(02/11/2021) Tỉ mỉ và ấn tượng vẽ sáp ong trên trang phục người Mông ở Lào Cai
Ảnh: Mẫu hoa văn được tạo tác công phu trước khi nhuộm.
Tại các bản làng vùng cao Sa Pa, bạn có thể dễ dàng bắt gặp sự nền nã, dịu dàng của những nét vẽ sáp ong hiện hữu trên những trang phục thường nhật của các cô gái Mông. Nghề vẽ sáp ong độc đáo này được bà con truyền tay nhau, lưu giữ dấu ấn qua từng thế hệ, để màu sáp ong thắm mãi như một nét biểu tượng, chứa đựng hồn cốt của văn hóa dân tộc.
Ảnh: Dụng cụ vẽ sáp ong
Kỹ thuật này sử dụng sáp ong, vải, bút vẽ. Vải có thể là vải cotton hoặc lanh, với người Mông họ thường chuộng vải lanh, đã giặt sạch sẽ và được làm phẳng, thường thì được trải trên một tấm ván và vuốt phẳng bằng nanh lợn rừng. Bút vẽ có cán tre, phần đầu là hai tấm đồng nhỏ cạnh tròn, úp vào nhau, chứa sáp ong nóng bên trong. Sáp ong là loại sáp thiên nhiên người dân lấy từ rừng, nấu chảy rồi dùng bút gỗ, chấm lấy mực và vẽ các chi tiết lên vải. Bởi vậy, người nghệ nhân khi vẽ luôn phải kề cạnh bếp than để vừa đun sáp vừa vẽ. Sau đó, tấm vải sẽ được nhuộm trong màu chàm và luộc cùng nước sôi. Sáp ong tan chảy trong nước sôi sẽ để lộ ra những phần hoa văn rực rỡ, cực tinh xảo và cầu kỳ. Để có được những hoa văn như trên trang phục mà các bạn nhìn thấy, đòi hỏi một sự khéo léo và kiên nhẫn nhất định.
Ảnh: Để vẽ thành một chiếc váy in hoa văn đủ sắc thường phải làm cả tuần, cả tháng, thậm chí có khi vài tháng mới xong được một chiếc váy.
Người Mông đặc biệt rất giỏi bố cục các hình tròn, hình vuông, các đường thẳng đường cong, các hình xoắn ốc để tạo thành những họa tiết có đường nét rất sinh động. Riêng người Mông Đen chủ yếu sử dụng các hoa văn to bản, họa hình động vật xung quanh; họa hình cây cỏ, hoa lá và họa hình công cụ lao động.
Tuy nhiên, với thị trường sôi động như hiện nay thì vẽ sáp ong trở thành nghệ thuật. Vừa giữ lại nghề truyền thống vừa tạo công ăn việc làm bền vững vừa nâng tầm giá trị thổ cẩm trên từng đường nét hoa văn mà mỗi nghệ nhân tạo ra. Thúc đẩy quản bá văn hóa thổ cẩm, xúc tiến thương mại, tăng thêm thu nhập, ổn định kinh tế cho bà con dân tộc tiểu số trên địa bàn thị xã Sa Pa.
Ảnh: Du khách trải nghiệm làm nghệ nhân vẽ sáp ong trên vải
Vẽ sáp ong, cái nghề mẹ truyền còn nối, một nền văn hoá đặc sắc của người Mông. Sự cầu kì tinh tế, ki lưỡng trong từng nét vẽ, không chỉ chứa đựng nét thẩm mĩ mà còn là nét tâm linh truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Vì thế, Sa Pa rất mong muốn du khách sẽ chọn trải nghiệm này để làm ra những mảnh vải ý nghĩa cho bản thân và dành tặng cho bạn bè. Hãy đến Sa Pa để trải nghiệm nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Mông nơi đây nhé!