(05/10/2021) Đánh thức tiềm năng du lịch Văn Bàn - Lào Cai
Huyện Văn Bàn cách thành phố Lào Cai khoảng 68km về hướng nam đi theo đường quốc lộ 279. Huyện Văn Bàn có phía tây giáp với huyện Than Uyên, phía đông giáp với huyện Văn Yên, phía bắc giáp với thị xã Sa Pa, Bảo Thắng, Bảo Yên, phía nam giáp huyện Mù Cang Chải. Huyện có diện tích 1,435km2, chủ yếu là đồi núi, rừng nguyên sinh với thảm thực vật đa dạng, chỉ có 10% là thung lũng. Dân số toàn huyện khoảng 90,000 người, bao gồm 11 nhóm dân tộc cùng sinh sống, tạo lên kho tàng văn hóa truyền thống phong phú.
Rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú
Trên địa bàn huyện có 03 di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia: Gồm: Di sản “Khắp nôm” làn điệu dân ca của dân tộc Tày; Lễ hội “Lồng tồng” của người Tày; Lễ cầu làng “Áy lay” của người Dao. Huyện cũng có 01 di tích lịch sử cấp quốc gia là di tích đền Cô - Tân An, 02 di tích lịch sử được UBND tỉnh cấp Bằng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh gồm: Di tích lịch sử đền Ken (thông Chiềng Ken), khu di tích lịch sử Pú Gia Lan (xã Khánh Yên thượng) và rất nhiều các điểm tham quan khác.
Văn Bàn hiện còn giữ được diện tích lớn rừng nguyên sinh ở các xã Nậm Tha, Liêm Phú, Nậm Xé… Những cánh rừng bạt ngàn cây cổ thụ cùng với hệ sinh thái rừng đa dạng là điểm đến cho những du khách ưa trải nghiệm khám phá thiên nhiên và đi bộ dã ngoại.
Những ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày
Nhiều xã tại huyện Văn Bàn vẫn giữ những nét văn hóa truyền thống của người dân bản địa, đặc biệt là dân tộc Tày và Dao đỏ. Đối với người Tày, kho tàng văn hóa truyền thống được đúc kết qua nhiều thế hệ vẫn được người dân giữ gìn và lưu truyền cho các thế hệ trẻ. Tại các xã như Chiềng Ken, Dương Quỳ, Khánh Yên Trung… nét văn hóa đặc trưng là nhà sàn truyền thống vẫn là một điểm nhấn hấp dẫn khách du lịch.
Cánh đồng lúa tuyệt đẹp ở xã Dương Quỳ
Đến với bản làng người Tày, du khách dễ dàng nhìn thấy hình ảnh những ngôi nhà lợp mái cọ nằm san sát, ẩn hiện sau những tán lá cọ. Những ngôi nhà đã in màu thời gian thường có thế lưng tựa vào núi, mặt hướng ra cánh đồng hoặc sông suối. Dưới nếp nhà sàn là những nét văn hóa tiêu biểu đang được bảo tồn, như Khắp Nôm, Mo Then, Pí Lè, Mo Tham Thát, Lễ hội xuống đồng, Lễ cúng rừng, Lễ cấp sắc, cầu làng...
Ẩm thực truyền thống mang đậm hương vị bản địa với nhiều món ăn như bánh chưng đen, mọc cá, nộm rau dớn, cá nướng… được chế biến dưới bàn tay khéo léo của người dân tạo nên những nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của Văn Bàn.
Nộm rau dớn, món ăn truyền đặc sắc Văn Bàn
Với nhiều tiềm năng du lịch hấp dẫn như vậy, nhưng hàng năm Văn Bàn chỉ đón một lượng khách rất khiêm tốn, mà chủ yếu là khách đến tham quan, lễ bái tại đền Cô, đền Ken. Các khu du lịch sinh thái, cộng đồng, giá trị văn hóa truyền thống vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của du khách.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến du lịch Văn Bàn chưa phát triển như: Hệ thống giao thông xuống cấp, nhiều xe tải lớn chạy trên tuyến đường 279 gây ra tình trạng ùn tắc ảnh hưởng tới lịch trình tham quan của du khách; Công tác quảng bá, xúc tiến, giới thiệu các sản phẩm du lịch tới du khách còn chưa được đầu tư, chú trọng; Chuỗi cung ứng các dịch vụ du lịch còn tự phát, manh mún nên chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách…
Để tận dụng và khai thác những tiềm năng du lịch hấp dẫn tại địa phương, huyện Văn Bàn sẽ phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Văn Bàn qua các phương tiện thông tin đại chúng; Đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống đường giao thông đến trung tâm thị trấn, và đường kết nối đến các điểm du lịch của huyện; Đầu tư tôn tạo hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa; Bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống như nhà sàn, văn hóa, lễ hội, ẩm thực, nghề truyền thống; Đầu tư cải tạo cảnh quan, giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp…Có như vậy, những nét đẹp còn hoang sơ, thuần khiết của Văn Bàn mới được đông đảo du khách chú ý và tìm đến trải nghiệm khi đến với Lào Cai.