(07/4/2020) Rực rỡ sắc màu thổ cẩm Lào Cai
Lào Cai không chỉ là mảnh đất núi non hùng vỹ với tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, mà nơi đây còn thu hút bởi những nét văn hóa vô cùng duyên dáng và đặc sắc. Một trong những ấn tượng đặc biệt của du khách khi đến với Lào Cai phải kể đến đó là những sắc màu thổ cẩm ở nơi đây.
Lào Cai có 25 nhóm, ngành dân tộc khác nhau. Mỗi dân tộc lại có những sáng tạo riêng trong cách làm trang phục thổ cẩm của mình. Có dân tộc sử dụng những gam màu nóng như đỏ, vàng nổi bật giữa núi rừng. Có dân tộc lại sử dụng những gam màu trầm như đen, xanh, chàm để hài hòa với thiên nhiên. Nhưng dù với màu sắc nào, hoa văn nào thì trang phục thổ cẩm của mỗi tộc người lại toát lên một vẻ đẹp riêng, rất độc đáo và hấp dẫn. Chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngưỡng và khám phá những điểm khác biệt, đa sắc màu trên trang phục thổ cẩm của một số dân tộc của tỉnh Lào Cai:
Thổ cẩm Mông đen: Người Mông đen có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà làm lanh”. Ngay từ tấm bé, các cô gái đã được bà, được mẹ truyền dạy lại những kỹ thuật để làm nên một bộ thổ cẩm đẹp. Có 3 nhóm hoa văn đặc trưng của người Mông đen, đó là: họa hình động vật xung quanh; họa hình cây cỏ, hoa lá; và họa hình công cụ lao động. Trang phục thổ cẩm của người Mông đen không chỉ có giá trị sử dụng mà còn ghi dấu trình độ phát triển cao của thẩm mỹ dân gian. Người Mông đen coi thổ cẩm không chỉ là vật bảo vệ con người theo ý nghĩa sinh học thông thường, mà còn là vũ khí chống lại mọi ma tà, hay giúp cho con người có thêm sức mạnh.
Thổ cẩm Mông hoa: Người Mông Hoa ở Lào Cai sinh sống chủ yếu ở các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai. Trang phục thổ cẩm của người Mông Hoa tạo ấn tượng mạnh mẽ  ngay từ cái nhìn đầu tiên với vẻ đẹp rực rỡ, tươi trẻ. Về thổ cẩm, sau khi đã dệt thành vải, thì họ sẽ bôi sáp ong lên vải trắng những đường hoa văn hình học theo ý muốn. Sau đó, mới đem nhuộm chàm. Người phụ nữ kết hợp cả ba kỹ thuật là thêu, vẽ sáp ong và chắp vải để tạo nên những họa tiết trên nền y phục.  
Thổ cẩm Mông trắng: Trang phục thổ cẩm truyền thống của người Mông trắng gồm có: áo với phần cổ hình chữ nhật được trang trí tinh xảo, quần ngắn đến bắp chân, xà cạp trơn màu đen, khăn quấn nhiều lớp trên đầu và một chiếc tạp dề. Hoa văn truyền thống trên nền thổ cẩm của người Mông trắng được sáng tạo và lấy cảm hứng từ những vật dụng quen thuộc hàng ngày như chiếc lược chải tóc, con ốc sên, bông hoa hay hạt dưa…Kỹ thuật thêu của họ bao gồm: kỹ thuật thêu đáp vải hình xoắn ốc, và thêu dấu nhân.
Thổ cẩm Dao đỏ: Trang phục thổ cẩm của người Dao đỏ nổi trội với chiếc mũ đỏ rực, tới những họa tiết trên yếm và gấu quần. Màu đỏ được lặp đi lặp lại nhiều lần theo những chiều hướng khác nhau, phối hợp hài hòa với các sắc màu trắng, vàng, xanh trên nền chàm đen, tạo nên nhịp điệu của sắc đỏ, tương xứng với tâm hồn dân tộc của người Dao đỏ, con cháu của Bàn Vương.
Thổ cẩm Dao tuyển: Người Dao tuyển lựa chọn trang phục vô cùng thông minh. Với chất liệu vải bông, thổ cẩm của người Dao tuyển sẽ giúp họ giữ ấm về mùa đông và mát mẻ vào mùa hè, chống chọi lại được thời tiết khắc nghiệt của miền núi Phía Bắc. Với nền kinh tế làm nương rẫy, thường xuyên tiếp xúc với đất, đá… nên người Dao tuyển đã nhuộm vải bông từ màu trắng thành màu chàm. Tập tục sống gần gũi với thiên nhiên cũng ảnh hưởng nhiều đến những hoa văn mà họ trang trí trên quần áo, ta thường thấy các hoa văn hình động vật, hình hoa lá, hình chữ thập… qua đó cũng thấy được suy nghĩ, lối sống, tâm tư và tình cảm của người Dao tuyển.
Thổ cẩm Hà Nhì: Từ xưa tới nay, người Hà Nhì nổi tiếng chịu thương chịu khó. Ngoài việc trồng lúa trên những thửa ruộng bậc thang, họ còn tự tay trồng bông, dệt vải và tự làm ra trang phục của mình, mang những nét đặc trưng riêng. Những bộ trang phục thổ cẩm của nam và nữ, đều được may từ vải chàm do người phụ nữ tự dệt, với màu xanh hay màu đen đặc trưng, nổi bật với những đường viền lượn cong. Ngoài quần áo, người phụ nữ Hà Nhì rất chăm chú đến việc điểm trang cho mái tóc thêm duyên dáng. Họ đã sáng tạo ra những bộ tóc giả, dài, đen bóng, được bện cẩn thận để làm điểm nhấn cho gương mặt.
Thổ cẩm Tày: Trang phục của người Tày đơn giản, nhưng cũng tạo ra nét riêng biệt của nó, và mang lại cho người mặc vẻ đẹp thuần khiết. Thổ cẩm của họ có những hòa sắc trầm, dịu, hoặc sáng tươi. Các sắc thái khác nhau cho thấy, thổ cẩm Tày không gò bó trong quy thức hòa màu hạn chế nào, cho thấy sức sáng tạo phong phú và đa dạng của nghệ nhân nhiều thế hệ, đó cũng là những dấu ấn của sự phát triển trong trang trí dệt dân gian của người Tày.
Thổ cẩm Giáy: Trang phục của phụ nữ Giáy ở Lào Cai cũng khác ở Lai Châu hay Hà Giang. Phụ nữ Giáy mặc quần bằng vải lụa, sa tanh màu đen. Áo của phụ nữ có nhiều màu, nhưng lại không có màu trắng. Áo dài cài khuy vải hoặc khuy bạc ở nách bên phải. Cổ đứng, viền vải khác màu ở vạt cài khuy, viền tay áo. Các đường viền trước đây được phân biệt giữa già và trẻ: đường viền to là dành cho người già, còn người trẻ thì viền áo nhỏ. Trang phục của nam giới cũng đơn giản. Nam cũng mặc quần vải bông màu đen, áo ngắn màu đen, cài khuy vải trước ngực, đầu đội khăn vải bông nhuộm chàm.
Thổ cẩm dân tộc Nùng: Trang phục thổ cẩm là một trong những nét đẹp truyền thống, là niềm tự hào của dân tộc Nùng. … Tuy các mẫu hoa văn của người Nùng luôn có tông màu trầm, không quá sặc sỡ với những mảng màu lớn, nhưng lại có sức lôi cuốn người nhìn đặc biệt bởi các đường nét thêu vô cùng cầu kỳ và đẹp mắt. Người phụ nữ Nùng Dín thường quấn hai lớp khăn trên đầu, tạo thành hình múi. Khăn vấn sao cho giống hai chiếc sừng trâu hai bên. Nét tượng trưng này thể hiện quan niệm của người Nùng coi “Con trâu là đầu cơ nghiệp”.
Thổ cẩm dân tộc Pa Dí: Trong rừng hoa muôn sắc của các trang phục dân tộc, trang phục thổ cẩm của người Pa Dí có một vẻ đẹp độc đáo. Nhìn vào tổng thể, bộ trang phục này được thiết kế hài hòa. Áo ôm sát người và tạo điểm nhấn bằng một dải trang trí chéo từ cổ áo xuống ngang hông, cài khuy bên cạnh. Cổ áo và dải áo trên đều được đính bạc hình tam giác, hay hình quả núi đổi chiều. Cùng với váy dài cân đối và dải thắt lưng xanh đã tạo nên sự duyên dáng cho trang phục. 
Thổ cẩm dân tộc Xa Phó tạo ấn tượng sâu sắc khi tiếp xúc bởi trang phục thổ cẩm cầu kỳ, tuyệt đẹp và đầy tính nghệ thuật. Bộ y phục nam Xá Phó gồm có: Khăn, áo, quần, thắt lưng đều được làm thủ công bằng tay, với chất liệu là vải bông tự dệt, tự thêu có nhuộm chàm đen. Trên áo có dấu tích đặc biệt là thân áo xẻ từ 2 bên, cách 10cm từ gấu áo lên có khâu chỉ màu. Trang phục người phụ nữ được trang trí hoa văn sặc sỡ, chủ yếu là gam màu nóng, vượt khỏi sắc màu thiên nhiên, phản ánh thẩm mỹ và tính mỹ thuật rất cao, cho thấy được khát vọng sống mãnh liệt, được người dân bộc lộ, thể hiện thông qua bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Ngày nay, khi du lịch ngày càng phát triển và tác động mạnh mẽ đến đời sống của bà con dân tộc thiểu số ở Lào Cai, thì thổ cẩm không chỉ là những bộ trang phục truyền thống lưu giữ những nét văn hóa từ ngàn đời của đồng bào. Mà nó còn được sáng tạo thành nhiều vật dụng khác nhau như những món đồ lưu niệm, đồ dùng trang trí trong khách sạn, nhà hàng và còn được thiết kế trong nhiều công trình độc đáo, tạo nên sức hút mới mẻ cho thổ cẩm Lào Cai.
Và dưới đây là một số hình ảnh:
Thổ cẩm
                     Nghệ nhân cần mần sáng tạo những trang phục cho dân tộc mình
Thổ cẩm Lào Cai
    Những cô gái, chàng trai dân tộc Giáy biểu diễn trong những bộ trang phục truyền thống
Thổ cẩm Sa Pa
Đồng bào dân tộc vùng cao Lào Cai xúng xính trong những trang phục truyền thống tham gia Lễ hội
Thổ cẩm Sa Pa
Hương Giang
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn