(30/11/2019) "Hà Gừ" - linh vật huyền bí của người Hà Nhì ở Y Tý (Bát Xát, Lào Cai)
Y Tý (Bát Xát) là vùng đất thường được nhắc đến với biết bao điều kỳ bí bởi sự hoang sơ, hùng vỹ của tự nhiên, sự bí ẩn về những thứ con người đã tạo ra từ bao đời mà đến nay vẫn chưa tìm được lời giải; trong đó có một “linh vật” trong tín ngưỡng của tộc người Hà Nhì. Đến Y Tý lần này, chúng tôi đã được Nghệ nhân Ưu tú Ly Seo Chơ chỉ cho nơi đặt “linh vật” và kể cho nghe những câu chuyện “truyền khẩu” huyền bí xung quanh “linh vật” này.
“Linh vật” này là những con hổ đá - tiếng người Hà Nhì gọi là “hà gừ” - nằm rải rác trong Khu di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Thề Pả. Khi được hỏi về nguồn gốc và lý do đặt hai con hổ đá tại khu vực Thề Pả, Nghệ nhân Ưu tú Ly Seo Chơ cho biết: Con hổ đá là vật linh thiêng của tất cả người dân đang canh tác ruộng nương trong khu vực Thề Pả.
Năm nay đã hơn 70 tuổi, nhưng ông Ly Seo Chơ cũng chỉ nghe ông nội của ông nói rằng con hổ đá có từ nhiều đời nay rồi, cụ thể thời gian nào thì ở Y Tý cũng không ai biết. Chỉ biết rằng, suốt từ nhiều đời nay, những người dân trong khu vực xã Y Tý, gồm cả người Mông, người Hà Nhì đều rất tin vào sự linh thiêng của con vật này. Họ tin rằng chính con hổ đá “hà gừ” này đã bảo vệ cho lúa, ngô trồng cấy trong khu vực Thề Pả không bị con ngựa thần trên núi “gạ tạ mò”xuống phá.
Nghệ nhân cho biết thêm, dãy núi “gạ tạ mò” này nằm giáp với biên giới Trung Quốc, núi đá cao, không có rừng cây. Các cụ cao niên trong bản cho biết dãy núi chính là nơi con ngựa thần núi “gạ tạ mò” cư ngụ. Thuở xưa, con ngựa này thường rất hay xuống phá lúa của người dân trong bản, làm cho hạn hán, lúa không có hạt và làm cho người dân thường xuyên bị thiếu đói.
Khi nhận thấy hiện tượng lạ như vậy, các thầy cúng người Hà Nhì đã đi tìm hiểu và được biết nguyên nhân là do con ngựa thần trên núi “gạ tạ mò” xuống phá hoại, nên cần phải đặt những con hổ bằng đá để ngăn chặn con ngựa thần xuống phá. Và hằng năm, các thôn, bản cùng nhau tổ chức một lễ cúng nhằm dâng đồ ăn cho ngựa thần, cầu mong ngựa không xuống phá. Từ khi đặt những con hổ đá này thì lúa, ngô của người dân trồng cấy trong khu vực Thề Pả không bị mất mùa, đời sống kinh tế của người dân cũng được ổn định.
Chúng tôi được anh Chu Che Sá, Trưởng thôn Lao Chải 1 dẫn lối tìm về nơi đặt một trong số những con hổ đá. Vị trí đặt con hổ đá nằm ở khoảng giữa thung lũng Thề Pả, con hổ được tạo tác từ loại đá trắng với đầy đủ đầu, mình, chân và đuôi. Con hổ đá cao khoảng 1 m, dài hơn 1 m, có chân đế là một phiến đá chắc chắn. Con hổ đá đặt ngay ngắn, hướng nhìn về dãy núi “gạ tạ mò” như muốn ngăn con ngựa thần xuống phá hoại hoa màu của người dân.
Trưởng thôn Chu Che Sá cho biết: Trong thung lũng còn có hai con hổ đá nữa đặt ở vị trí cao hơn, gần với thôn Choản Thèn. Khu vực này cũng là nơi người Hà Nhì canh tác lúa và trồng ngô. Năm 2016, có người trong thôn tự ý mang con hổ đá về nhà, sau khi mang đi thì lúa của người dân cũng tự nhiên cháy lá, nhiều khu ruộng lúa đang xanh tốt thì úa vàng, trời không thể mưa làm cho nước trong các khu ruộng cạn khô. Biết được hiện tượng lạ này, các cụ già trong thôn đã đi xem và cho biết do con hổ đá bị mang đi, nên ngựa thần trên núi lại xuống phá hoại lúa, giờ phải đòi lại con hổ đá ấy và đặt lại vị trí cũ. Ngay đêm hôm con hổ đá được đặt lại ở vị trí cũ, trời đổ mưa to, nước tràn các ruộng, vài ngày sau lúa đã xanh trở lại. Sau sự việc này, toàn bộ người dân trong xã Y Tý càng nhận thấy sự linh thiêng của con hổ đá đối với mỗi mùa vụ từ bao đời nay.
Sự xuất hiện của những con “hà gừ” trong khu vực thung lũng Thề Pả vẫn là một bí ẩn. Chúng được làm ra từ khi nào? Ai là chủ nhân? Lý do thực sự được người dân đặt và bảo vệ suốt bao đời nay ở khu vực giáp biên giới này là gì? Có phải chúng chỉ đơn thuần là vật thiêng ngăn chặn con ngựa thần về phá hoại lúa, ngô của người dân không?... Cho đến nay, những thắc mắc ấy vẫn là bí ẩn chưa tìm được lời giải. Trước mắt, rất cần được cả cộng đồng chung tay bảo vệ để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đến giải mã.