(25/03/2021) Kéo vợ của người Mông ở Sa Pa
“Kéo vợ” một số nơi còn gọi là cướp vợ tiếng Hmông gọi là “hai pù”. “Kéo vợ” đúng như nghĩa đen của nó là kéo một cô gái về nhà làm vợ.
Các chàng trai, cô gái Mông thường gặp gỡ, giao lưu với nhau trong những ngày hội, những ngày chơi tết và đặc biệt là các phiên “chợ tình”. Khi tình yêu đã chín muồi chàng trai về nhà xin phép cha mẹ được kéo cô gái ấy về làm vợ, bố mẹ đồng ý thì chàng trai sẽ chọn một thời điểm thích hợp kéo cô gái về nhà mình. Kéo vợ có thể xảy ra ở chợ, trên nương, ngoài đường hoặc xảy ra trong nhà cô gái. Trước khi đi kéo vợ, chàng trai sẽ nhờ thêm bốn, năm người bạn của mình cùng đi giúp. Chàng trai một mình ra nói chuyện với cô gái, trong lúc tâm sự thấy điều kiện thuận lợi thì chàng trai sẽ nắm tay cô và nói: “hôm nay ta kéo nàng về làm vợ ta” rồi kéo cô gái đi. Thấy vậy đám bạn của chàng trai cùng những người đi phụ giúp cũng ra giúp đỡ kéo cô gái về nhà. Khi kéo, hai người biết kéo sẽ đến hai bên tỳ vào nách cô gái, để hai cánh tay cô lên vai và nhấc bổng để chân cô không chạm đất lúc này cô gái không thể rằng co đánh trả được (có những trường hợp cô gái chưa biết hoặc không đồng ý thì chống trả quyết liệt và kêu khóc thảm thiết).

Kéo vợ ở chợ Sa Pa trước kia (ảnh: sưu tầm)
Cô gái khi bị kéo về nhà chàng trai sẽ được cho ở một buồng riêng - buồng của chàng trai. Nhà trai sắp xếp một cô em gái hoặc một người chị họ, em họ của chàng trai (người này phải chưa lấy chồng) ở cùng cô gái vừa là để trông chừng cô gái không trốn về nhà vừa là để thuyết phục cô đồng ý làm con dâu của gia đình họ. Trong thời gian ba ngày “sống thử” ở nhà chồng cô gái được đối xử như khách, được phục vụ cơm ăn, nước uống đầy đủ, chu đáo.

Kéo vợ được tái hiện tại show "Chợ tình Sa Pa" - sản phẩm văn hóa-du lịch độc đáo của Sa Pa (ảnh: Bùi Hà)
Sáng ngày hôm sau, bố mẹ chàng trai sẽ nhờ ông mối mang thuốc lào và sừng trâu rượu sang bên nhà gái để báo tin và để làm lễ dạm hỏi. Nếu qua cảm nhận trong ba ngày đó được cô dâu chấp thuận thì cuộc sống làm dâu được chính thức bắt đầu diễn ra (đám cưới được gia đình hai bên chuẩn bị đầy đủ qua các nghi lễ: lễ dạm hỏi, lễ cưới, lễ lại mặt), nếu không coi như đã chấm dứt, các cô lại được tự do tìm hiểu người phù hợp với mình.
Hương Giang
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn