Xây dựng Lào Cai trở thành trọng điểm du lịch của vùng Tây Bắc và quốc gia
Sa Pa - điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước.
Mục tiêu tổng quát phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2020 là: Xây dựng Lào Cai trở thành một trong những điểm du lịch bậc nhất của vùng Tây Bắc, là một trong những trọng điểm du lịch của vùng và quốc gia.
Theo đó, đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối ngành dịch vụ của tỉnh, tạo tiền đề đến năm 2030 là ngành kinh tế đột phá trong cơ cấu kinh tế chung, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để các ngành kinh tế cùng phát triển.
Cụ thể: Năm 2020, tỉnh Lào Cai đón 4,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 18.000 tỷ đồng, sử dụng 33.000 lao động. Năm 2030, tỉnh đón 13 triệu lượt khách, doanh thu đạt 58.500 tỷ đồng, sử dụng 105.000 lao động.
Các dòng sản phẩm chính gồm: du lịch tham quan – nghỉ dưỡng, du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch biên giới, du lịch tâm linh. Ngoài ra còn có các dòng sản phẩm hỗ trợ: du lịch nông nghiệp, du lịch lễ hội, du lịch di tích lịch sử. Tập trung khai thác khách tại các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các nước khu vực Tây Âu; từng bước giới thiệu, mở rộng ra các thị trường khác.
Về không gian, lãnh thổ phát triển du lịch: Từng bước xây dựng hình ảnh du lịch đặc trưng của 3 vùng du lịch: Nghỉ dưỡng – văn hóa – biên giới (huyện Sa Pa – Bát Xát – TP Lào Cai); sinh thái – văn hóa (huyện Bắc Hà – Mường Khương – Si Ma Cai); dịch vụ - tâm linh (huyện Bảo Thắng – Bảo Yên – Văn Bàn). Tổ chức phát triển khu du lịch trọng điểm trên địa bàn, gồm: Sa Pa, TP Lào Cai, Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn, Bát Xát.
Tờ trình cũng đề cập đến một số nhóm giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện mục tiêu: nguồn nhân lực; vốn đầu tư; xúc tiến, quảng bá du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ; hợp tác phát triển du lịch; quản lý quy hoạch; cơ chế, chính sách đối với du lịch.