(30/7/2020) Nét độc đáo trên trang phục truyền thống người Mông
Người Mông khéo làm trang phục truyền thống, lại cách tân khăn, mũ, túi đeo, tranh trang trí... để phục vụ du lịch, vừa tăng thu nhập vừa cảm nhận được giá trị truyền thống mà gìn giữ và gắn bó với nghề se lanh, dệt vải, sản xuất thổ cẩm.
Năm nhóm dân tộc thiểu số ở Sa Pa đều sở hữu những bộ trang phục truyền thống khác nhau về mầu sắc, họa tiết, chất liệu... Trong đó người Mông là nhóm dân tộc đông nhất ở Sa Pa (chiếm tới hơn 50%), họ xuất hiện ở khắp mọi nơi từ trong chợ, trên phố đến các bản làng hay trên nương rẫy. Có lẽ vì thế mà du khách ấn tượng và nhớ nhất về người Mông với bộ trang phục truyền thống.

Trang phục của người Mông đen Sa Pa được làm hoàn toàn thủ công từ các nguyên liệu tự nhiên gần gũi với cuộc sống hàng ngày như: Vải được làm từ sợi lanh, được nhuộm màu tràm tự nhiên, đánh bóng bằng sáp ong…Bộ trang phục truyền thống người Mông thể hiện nhiều giá trị hơn một bộ trang phục để mặc. Thứ nhất, nó phản ánh mối quan hệ của người Mông với môi trường sống xung quanh. Với khí hậu và điều kiện khắc nghiệt, trang phục của người Mông đáp ứng giữ ấm vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè, che nắng che mưa, tránh được động vật, côn trùng, cây rừng, gai rừng; Thứ hai, nó phản ánh tư duy kỹ thuật thủ công của người Mông dựa trên kỹ năng, kỹ thuật dệt vải hay thiết kế các hoa văn, họa tiết trang phục; Thứ ba, nó là một sản phẩm văn hóa tạo nên nét đặc trưng của người Mông. Đây là thành quả của quá trình lao động cần mẫn của người phụ nữ, trải qua quá trình tồn tại và phát triển lâu dài nó trở thành một sản phẩm văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của một tộc người; Thứ tư, trang phục phản ánh thế giới quan, tâm tư, suy nghĩ, quan niệm và nguyện vọng của người Mông thông qua hình tượng và nghệ thuật trang trí…
Ngày nay, người Mông vẫn trân trọng và bảo lưu truyền thống, thói quen sử dụng trang phục truyền thống nhất so với các nhóm dân tộc khác. Họ mặc ở nhà, đi làm đồng hay lên phố, đặc biệt là vào các dịp lễ hội, tết hay cưới xin, ma chay. Những bộ trang phục truyền thống người Mông góp phần tô điểm cho bức tranh toàn cảnh du lịch Sa Pa thêm phần sinh động và rực rỡ sắc màu. Giờ đây trang phục này không chỉ phục vụ những người sản xuất ra chúng, trang phục người Mông còn được rất nhiều du khách yêu thích và sử dụng.
Sinh sống ở mảnh đất Sa Pa, hàng ngày tiếp xúc với những khách du lịch phương xa, cuộc sống của người Mông cũng chịu nhiều tác động từ sự phát triển của du lịch. Nhưng họ vẫn biết cách giữ gìn và quảng bá trang phục truyền thống của mình một cách hiệu quả và phù hợp. Nhiều gia đình người Mông mở dịch vụ lưu trú homestay và thường xuyên mặc trang phục truyền thống của mình trong thời gian phục vụ khách. Các bạn hướng dẫn viên người Mông cũng mặc trang phục truyền thống khi dẫn khách đi tham quan. Điều này vừa giúp tạo thiện cảm với khách ngay từ cái nhìn đầu tiên, vừa góp phần giới thiệu trang phục truyền thống của mình tới du khách. Nhiều nhà hàng, khách sạn cũng lựa chọn những bộ trang phục truyền thống người Mông làm đồng phục cho nhân viên, hay để trang trí cho cơ sở của mình. Điều này đã tạo thêm công ăn việc làm cho người Mông. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu, sở thích của nhiều khách du lịch yêu thích trang phục dân tộc mình. Người Mông cũng khéo léo tạo ra các trang phục truyền thống, pha chút cách tân, nhiều kích cỡ hơn, thiết kế tiện lợi hơn để bán cho khách du lịch. Không chỉ làm trang phục truyền thống, họ cũng sử dụng chất liệu thổ cẩm để tạo ra nào khăn, mũ, túi đeo, vỏ gối, ga giường, tranh trang trí... để phục vụ khách du lịch. Từ đó góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhưng quan trọng hơn là người Mông cảm nhận được giá trị trang phục truyền thống của mình, gìn giữ và gắn bó với nghề se lanh, dệt vải, sản xuất thổ cẩm của dân tộc mình.
        
Để tiếp tục giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của trang phục truyền thống người Mông, như một nét hấp dẫn riêng của Sa Pa để hấp dẫn khách du lịch trong thời kỳ xã hội đang ngày một phát triển như hiện nay. Chính quyền địa phương hay các doanh nghiệp cũng đã có những hành động để ủng hộ bà con gìn giữ yếu tố truyền thống này. Từ việc tuyên truyền nhận thức đến việc khuyến khích mở các HTX sản xuất thổ cẩm truyền thống hay tìm đầu ra cho các sản phẩm thổ cẩm. Bên cạnh đó cũng cần tổ chức thêm hay tái dựng những lễ hội truyền thống, các cuộc thi trang phục dân tộc...để đồng bào người Mông được hãnh diện khoác lên mình bộ trang phục truyền thống. Từ đó giúp người Mông có thể sống tốt với nghề truyền thống, yêu trang phục của mình hơn, để những hình ảnh người Mông với trang phục truyền thống luôn hiện hữu khắp các bản làng hay nơi Sa Pa phố thị, tạo nên một Sa Pa vừa hiện đại trên đà phát triển, vừa mang trên mình nét đẹp truyền thống mà không phải nơi nào cũng có./.
Thành Tuân
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn