Cây Bách xanh con (Nguồn ảnh: Sưu tầm)
2. Đặc điểm nhận dạng:
Cây gỗ thường xanh, thân thẳng, cao 20-25 m, đường kính thân 60-80 cm, phân cành ngang, tán lá hình tháp rộng hoặc hình dù. Vỏ màu nâu đen, nứt dọc. Lá hình vẩy xếp thành 4 dãy, hai lá vẩy trong to hơn hai lá vẩy bên; vẩy trong dài 5 mm, lá vẩy bên dài 2 mm, mũi tù. Nhìn chung lá gần giống lá Pơ mu (Fokienia hodginsii) nhưng có hai điểm khác là: nhỏ hơn và hai lá vẩy trong to hơn hai lá vẩy bên. Nón đơn tính cùng gốc; nón đực đơn độc mọc ở tận cùng cành; nón cái hình bầu dục, dài 12-18 mm, rộng 6 mm, gồm 6 vẩy nứt thành 3 mảnh với 2 mảnh bên to và một mảnh giữa nhỏ hơn mang 2 hạt (mỗi vẩy hữu thụ có 1 hạt). Hạt hình trứng dài, có hai cánh không bằng nhau .
3. Sinh học và sinh thái:
Nón xuất hiện tháng 3-4, chín vào tháng 9-10. Tái sinh bằng hạt tốt, đặc biệt nơi có nhiều ánh sáng. Loài mọc trên núi đất hoặc núi đá vôi, thường ở đường đỉnh hoặc gần đỉnh, trên núi đất loài mọc trong rừng cây lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới, ở độ cao từ 900 tới 1800 m; trên núi đá vôi loài mọc thành quần thể thuần loại trên đường đỉnh (Khu Bảo tồn thiên nhiên Hang Kia- Pà Cò và xã Mường Lựm).
4. Phân bố:
– Trong nước: Lào Cai (Ô Quý Hồ, Thác Bạc…), Sơn La (Yên Châu: Mường Lựm, Vân Hồ), Hà Giang, Hoà Bình (Mai Châu: Hang Kia, Pà Cò; Đà Bắc), Hà Tây (Ba Vì), Đắk Lắk (Krông Bông: Chư Yang Sinh), Lâm Đồng (Đà Lạt, Bì Đúp), Khánh Hoà (Nha Trang, Hòn Bà), Ninh Thuận.
– Thế giới: Ấn Độ, Trung Quốc, Mianma, Thái Lan.
Cây bách xanh tại Vườn quốc gia Ba Vì (Nguồn ảnh: Sưu tầm)
5. Giá trị:
Gỗ thớ thẳng, mịn, thơm, không bị mối mọt, dễ gia công, dùng trong xây dựng, đóng đồ cao cấp, làm hàng mỹ nghệ. Do gỗ thơm nên còn dùng làm bột hương cao cấp thay cho gỗ Hoàng đàn (Cupressus torulosa Don) đã cạn kiệt. Cây có dáng đẹp nên thường được trồng làm cảnh và lấy bóng mát.
6.Tình trạng:
Loài có khu phân bố rộng với những quần thể nhiều cá thể, song đã bị khai thác nhiều để lấy gỗ dùng trong nước và xuất khẩu.
7. Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá “đang nguy cấp” (E) và Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ – CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
8. Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt nam 2007