, xem đây là nguồn lực nhân văn quan trọng để phát triển du lịch.
Di sản văn hóa Lào Cai là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến với địa phương. Ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch xem đây là lài nguyên, là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế du lịch, bên cạnh các yếu tố về cơ sở vật chất chuyên ngành, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Di sản văn hóa cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị, xây dựng thương hiệu du lịch Lào Cai.
Chủ trương phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa vùng miền đã được Tỉnh ủy Lào Cai cụ thể hóa bằng Đề án số 13 "Phát triển thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Lào Cai giai đoạn 2011 – 2015” và Đề án số 9 "Phát triển kinh tế du lịch Lào Cai giai đoạn 2011 – 2015". Theo đó, Lào Cai thực hiện việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc để hỗ trợ du lịch phát triển, và ngược lại du lịch phát triển cũng tác động tích cực trở lại vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, như khôi phục các ngành nghề thủ công truyền thống, nghề nấu rượu đặc sản, bảo tồn và phát huy hệ thống các lễ hội của các dân tộc, phát huy giá trị các chợ vùng cao, biến chợ phiên văn hóa trở thành điểm du lịch hấp dẫn…
Thực tế là việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đã được Lào cai thực hiện tốt, phát huy hiệu quả tích cực. Khu du lịch Sa Pa, thành phố Lào Cai, Bắc Hà, Bảo Yên…là những điểm sáng trong khai thác hiệu quả giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch. Nhờ vậy  lượng khách đến với địa phương mấy năm gần đây tăng trưởng mạnh. Năm 2012, Lào Cai đón 948.000 lượt khách, doanh thu về du lịch đạt 1.840 tỷ đồng. Năm 2013, Lào Cai phấn đấu đạt mốc 1 triệu lượt khách du lịch, tạo tiền đề để ngành kinh tế quan trọng này tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, thực sự là mũi nhọn trong tăng trưởng kinh tế địa phương.
Kết quả phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trước hết thể hiện bằng việc hình thành hệ thống các làng du lịch cộng đồng (Bản Dền, Tả Van, Cát Cát, Tả Phìn – Sa Pa; Trung Đô, Bản Phố, Na Hối, Tả Van Chư – Bắc Hà...). Loại hình này đã huy động được cả cộng đồng làm du lịch, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân. Thông qua phát triển du lịch cộng đồng, nhiều cơ sở lưu trú tại gia đã được hình thành, đến nay Lào Cai đã có 80 nhà dân tham gia làm dịch vụ lưu trú cho khách du lịch (homestay), chủ yếu tập trung tại các khu du lịch Sa Pa và Bắc Hà. Đồng bào tham gia kinh doanh du lịch cộng đồng đã có mức thu nhập bình quân 25 – 30 triệu đồng/hộ/năm từ việc thu tiền lưu trú, ẩm thực, bán các mặt hàng thủ công truyền thống và tham gia hướng dẫn du lịch. Việc khám phá các bản làng văn hóa dân tộc trên các tuyến du lịch cộng đồng của du khách bằng đi bộ (Trekking) hay đi xe đạp là những tour du lịch đầy hấp dẫn. Tuyến đường Sa Pa của Việt Nam được sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet  lựa chọn là  1 trong 10 con đường mòn tuyệt vời nhất thế giới dành cho du khách thích đi bộ nhẹ nhàng vào ban ngày. Trong đó các tuyến: Sapa – Lao Chải – Tả Van – Bản Dền – Thanh Phú và Sapa – Cát Cát – Sín Chải là những tuyến du lịch hàng năm thu hút được trên 20 vạn lượt khách du lịch nước ngoài trải nghiệm.
Du lịch gắn với di sản văn hóa tâm linh dọc sông Hồng cũng đang rất được Lào Cai  chú trọng. Đến nay toàn tỉnh đã có 27 di tích văn hóa lịch sử, danh thắng (trong đó có 17 di tích, danh thắng cấp quốc gia). Đặc biệt các quần thể di tích Đền Thượng và đền Bảo Hà đã được trùng tu, nâng cấp, quy hoạch thành những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn du khách hành hương. Các di tích văn hóa lịch sử khác như Bãi đá cổ Sa Pa, dinh thự Hoàng A Tưởng cũng là điểm đến thu hút đông du khách.
Nỗ lực sưu tầm các hiện vật, bảo tồn lễ hội truyền thống cũng đang góp phần hình thành thêm nhiều sản phẩm du lịch văn hóa ở Lào Cai. Hiện ngành Văn hóa – Thể thao và du lịch tỉnh đã tiến hành sưu tầm được hơn 300 hiện vật, chủ yếu là trang phục, các công cụ, dụng cụ của đồng bào các dân tộc thiểu số để chuẩn bị cho việc trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Đã bảo tồn, duy trì 6 lễ hội tiêu biểu các dân tộc Lào Cai gồm : Lễ hội Gầu tào của người Mông, Lễ hội xuống đồng của người Tày, Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy, Lễ hội tạ ơn trâu (Sừ dề pà) của người Bố Y, Lễ cấp sắc của người Dao, Lễ hội "Gặt Tu Tu" của người Hà Nhì đen ở Ý Tý (Bát Xát). Các Lễ hội được tái hiện từ địa điểm, thời gian, nghi thức đến đối tượng tham gia, góp phần tạo ra các sản phẩm hấp dẫn cho loại hình du lịch văn hóa. Riêng Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Pha Long hàng năm đã thu hút khoảng 15.000 người dân và du khách tham dự. Đặc biệt, các nghi lễ cấp sắc của người Dao, Lễ hội Gầu tào của người Mông và nghi lễ Then của người Tày ở Lào Cai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Những năm gần đây, các giá trị văn hóa của chợ phiên vùng cao và ruộng bậc thang ở vùng cao Lào Cai đang được các doanh nghiệp du lịch khai thác thành các chương trình du lịch đặc trưng. Chợ phiên vùng cao giờ đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách nước ngoài. Trong đó nổi tiếng là chợ phiên Mường Hum, Ý Tý (huyện Bát Xát), Cốc Ly, Bắc Hà, Lùng Phình (huyện Bắc Hà), Cán Cấu (huyện Si Ma Cai), Mường Khương, Cao Sơn, Pha Long, Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương). Riêng chợ phiên Bắc Hà đã được Tạp chí du lịch Serendib xếp là 1 trong 10 chợ phiên nổi tiếng nhất Đông Nam Á. Nơi đây, có khu dành riêng cho người dân bản địa bày bán, giới thiệu các món ẩm thực độc đáo như rượu ngô Bản Phố, thắng cố ngựa phục vụ du khách thập phương. Chợ phiên Cán Cấu ở huyện biên giới Si Ma Cai cũng đang được không ít trung tâm lữ hành quốc tế ghi vào tour thăm Tây Bắc (Việt Nam), vì đây là chợ trâu lớn nhất và nổi tiếng nhất ở khu vực miền núi phía Bắc. Chợ Cán Cấu còn là nơi bán nhiều sản phẩm thổ cẩm dệt bằng tay, món quà được nhiều du khách nước ngoài chọn mua tặng người thân khi sang thăm Việt Nam.
Giá trị danh thắng ruộng bậc thang tại Sa Pa và Bát Xát đang thực sự lên ngôi bởi vẻ đẹp và sức hấp dẫn đặc biệt. Ruộng bậc thang Sa Pa (di tích- danh thắng quốc gia) đang tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo cho Lào Cai và là điểm đến hấp dẫn của tour Sa Pa. Đặc biệt là sau khi  bạn đọc Tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) bình chọn ruộng bậc thang Sa Pa là một trong 7 ruộng bậc thang kỳ vỹ nhất châu Á và thế giới.
Những năm qua, tại các xã vùng cao trong tỉnh, việc bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề truyền thống cũng được chú trọng đặc biệt. Nhiều làng nghề đã xây dựng được thương hiệu uy tín trên thị trường. Sa Pa, Bắc Hà là nơi hội tụ các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Nơi đây, các sản phẩm thêu – dệt thổ cẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, rèn đúc, nấu rượu đã trở nên rất nổi tiếng và có sức hút mạnh mẽ đối với du khách. Với mục tiêu bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, Lào Cai đã đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm thủ công truyền thống thông qua hoạt động du lịch. Đặc biệt, nghề dệt thổ cẩm, tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách đang phát triển rất mạnh. Chỉ riêng huyện Sapa đã có tới 11 làng nghề thêu, dệt thổ cẩm ở các xã: Tả Phìn, San Sả Hồ và Sa Pả, với khoảng 1.050 hộ tham gia, cùng một số tổ hợp sản xuất của Hội Phụ nữ.
Ngoài ra để khai thác và phát huy các giá trị văn hóa, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, hàng năm tỉnh Lào Cai đều tổ chức nhiều sự kiện văn hóa du lịch lớn như: Lễ hội Đền Thượng, Đền Bảo Hà, Lễ hội trên mây, Giải chinh phục khám phá Fansipan, Giải đua ngựa truyền thống Bắc hà. Các sự kiện văn hóa du lịch được tuyên truyền quảng bá mạnh và bước đầu thu hút được các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh tham gia xây dựng các chương trình du lịch gắn với các sự kiện để thu hút du khách.
Tuy nhiên việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa ở Lào Cai hiện cũng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Có thể kể đến là sức ép từ văn hóa ngoại lai do hội nhập, đặc biệt từ chính tác động của khách du lịch và yếu tố kinh tế thị trường. Điều này tạo ra nguy cơ mai một bản sắc văn hóa, mà biểu hiện dễ thấy nhất là ngày càng ít người dân tộc biết nghề thủ công truyền thống, việc bảo tồn và giữ gìn nét đẹp kiến trúc, trang phục, phong tục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Hệ thống thiết chế văn hóa đã được đầu tư nhưng còn thiếu các thiết chế lớn, gây khó khăn để khai thác phát triển gắn với du lịch. Việc khai thác các lễ hội truyền thống thành sản phẩm du lịch còn chưa huy động được sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp du lịch...
Để vượt qua các khó khăn, thách thức và thực hiện được mục tiêu đến năm 2015, Lào Cai đón 1,2 triệu lượt khách du lịch, phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt là hướng tới năm du lịch quốc gia 2017 được tổ chức tại Lào Cai, ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch đang tham mưu cho UBND Tỉnh tập trung vào một số giải pháp chính sau đây:
Một là, quan tâm quy hoạch thiết chế văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa trong phát triển du lịch. Đặc biệt trong điều kiện đường cao tốc Lào Cai - Nội Bài sắp được hoàn thành, trục hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có sự phát triển năng động, Tỉnh sẽ hình thành các thiết chế văn hóa lớn tại các vệ tinh du lịch thành phố Lào Cai, khu du lịch Sa Pa (các nhà văn hóa, nhà hát, bảo tàng...) để gắn kết với các hoạt động du lịch và là những điểm thăm quan cho du khách.
Hai là: Phát triển các sản phẩm du lịch tiêu biểu gắn với văn hóa cộng đồng. Nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phát triển du lịch văn hóa; Đặc biệt phát huy vai trò và lợi ích của cộng đồng trong khai thác phát triển văn hóa với du lịch.
Ba là: Chú trọng phát triển bộ máy, đội ngũ nhân lực làm du lịch và văn hóa tại các địa phương, đặc biệt có cơ chế phù hợp khuyến khích các nghệ nhân tham gia các hoạt động du lịch văn hóa.
Bốn là: Hoàn thiện chính sách văn hóa, Đề án khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng thu hút các nguồn lực trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn nền văn hóa.
Năm là, tiếp tục duy trì tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch mang tính thương hiệu hàng năm như: Lễ hội trên mây, Giải đua ngựa truyền thống, Giải chinh phục khám phá Fansipan khai thác gắn với xúc tiến quảng bá, thu hút khách du lịch và mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa.
Sáu là, bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa vật thể, phi vật thể, đặc biệt các lễ hội dân tộc truyền thống tiêu biểu, mở rộng quy hoạch nâng cấp, trùng tu quần thể danh thắng di tích đền Thượng, đền Bảo Hà thành các điểm đến du lịch tâm linh. Lập hồ sơ khoa học ruộng bậc thang Bát Xát đề nghị xếp hạng di tích danh thắng quốc gia để khai thác, phát triển du lịch.
Thạc sỹ: Nguyễn Đình Dũng- Phó Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch.
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn