(12/06/2017) Lảo Thẩn vẫy gọi
Cùng với đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, Núi Muối, Nhìu Cồ San, hai năm trở lại đây, đỉnh Lảo Thẩn trở thành địa danh hấp dẫn với dân “phượt” bởi cung đường mới lạ và khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Chinh phục đỉnh Lảo Thẩn

Y Tý (Bát Xát) chào đón chúng tôi bằng trận mưa dầm dề từ sáng đến tối mịt, vậy là mọi kế hoạch chinh phục đỉnh Lảo Thẩn trong ngày đầu tiên tan thành mây khói. Thấy chúng tôi nóng lòng, Sùng A Hờ, chàng trai người Mông nhiều lần làm porter dẫn các đoàn phượt lên đỉnh Lảo Thẩn quả quyết thời tiết này không thể đi được. Sang ngày thứ hai, mưa đã ngớt, nhưng cung đường leo núi chắc chắn vẫn còn nhiều đoạn trơn trượt, A Hờ bảo: “Nếu các anh quyết tâm đi thì xỏ giày vào thôi!”.

Từ cao nguyên Phìn Hồ, cả đoàn khởi hành với quyết tâm tới đỉnh Lảo Thẩn chỉ trong một ngày (bình thường dân phượt đi trong 2 ngày, 1 đêm). Cả chặng đường dài phía trước chìm trong mưa mù, thỉnh thoảng trên đường chúng tôi gặp những phiến đá to bằng cả sân bóng lát trên cao nguyên, khiến cho những bước chân trở nên nhàn nhã hơn. Từ ngày có cáp treo lên đỉnh Fansipan, những người yêu thích leo núi đã chọn cung đường lên Bạch Mộc Lương Tử và Lảo Thẩn. Hôm nay, tự mình bước chân trên cung đường này, tôi mới cảm nhận được vì sao dân phượt lại yêu thích hành trình leo núi đến thế. Anh Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Công ty Du lịch Sunrise Travel, người đã khám phá hầu hết những đỉnh núi đẹp trong nước cho biết, đây là cung đường vừa phải, không quá khó khăn nhưng cũng nhiều thử thách đối với những người ưa du lịch mạo hiểm. Sau chặng đường vượt qua cao nguyên Phìn Hồ với những đồi nương đang canh tác của người dân địa phương, cảnh vật bất ngờ thay đổi khi độ cao tăng dần. Chúng tôi cúi mình đi trong rừng trúc ken dày chỉ chừa đúng một lối mòn, sau đó cả đoàn lại thoắt ẩn, thoắt hiện giữa rừng cây dương xỉ cao ngang lưng. Thời tiết mưa mù tạo nên cảnh sắc huyền bí với những cánh rừng hiện ra trước mắt mờ mờ ảo ảo. Mỗi gốc cây, dòng suối và triền cỏ dường như đều mang trong mình một câu chuyện muốn kể. Đây là cây pơ mu già cỗi gục ngã sau một trận mưa giông lớn, còn kia là những mầm xanh vươn lên sau cơn mưa mát lành đầu hạ. Sùng A Mã - một porter đi cùng đoàn bảo tháng nào cũng đi vài chuyến nhưng mỗi lần lại thấy cảnh vật thay đổi, nên chẳng bao giờ thấy chán.

Trên đường chinh phục đỉnh Lảo Thẩn. Ảnh: Tuấn Ngọc

“Chặng đường phía trước sẽ toàn leo dốc đấy!” - Porter Sùng A Hờ nói ngắn gọn và lại phăng phăng bước đi. Bây giờ mới thực sự là leo núi, nếu như chặng đường trước, cả đoàn chỉ nghỉ một lần thì chặng này cứ đi được một đoạn lại có thành viên tựa lưng vào gốc cây thở dốc. Tuy nhiên, sau mỗi lần khó nhọc vượt qua một “nấc thang” núi là một lần chúng tôi được chiêm ngưỡng những “món quà” tuyệt đẹp của thiên nhiên. Đó là những vạt hoa trắng, đỏ lung linh khoe sắc, là rừng cây cổ thụ rêu phong, là thảm cỏ đọng sương trắng như băng ngày giá lạnh... Ở độ cao gần 2.500 m, mọi thứ dường như đều trong lành, tinh khiết, dòng nước mát lấy từ lòng núi mà A Hờ đưa cho khiến chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh để bước tiếp.

Leo núi không chỉ là hành trình sử dụng sức mạnh cơ bắp mà còn là thước đo ý chí, nghị lực, suốt chặng đường gần 10 km chinh phục đỉnh Lảo Thẩn, chúng tôi càng hiểu rõ ý nghĩa câu nói ấy. Chặng cuối - đoạn từ trạm nghỉ chân lên đỉnh Lảo Thẩn chỉ còn khoảng 500 m nhưng lại là đoạn đường khó đi nhất. Đi giữa sông núi, gió nổi liên hồi, phía dưới là vực sâu, đây là thử thách thực sự với những ai leo núi lần đầu. Và khi đã vượt qua, chúng tôi đều nhen lên trong lòng niềm vui sướng, tự hào khôn tả. Từ đỉnh Lảo Thẩn nhìn xuống là biển mây trắng xóa, cả đoàn quên mọi mệt nhọc, tranh thủ thời gian để ghi lại những hình ảnh đẹp nhất và đặt những cái tên mơ mộng cho bức ảnh hoàng hôn trên độ cao 2.800 m.

Thêm điểm nhấn trên mảnh đất di sản

Cùng với ruộng bậc thang kỳ vĩ, nhà tường trình độc đáo, tuyến leo núi Lảo Thẩn khi được đưa vào khai thác chính thức sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến với Y Tý nói riêng và vùng cao Bát Xát nói chung.

Sùng A Hờ, chàng trai người Mông vui tính cũng chính là chủ homestay A Hờ được nhiều dân phượt chia sẻ trên cộng đồng mạng. Dẫn khách leo núi săn mây trên đỉnh Lảo Thẩn, A Hờ vừa có thêm thu nhập, lại có cơ hội giới thiệu với du khách về phong cảnh tuyệt đẹp nơi mình sinh ra và lớn lên. A Hờ cho biết, từ tháng 12 đến tháng 4 là dịp có nhiều đoàn khách leo núi nhất, “nhiều đoàn khách đặt lịch hẹn mà mình không dám nhận vì không đủ sức phục vụ” - A Hờ nói.

Trong câu chuyện của mình, anh Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Công ty Du lịch Sunrise Travel luôn đầy ắp ý tưởng và mong muốn mình sẽ được đóng góp công sức để khai thác hết tiềm năng du lịch nơi đây. “Bát Xát không thiếu tiềm năng để phát triển du lịch, từ bản sắc văn hóa đến phong cảnh thiên nhiên, đó là điều kiện thuận lợi để kết nối các tour du lịch độc đáo” - Anh Thắng cho biết.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin du lịch Bát Xát Hoàng Công Kiều cũng ấp ủ nhiều dự định, anh bảo chuyến đi lần này trước hết là khảo sát để công nhận tuyến, điểm du lịch. Từ đó, sẽ thu hút các đơn vị đến đầu tư hạ tầng giao thông và các dịch vụ du lịch khác. Mục đích cuối cùng là khai thác lợi thế du lịch của địa phương để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc nơi đây.

Trong tiếng gió thoảng trên cao nguyên Phìn Hồ như có tiếng vẫy gọi từ đỉnh Lảo Thẩn, mời du khách hãy một lần tham gia hành trình leo núi để khám phá phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và cũng là khẳng định ý chí, nghị lực của bản thân.

 
Theo baolaocai.vn
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn