Nâng tầm cho du lịch biển đảo Việt Nam
Được thiên nhiên ban tặng trên 3.600km đường bờ biển, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển du lịch tàu biển. Với lượng khách đến tăng nhiều trong những năm qua, du lịch vùng ven biển đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu.
Tiềm năng phát triển du lịch Biển 
Với địa thế nằm giữa hai trung tâm du lịch tàu biển lớn trong khu vực là Hong Kong và Singapore, là quốc gia ổn định về chính trị với nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt có lợi thế về bờ biển với nhiều di tích thiên nhiên, văn hóa được UNESCO công nhận… Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch tàu biển. Các vùng biển, đảo và ven biển hiện thu hút rất nhiều khách du lịch, còn nhiều tiềm năng để phát triển nên từ đây đến năm 2020, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, sản phẩm, quảng bá... để đến năm 2020 thu nhập du lịch biển đạt trên 10 tỉ đô la Mỹ.
 

Các Resort ven biển thu hút khách

Trong năm 2012, Việt Nam đón trên 285.000 lượt du khách tàu biển và trong 7 tháng năm 2013, số lượng khách du lịch tàu biển đến Việt Nam tăng lên khoảng 55% so với cùng kỳ năm 2012, số lượng tàu biển quốc tế và tần suất chuyến tàu đến Việt Nam cũng tăng mạnh so với năm trước.
Đại diện Công ty du lịch Viet Excursions cho biết: Các hãng tàu biển của Mỹ và châu Âu đã tăng cường quảng bá nhiều hơn cho những điểm đến mới ở châu Á, trong đó có Việt Nam nên lượng khách trong mùa tới tăng rất tốt. Số lượng đơn hàng cho mùa du lịch từ tháng 11/2012 đến tháng 4/2013 tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất từ trước đến nay của công ty này. Doanh nghiệp này không những chỉ đón tàu quốc tế đến Việt Nam mà còn đón những tàu đến Campuchia. Với những đơn hàng mới, mỗi tuần công ty đều đón tàu du lịch lớn từ Mỹ, châu Âu đến Việt Nam hoặc sang Campuchia. Từ Campuchia, du khách có thể đi máy bay đến Thái Lan rồi bay sang Singapore.
Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cũng cho biết, năm nay mảng du lịch tàu biển rất nhộn nhịp, chỉ trong tháng 10/2013, công ty này đón ba tàu du lịch biển quốc tế với khoảng 4.500 du khách và thuyền viên từ châu Á, châu Âu và Mỹ. Theo Saigontourist, mùa du lịch tàu biển vào cuối năm nay đến tháng 4/2014, tàu quốc tế đến khá đều đặn không chỉ ở các điểm đến quen thuộc như Hạ Long, Đà Nẵng mà còn tại một số điểm đến khác.Vào tháng 12 tới, công ty đón 450 du khách quốc tịch Đức của tàu du lịch biển quốc tế Europa 2 hãng Hapag-Lloyd.
Đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết mảng du lịch tàu biển của công ty tăng mạnh vì có thêm hai tàu của Mỹ. Thị trường Đức hay châu Âu vẫn còn đang khó khăn về kinh tế nên chưa thấy có những dấu hiệu lạc quan.
Các doanh nghiệp trong ngành du lịch (chủ yếu là khai thác resort và lữ hành) gần đây đã nhận ra những xu hướng mới và đã có những thay đổi phù hợp để khai thác các tiềm năng về biển, đảo hiệu quả hơn.
Khai thác tiềm năng du lịch biển chưa xứng tầm.
Tuy tăng trưởng mạnh nhưng lượng khách này cũng chỉ mới chiếm tỷ lệ từ 4-5% trong tổng số du khách quốc tế đến Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng TCDL cho biết: “Một trong những vấn đề mà ngành du lịch các địa phương có biển, đảo đang gặp là sự trùng lắp và giẫm chân lên nhau, dẫn đến thiếu liên kết để phát triển. Du lịch biển đảo phải nằm trong hoạch định của vùng không những tránh khai thác trùng lặp mà còn hỗ trợ, tạo ra chuỗi liên kết sản phẩm đa dạng và phong phú hơn. Mỗi địa phương cần tạo ra những đặc thù riêng của mình dựa trên các yếu tố khác biệt về cảnh quan, địa lý, văn hóa”.

Sự kiện Festival diều Quốc tế Vũng tàu lần thứ 4 – năm 2012 được tổ chức hoành tráng

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Vòng tròn Việt cho biết nhu cầu khách đi biển vào dịp cuối tuần tăng rất cao, các trung tâm du lịch biển đều quá tải. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất là dịch vụ ở các nơi này thiếu, yếu và ít dịch vụ bổ trợ cho khách vui chơi, mua sắm... Một số vùng biển còn tiềm năng lớn nhưng rất khó đưa khách đến với số lượng đông như Hà Tiên, Hòn Chông và Phú Quốc (thuộc tỉnh Kiên Giang) do thiếu hạ tầng, dịch vụ hoặc đường bay.
An ninh trật tự và quản lý giá cũng là những vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp du lịch bức xúc. Rất nhiều khu du lịch lên giá vào giờ chót, làm cho khách bất bình. Giá có thể cao vào những ngày cao điểm nhưng không nên vượt quá 50% so với ngày thường và điều này cần được thông báo trước cho khách cũng như các công ty lữ hành.
Ông Lê Văn Hùng, Q.Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ VHTTDL) cho biết ngành du lịch tàu biển ở Việt Nam chưa thu hút du khách vì hiện tại Việt Nam vẫn chưa có cảng hành khách tàu biển chuyên biệt. Các tàu biển du lịch đang phải cập cảng chung với cảng hàng hóa nên chất lượng dịch vụ cũng như điều kiện kỹ thuật tại các cảng này chưa đảm bảo chất lượng cao cho khách du lịch.
Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch ở các điểm dừng chân của du khách còn đơn điệu, vấn đề an ninh du lịch còn nhiều bất cập, trình độ nhân lực phục vụ cho ngành du lịch này còn nhiều hạn chế về kỹ năng, ngoại ngữ...

Lặn biển là loại hình du lịch thu hút khách

Mặt khác, nhà nước hiện vẫn chưa có bất cứ quy định nào dành cho các hoạt động du thuyền và các quy định về du lịch đường biển chưa được chuẩn hóa giữa các tỉnh thành nên các du thuyền muốn cập cảng và neo đậu lại phải trả rất nhiều loại phí khác nhau. Vì vậy, phần lớn các du thuyền trong khu vực thường đi vòng và tránh Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam đã mất rất nhiều cơ hội và doanh thu vì các du thuyền thương chi tiêu khá nhiều khi tham quan ở một khu vực nào đó.
Nâng tầm cho du lịch biển đảo Việt Nam.
Để khai thác được tiềm năng và thế mạnh của du lịch biển, đảo, TCDL đang trình Chính phủ phê duyệt đề án phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có chiến lược thúc đẩy du lịch biển, đảo phát triển và hướng đột phá trong 10 năm tới.
Chương trình hành động về phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam đến năm 2020 được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020. Trong mỗi giai đoạn sẽ có các chương trình hành động cụ thể như nâng cao nhận thức xã hội về du lịch biển, điều tra tổng hợp về tài nguyên du lịch biển, đầu tư hạ tầng du lịch biển, xây dựng các sản phẩm du lịch biển đặc thù, xây dựng thương hiệu và xúc tiến quảng bá du lịch biển, hợp tác quốc tế về phát triển du lịch biển, triển khai dự án rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch biển và dự án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch biển Việt Nam đến năm 2020.
Theo ông Lê Văn Hùng, các doanh nghiệp lữ hành cần tập trung khai thác nguồn khách du lịch tàu biển đến từ các thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Úc, Trung Quốc bằng việc tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tàu biển Việt Nam đến các thị trường quan trọng và tiềm năng thông qua việc tham gia các hội chợ chuyên ngành, quảng bá trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, tổ chức chương trình cho các công ty lữ hành nước ngoài đến tìm hiểu tiềm năng du lịch biển đảo Việt Nam, tạo điều kiện để các đoàn làm phim nước ngoài giới thiệu vẻ đẹp của biển đảo... Ngoài ra, cần tích cực hợp tác ASEAN về phát triển kinh tế biển, đồng thời thường xuyên đăng cai các sự kiện liên quan đến du lịch biển để quảng bá tới các du khách quốc tế về du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất tại các bến cảng; cải tạo những điều kiện về kỹ thuật, vệ sinh, an toàn tại các bến cảng hàng hóa để phù hợp cho việc đón tàu du lịch; tập trung đầu tư trang bị mới và cải tạo đội tàu du lịch để phục vụ du khách với chất lượng tốt nhất theo tiêu chuẩn quốc tế... Về lâu dài, để phát triển bền vững ngành Du lịch tàu biển phải đầu tư xây dựng một số cảng du lịch với ga đón khách hiện đại, đầy đủ tiện nghi dành cho du lịch tàu biển…

Khách Quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển

Các doanh nghiệp lữ hành cần có những biện pháp kích cầu và tạo ra những sản phẩm mới lạ, đa dạng cho nhóm du khách tàu biển với những chương trình tour đặc sắc; liên kết với các công ty dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, cũng như các địa phương để giảm giá các dịch vụ, giá phòng, nâng cao chất lượng phục vụ cho du khách…
Theo các chuyên gia, vấn đề cần phải làm là phải thống nhất và quy định rõ ràng về mức phí, thuế, giấy phép... ở tất cả các cảng, các khu vực để du thuyền tư nhân hay du thuyền du lịch dọc bờ biển Việt Nam dễ dàng hơn.
Thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp trên không chỉ giúp cho du lịch tàu biển ở Việt Nam phát triển mà còn góp phần đạt mục tiêu Việt Nam sẽ đón 7,5 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2020.
theo vhttdlkv3.gov.vn
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn