(27/09/2021) Du lịch Lào Cai 30 năm: Hình thành thương hiệu để phát triển đột phá (2015 – 2020)
Nhờ hệ thống toa tàu du lịch cải thiện có chất lượng cao và đường cao tốc khai thông, năm 2015 tổng số khách đến Lào Cai đạt 1,5 triệu lượt khách; doanh thu du lịch năm 2015 đạt 3.412 tỷ đồng; Tổng số cơ sở lưu trú đạt 480 cơ sở, nâng tổng số cơ sở lưu trú từ 1 sao trở lên là 75 cơ sở; trong đó, số cơ sở đạt 3 sao trở lên đạt 15 cơ sở với khoảng 1.300 phòng và số phòng đạt tiêu chuẩn từ 1- 5 sao trở lên khoảng 3.200 phòng. Tổng số lao động khoảng 8.500 người. Ngày lưu trú bình quân đạt 3,5 ngày. Mức chi tiêu bình quân một ngày/khách đạt 650.000 đồng. Đây là năm phát triển nhanh, mạnh của du lịch tỉnh nhà, thành công của ngành du lịch là cơ sở để Tỉnh định hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu phát triển kinh tế của địa phương.
Ngày 27-11-2015, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020” với mục tiêu nhằm xây dựng Lào Cai trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất của vùng Tây Bắc, là một trong những trọng điểm du lịch của Việt Nam, là một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và Đông Nam Á; Xây dựng Sa Pa trở thành khu du lịch quốc gia, quốc tế giàu bản sắc, hiện đại. Chú trọng hợp tác trong nước và quốc tế về du lịch; ưu tiên hợp tác kết nối du lịch biển của Việt Nam với Sa Pa và vùng Tây Nam (Trung Quốc). Phấn đấu đến năm 2020, Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Bắc, du lịch Lào Cai phát triển đột phá, cơ bản trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ cùng hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ, sản phẩm chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, duy trì và phát huy được những nét đẹp của văn hóa dân tộc; bền vững với môi trường tự nhiên; Đưa tổng lượt khách đến Lào Cai đạt trên 4,5 triệu lượt khách trong đó khách quốc tế chiếm 35% tổng lượt khách; Về doanh thu: doanh thu du lịch năm 2020 đạt trên 18.000 tỷ đồng; Tổng số cơ sở lưu trú: 1.300 cơ sở với trên 16.000 phòng (Trong đó: Khách sạn từ 3 sao trở lên chiếm trên 5.500 phòng; các khách sạn 1- 2 sao chiếm trên 10.000 phòng, ngoài ra còn có trên 1.000 phòng của một số loại hình lưu trú đặc biệt khác như: resort, bunggalow, homestay,...). Số ngày lưu trú bình quân: 3 ngày; Mức chi tiêu bình quân: 1.350.000 đồng. Tuyến, điểm được xếp hạng: 28 tuyến, điểm. Lao động: 33.000 lao động; trong đó 12.000 lao động trực tiếp, 21.000 lao động gián tiếp; trên 70%, số lao động trong hoạt động du lịch được đào tạo các kỹ năng nghề; 50% được đào tạo ngoại ngữ.
Tỉnh Lào Cai cũng hoàn thành xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, bên cạnh Luật Du lịch năm 2017 đã hoàn thiện Luật và và các quy định hướng dẫn chi tiết, việc hình thành và phê duyệt các Đề án, quy hoạch, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh Lào Cai là nền tảng vững chắc cho Tỉnh phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng núi nổi bật của Việt Nam.
Trong giai đoạn này, tỉnh Lào Cai đã xây dựng được một số sản phẩm du lịch trở thành thương hiệu nổi tiếng, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước như: Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà; Giải Marathon leo núi quốc tế (VMM); Giải đua xe đạp quốc tế một vòng đua hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc; Giải đua xe đạp vượt núi quốc tế theo cung đường thành phố Lào Cai - Bát Xát - Y Tý - Bản Khoang - Sa Pa; Lễ hội 4 mùa; Lễ hội trên mây Sa Pa; Lễ hội tuyết Sa Pa, Lễ hội hoa hồng, Chợ tình Sa Pa, Festival cao nguyên trắng Bắc Hà… Một số các sản phẩm du lịch đặc trưng của Lào Cai đã được báo chí nước ngoài đánh giá cao như: Sản phẩm tuyến đi bộ hấp dẫn ở Sa Pa (Trekking tours) được sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet lựa chọn là 1 trong 10 con đường mòn tuyệt vời nhất thế giới; Sản phẩm du lịch chợ văn hóa Bắc Hà đã được tạp chí Serendib (SriLanka) giới thiệu là 1 trong 10 chợ hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á; Sản phẩm du lịch ruộng bậc thang Sa Pa được tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ), bình chọn là 1 trong 7 ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới. Sa Pa lọt vào Top 8 điểm đến hàng đầu Việt Nam do TripAdvisor’s Choice bình chọn, Top 2 trong “5 điểm đến nổi tiếng và đẹp nhất Việt Nam” do báo điện tử Huffington Post (Mỹ) bình chọn. Năm 2016, tỉnh Lào Cai được BVHTTDL, Tổng cục Du lịch ghi nhận là địa phương đứng đầu trong cả nước về phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng Homestay (trên 207 cơ sở lưu trú Homestay), phổ biến tại địa bàn các xã Tả Van, Tả Phìn, Lao Chải (Sa Pa); xã Y Tý (Bát Xát); Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, Tả Van Chư, Bản Liền (Bắc Hà); xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) do người dân trực tiếp đầu tư và thực hiện. Đây là loại hình “du lịch xanh” được khách du lịch quốc tế yêu thích khám phá. Hai năm liền (2016,2017) loại hình du lịch này đều nhận được giải thưởng Homestay Asean. Đến năm 2018, Lào Cai là địa phương đứng đầu khu vực Tây Bắc về dịch vụ lưu trú nghỉ dưỡng với 1.241 cơ sở lưu trú, 14.838 buồng (901 khách sạn và nhà nghỉ, 340 homestay. Trong số đó 3 khách sạn 5 sao, 7 khách sạn 4 sao, 53 khách sạn 2 sao, 132 khách sạn 1 sao.
Ruộng bậc thang Sa Pa được bình chọn là một trong 7 ruộng bậc thang kỳ vỹ nhất châu Á
Với lợi thế so sánh đặc biệt có cửa khẩu quốc tế thông thương với vùng Tây Nam, Trung Quốc và tiềm năng du lịch phong phú, Lào Cai đang dần trở thành điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất khu vực và từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong nền kinh tế của tỉnh. Giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng khách bình quân đạt trên 10%. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được quan tâm và tăng cường. Quy hoạch du lịch, quy hoạch đô thị du lịch đã và đang được xây dựng theo hướng phân vùng các điểm du lịch trọng điểm, chú trọng và hướng đến du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch thể thao, du lịch MICE, du lịch đi bộ dã ngoại, tham quan bản làng, du lịch biên giới, du lịch tâm linh và du lịch mua sắm thương mại. Trong đó Sa Pa được đánh giá cao, liên tục có trong danh sách các điểm đến hàng đầu Việt Nam như: Top 8 điểm đến hàng đầu Việt Nam do TripAdvisor’s Choice, Top 2 “5 điểm đến nổi tiếng và đẹp nhất Việt Nam” do báo điện tử Huffington Post (Mỹ) bình chọn,… Kỳ quan ruộng bậc thang Sa Pa cũng được Travel and Leisure (Mỹ) ca ngợi là một trong 7 ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất Châu Á và thế giới. Năm 2012, Sa Pa được tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Lonely Plannet Traveller (Anh) có bài và ảnh giới thiệu là 1 trong 5 điểm dừng chân tuyệt vời cho kỳ nghỉ của du khách khi tới Việt Nam.
Lượng khách du lịch đến Lào Cai tăng hàng năm, trong đó nhiều khách quốc tế lựa chọn đến Lào Cai. Năm 2010, số lượt khách đến Lào Cai là 877.027 lượt. Năm 2011, số lượt khách đến Lào Cai tiếp tục tăng, đạt 932.869 lượt. Từ năm 2001 đến năm 2011, số lượt khách đến Lào Cai đã tăng gấp 3,6 lần, bình quân tăng 14,4%/năm. Năm 2014 có 1.148.000 lượt khách đến Lào Cai, gấp 1,3 lần năm 2010. Lượng khách du lịch đến Lào Cai đến hết năm 2015 đạt trên 2 triệu lượt, vượt 30% so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra; trong đó khách quốc tế đạt trên 600.000 lượt, chiếm 33%, khách nội địa trên 1,3 triệu lượt. Tính đến hết ngày 31-12-2018, tổng lượt khách du lịch đến Lào Cai năm 2018 đạt 4.246.590 lượt, gấp gần 5 lần so với năm 2010, gấp 2 lần năm 2015. Cơ cấu khách đã có sự thay đổi, từ chỗ khách quốc tế chủ yếu là người Trung Quốc thì đã tăng dần khách từ các nước khác. Hiện nay, khách quốc tế đến Lào Cai đã có trên 72 quốc tịch khác nhau, chủ yếu đến từ Pháp, Úc, Mỹ, Israel, Anh, Ý, Canada, Đức, Bỉ, Nhật,...
Doanh thu kinh tế du lịch tăng nhanh. Giai đoạn 2006-2011, tăng doanh thu du lịch của Lào Cai đạt mức độ bình quân là 37,5%/năm. Năm 2010 đạt 823.829 triệu đồng, tăng gấp 4,7 lần năm 2005, gấp 14,6 lần năm 2001. Năm 2014 đạt 344.376 triệu đồng (theo giá so sánh năm 2010). Doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2015 đạt trên 4.500 tỷ đồng. Mức chi tiêu bình quân của khách đạt 745.000 đồng; số ngày lưu trú bình quân đạt 2,9 ngày. Tổng thu du lịch năm 2018 đạt 13.406 tỷ đồng, gấp 16 lần năm 2010, gấp 3 lần năm 2015. Năm 2019, du lịch Lào Cai thắng lớn, có hơn 5,1 triệu lượt khách du lịch đến Lào Cai (trong đó có 806.106 lượt khách quốc tế), tăng 20,3% so với năm 2018; tổng doanh thu từ du lịch đạt 19.203 tỷ đồng, tăng 43,2% so với năm 2018. Sự phát triển của du lịch Lào Cai đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, trong giai đoạn 2015 - 2020, hoạt động du lịch của tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có mức sự tăng trưởng ổn định ở mức cao và đã khẳng định vai trò “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặt nền tảng để hướng tới phát triển đột phá, trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Nhiều dự án đầu tư du lịch lớn và sản phẩm du lịch đã được hình thành và phát triển tương đối rõ nét như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch tham quan giải trí… Thu hút đầu tư du lịch từ nguồn vốn ngoài ngân sách được thực hiện khá hiệu quả với hàng loạt các dự án lớn về dịch vụ du lịch đã được triển khai và đi vào hoạt động. Thương hiệu du lịch Lào Cai - Sa Pa – Fansipan dần được định vị trong tâm trí khách du lịch trong nước và bạn bè quốc tế.
Hành trình du lịch Lào Cai đầy gian khó và tự hào, gắn liền với chặng đường 30 năm tái lập của tỉnh. Trong những ngày đầu thành lập năm 1991, du lịch Lào Cai đã vượt qua khó khăn buổi đầu, ổn định và phát triển qua các thời kỳ, bắt đầu bước đi đầy tự tin của một ngành kinh tế non trẻ. Giai đoạn những năm đầu thế kỷ 21, tầm nhìn, chủ trương, đường lối phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đã từng bước được xác định, đặt nền móng với những quy hoạch, đề án và chương trình hợp tác lớn. Giai đoạn tiếp theo, du lịch đã dần trở thành ngành kinh tế phát triển tốc độ cao, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, từ mũi nhọn đó tạo nền tảng vững chắc và mốc son cho du lịch Lào Cai. Giai đoạn 2014 - 2019 ghi nhận quá trình phát triển bùng nổ của du lịch Lào Cai với cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất lớn được đầu tư, nhiều dự án quan trọng đi vào hoạt động, nhiều sản phẩm du lịch đã trở thành thương hiệu, tạo dấu ấn rõ nét cho định hướng phát triển du lịch có bước phát triển đột phá trong giai đoạn tiếp theo, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Lào Cai.