(12/2/2020) Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Nghề làm trống của người Dao Đỏ Sa Pa (Lào Cai)
Nghề làm trống của người Dao Đỏ Sa Pa (Lào Cai) là một trong 11 di sản thuộc bốn loại hình: Nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể từ tháng 1 năm 2020.
Được biết, nghề làm trống cùng các phong tục tập quán, tín ngưỡng như lễ cấp sắc, nghề chạm bạc, các lễ hội …đã góp phần thể hiện nét văn hóa độc đáo và phong phú của người Dao Đỏ.
Người Dao Đỏ Sa Pa làm trống rất công phu và cầu kỳ. Mặt trống được lựa chọn từ da bò, trâu, sơn dương nhưng phải có độ mỏng cần thiết, nếu da dày thì phải bào mòn mới có thể làm trống được. Tiếp theo da làm trống phải được đem phơi nắng hoặc để gác bếp. Khi làm trống, các nghệ nhân sẽ dùng các thanh gỗ nhỏ đã được vót đều để nêm đóng chặt vào tang trống, kéo các sợi mây đan vào với nhau cho da mặt trống căng ra mới có thể tạo ra âm thanh trầm bổng. Trống của người Dao Đỏ còn có các thanh gỗ dăm găm tròn xung quanh tang trống như những cánh hoa trông rất bắt mắt.
Theo phong tục, mỗi gia đình người Dao nói chung đều phải có một bộ gồm một trống và một khèn để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa vào những ngày lễ tết, ma chay, cưới hỏi…bởi họ quan niệm rằng, tiếng trống biểu thị cho tín hiệu tình cảm của con người đối với thần linh.