Các biện pháp chống thất nghiệp của Liên minh châu Âu
Với tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ lên đến 24,4%, các nước thành viên Liên minh châu Âu đã tăng cường các biện pháp để giải quyết vấn đề việc làm. Mỗi nước có cách thức riêng của mình nhưng nhìn chung đều hướng vào dạy nghề như hỗ trợ thực tập nghề, bồi dưỡng tay nghề cho công nhân...
 
Ảnh minh họa. (Nguồn: etf.europa.eu)
Theo số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) tiến hành cuối tháng 4 vừa qua và công bố ngày 25/6, nước Đức có tỉ lệ giới trẻ thất nghiệp thấp nhất (7,5%), tiếp theo là Áo (8%), Đan Mạch (12,2%), Phần Lan (19,9%), Thụy Điển (24,7%), Anh (20,5%), Pháp (26,5%). Hy Lap, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là những nước có tỷ lệ thanh niên không có việc làm cao nhất, lần lượt là 62,5%; 56,4% và 42,5%.

Để giải quyết vấn đề này, mỗi nước có các biện pháp riêng. Đức, Áo, Đan Mạch tập trung vào công tác dạy nghề. Thanh niên Đức từ 16 tuổi có thể đăng ký học nghề trong 3 năm với 344 nghề để chọn lựa. Khoảng 40% só thanh niên Áo từ 15 tuổi đã được hướng nghiệp và được học một nghề cơ bản trong 3 năm, trong đó 80% thời gian được thực hành tại các doanh nghiệp.

Còn tại Đan Mạch, đào tạo nghề chính là chìa khóa để tham gia thị trường lao động. Ngoài ra, Nhà nước cũng tạo điều kiện cho các thanh niên từ 16 - 24 tuổi được học nghề tại địa phương. Để được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp, thanh niên bắt buộc phải trải qua một khóa học nghề hoặc thực tập nghề ít nhất 6 tháng.

Về phần mình, Phần Lan và Thụy Điển lại tập trung vào chương trình “Bảo đảm cho giới trẻ”. Tại Phần Lan, chương trình này được khởi xướng từ năm 1996 sau khi tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên lên mức 34% lực lượng độ tuổi lao động. Với ngân sách là 60 triệu Euro mỗi năm, chương trình do Bộ Giáo dục Phần Lan phụ trách nhằm trợ giúp cho hơn 200 Trung tâm việc làm trong cả nước và khoảng 80% số thanh niên đã tham gia chương trình này. Các Trung tâm giới thiệu việc làm tại Thụy Điển đều có chương trình hỗ trợ thanh niên dưới 25 tuổi bị thất nghiệp trong 3 tháng, bằng cách giúp họ xây dựng kế hoạch hướng nghiệp, học nghề hoặc mở doanh nghiệp.

Chương trình “Việc làm cho thanh niên” tại Anh, được tiến hành từ tháng 4/2012, với mục đích tạo cơ hội việc làm cho khoảng 500.000 thanh niên dưới 24 tuổi, chủ yếu thông qua dạy nghề. Chính phủ Pháp cũng chú trọng đào tạo nghề và cải cách thị trường lao động, với hai gói giải pháp về việc làm cho thanh niên và đặt mục tiêu đến năm 2014 tạo ra được 150.000 việc làm lao động phổ thông.

Hy Lạp và Tây Ban Nha đều áp dụng các biện pháp “sốc” để chống lại tỷ lệ thất nghiệp cao nhất châu Âu. Tây Ban Nha chi 3,48 tỷ Euro trong 4 năm nhằm duy trì trợ cấp thất nghiệp, trong đó 32% do Liên minh châu Âu tài trợ. Khoảng 35.000 thanh niên Hy Lạp dưới 30 tuổi đã tốt nghiệp phổ thông được trợ giúp thực tập nghề trong vài tháng với mức 5 Euro/giờ và được hưởng bảo hiểm y tế./.

(Theo dangcongsan.vn)
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn