(14/4/2020) Đến Bắc Hà (Lào Cai) thưởng thức các món ẩm thực truyền thống
Đến Bắc Hà (Lào Cai), bạn không chỉ được ngắm cảnh, chơi chợ mà còn được thưởng thức các món ẩm thực truyền thống với hương vị rất riêng của vùng đất này.
Hãy để Du lịch Lào Cai giới thiệu đến bạn những món ẩm thực truyền thống nơi đây:
Phở Bắc Hà
Phở truyền thống Bắc Hà có 3 loại chính: phở chua, phở trộn và phở chan. Một bát phở chua gồm có bánh phở mới tráng còn nóng hổi, thịt xá xíu, rau sống thái nhỏ, đậu xị, lạc, nước chua. Ngoài món phở chua độc đáo, Bắc Hà còn có phở trộn và phở chan. Phở trộn được kết hợp bởi bánh phở đã chần qua, thịt xá xíu, các loại gia vị, một chút hành và nước dùng. Riêng phở chan lại có hai loại là phở xá xíu và phở gà. Nguyên liệu thịt xá xíu hầu hết được làm từ thịt lợn đen bản địa, còn trong phở gà là thịt gà bản chặt.
Bắc Hà
Đối với phở truyền thống ở Bắc Hà, bánh phở chính là khác biệt lớn so với các loại phở khác. Ở đây, bánh phở được chế biến thủ công từ loại gạo nương có màu phớt hồng do người Phù Lá ở Lùng Phình trồng. Quy trình làm bánh phở cũng lắm công phu. Gạo đỏ sau khi ngâm kỹ, sẽ được xay nhuyễn nhiều lần cho tới khi thật mịn sẽ lọc thành nước rồi tráng mỏng. Cũng bởi chế biến thủ công, không có chất bảo quản nên đặc trưng của bánh phở Bắc Hà là chỉ được dùng trong một ngày.
Khâu nhục
Nguyên liệu để làm món khâu nhục gồm có: thịt lợn ba chỉ, húng lìu, ngũ vị hương, địa liền, tỏi, ớt, rượu, dấm, bột ngọt, hạt tiêu…Khi chế biến món này, phải dùng thịt lợn ba chỉ tươi ngon, cắt thành miếng vuông, khổ 16x16cm, rửa sạch cho vào nồi luộc kỹ. Thịt chín vớt ra để nguội. Cạo sạch phần bì của miếng thịt, dùng vật nhọn châm vào bì thật kỹ, khi thấy bì chảy mỡ ra thì lau sạch, lấy rượu hoặc dấm bôi vào lớp da bì đó cho thấm đều.
Bắc Hà
Tiếp theo cho thịt vào chảo mỡ nóng chao (rán) sao cho vàng đều mới vớt ra. Khi rán xong, thịt được vớt ra để ráo mỡ, thái thành từng miếng to bản có độ dày khoảng 1,5 cm, sao cho miếng nào cũng có da. Tiếp tục ướp gia vị vào những miếng thịt vừa rán, dùng tay trộn đến khi gia vị ngấm mới xếp thịt thành hình tròn. Lúc này, phần bì ở dưới đáy bát, phần thịt quay lên phía trên. Đưa vào nồi hấp cách thuỷ khoảng 3 đến 4 tiếng, khi hấp để lửa liu riu, đến khi thịt mềm. Bên dưới bát khâu nhục đã bày đủ các loại gia vị và rau xanh. Úp bát to lên trên và lật lại để nguyên đĩa.
Đĩa khâu nhục sẽ chín mềm nhưng không nát, vẫn giữ nguyên hình dạng khum tròn đẹp mắt, với phần bì vàng rộm được đảo lên trên. Ăn nóng với cơm, xôi nếp, hoặc bánh mì.
Xôi ngũ sắc
Người ta nói rằng, khi tới với Bắc Hà thì món ăn không nên bỏ qua đó là món xôi ngũ sắc. Thứ xôi kỳ lạ không chỉ dẻo, thơm mà màu sắc cũng rất bắt mắt với năm màu chủ đạo: Xanh, đỏ, tím, vàng, trắng – là màu của các loại lá rừng, đặc sản chỉ mọc ở vùng cao.
Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc gồm có gạo nếp thơm dẻo được trồng ở Bắc Hà, các hạt gạo phải nguyên chất, không được trộn lẫn với gạo tẻ. Gạo nếp sau khi vo xong tiến hành ngâm trong nước lã từ 6 - 8 giờ, tiếp đó được chia thành 5 phần đều nhau để nhuộm màu.
Bắc Hà
Thông thường, người dân ở đây sẽ dùng quả gấc hoặc lá cơm đỏ để tạo màu đỏ gạch cho gạo nếp. Màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước còn màu tím sẽ dùng lá cơm đen…
Xôi ngũ sắc thường xuất hiện trong những mâm cỗ cúng giỗ, cưới hỏi, lễ vào nhà mới… Đồng bào ở đây quan niệm, trong những ngày này, nhà nào pha chế màu xôi chuẩn, bắt mắt thì nhà đó sẽ có nhiều may mắn, hạnh phúc trong năm mới.
Thắng cố
Thắng cố là món ăn truyền thống của dân tộc Mông ở Bắc Hà. Tuy nhiên theo năm tháng món ăn này được hầu hết các tộc người bắt trước và biến tấu đi nhiều. Tuy nhiên nó vẫn mang hương vị và nguyên liệu đặc trưng là nội tạng, xương của ngựa, bò, lợn. Thắng cố được nấu kèm với rất nhiều những loại thảo dược, thường tại các buổi chợ phiên thì người ta nấu thắng cố trong một cái nồi lớn cho hàng chục người ăn, ninh nhừ trong vài giờ đồng hồ, khi ăn thì múc ra những tô nhỏ. Ăn thắng cố nhâm nhi cùng ly rượu ngô, rượu táo mèo chắc chắn sẽ mang lại cho du khách một trải nghiệm thú vị khó quên.
Bắc Hà
Đa số các nhà hàng đều “biến tấu” món ăn này thành nhiều phiên bản khác nhau để hợp với khẩu vị của thực khách hơn nhưng vẫn dựa trên công thức và thành phần truyền thống. Để có thể trải nghiệm hương vị truyền thống của người dân tộc, bạn có thể ghé qua chợ phiên Bắc Hà họp chủ nhật hàng tuần từ sáng sớm đến 2 giờ chiều.
Bánh trưng đen.
Với người dân tộc Tày, Nùng ở Bắc Hà, bánh chưng đen là lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng ngày rằm tháng Giêng.
Bắc Hà
Nhìn bề ngoài, bánh chưng đen cũng gói bằng lá dong xanh nhưng không có hình vuông như bánh chưng xanh mà hình dạng tròn, dài, gần giống với bánh chưng gù.

Bánh chưng đen được làm bằng gạo nếp truyền thống hạt tròn to lại vừa thơm, vừa dẻo. Màu đen của bánh được làm từ tro của cây núc nác. Cây được phơi khô, đốt thành tro và nghiền mịn.
Rượu ngô
Một trong những đặc trưng ẩm thực nhất định phải thử khi đến Bắc Hà là rượu ngô. Đây được coi như đặc sản của người Mông ở Bản Phố, Bắc Hà.
Loại rượu này có hương vị rất thơm, không gắt, không chua. Để có được hương vị đặc trưng này rượu Bản Phố đã được nấu từ loại ngô mỗi năm chỉ có một mùa trên vùng núi cao hẻo lánh và đặc biệt là men bằng bột bông của cây Hồng Mi.

Theo người Mông nơi đây, uống rượu ngô vào buổi sáng sẽ có thêm sức mạnh, uống vào buổi tối sẽ thắt chặt mối quan hệ bạn bè. Rượu ngô không chỉ nồng đượm nghĩa tình của đất trời mà còn thấm đẫm cả mồ hôi công sức của người dân. Đặc biệt là khi thời tiết miền cao nguyên trắng dần chuyển lạnh, chẳng còn gì tuyệt vời hơn là được ngồi nhấm nháp chén rượu ngô cay cay, thơm nồng.
Bên cạnh các món ẩm thực truyền thống kể trên, đến Bắc Hà du khách còn được thưởng thức các món ẩm thực truyền thống khác của người dân địa phương như: mèn mén, lạp sườn, thịt treo gác bếp, cốm,  tương ớt...Nếu đi Du lịch Bắc Hà bạn nhất định phải thưởng thức để chuyến đi thêm nhiều ấn tượng và thú vị về mảnh đất Cao nguyên trắng này nhé.
Thanh Nhàn
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn