Bảo tàng Sa Pa – Nơi lưu trữ bản sắc văn hóa dân tộc
Bảo tàng nằm tại 02 fansipan, giữa trung tâm thị trấn Sa Pa, trong khuôn viên của Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai. Tới đây, du khách sẽ được tìm hiểu rõ hơn về nền văn hoá độc đáo của các dân tộc sinh sống tại Sa Pa qua các giai đoạn lịch sử.
Bảo tàng được trưng bày rất nhiều mẫu hiện vật như tư liệu lịch sử về Sa Pa qua các thời kì, tranh ảnh, các vật dụng làm nông của dân tộc vùng cao.Những tượng gỗ tái hiện lại phong tục tập quán, nếp sống sinh hoạt, lễ hội, cưới hỏi của dân tộc người Mông, Dao, Tày chắc chắn sẽ để lại nhiều ấn tượng cho du khách.
Tới tầng 2 bảo tàng, du khách sẽ được tìm hiểu nghi lễ cưới hỏi của dân tộc Dao đỏ, hình ảnh cô dâu chú rể khoác những trang phục dân tộc, đầu quấn khăn đỏ…được tái hiện lại qua các tượng gỗ.
Tái hiện nghi lễ cưới hỏi dân tộc Dao đỏ
Bên cạnh đó, mô hình ngôi nhà trình tường được lợp mái rơm của người Hà Nhì, nhà đất của người Mông cũng được trưng bày tại bảo tàng để du khách có thể tham quan, tìm hiểu rõ hơn về nét đẹp đời sống văn hoá vùng núi cao. Không gian tái hiện lại văn hoá tín ngưỡng thông qua các gian bàn thờ của các gia đình dân tộc thiểu số lại là nơi khiến du khách không thể bỏ qua khi tới bảo tàng.
Mô hình tái hiện bàn thờ của các gia đình dân tộc thiểu số
Mô hình nhà trình tường của người Hà Nhì
Nếu bạn là “tín đồ” của thổ cẩm hay những vật dụng thủ công mĩ nghệ thì tới tầng 1 bảo tàng cũng có trưng bày rất đa dạng các sản phẩm được người dân bản địa làm bằng tay rất tỉ mỉ và bạn có thể mua về làm quà tặng cho bạn bè, người thân sau chuyến du lịch tại đây.
Bảo tàng mở cửa đón khách sáng từ 7h30 đến 11h30, chiều từ 13h30 đến 17h00 và không mất vé tham quan. Đây
là một điểm đến lý tưởng khi mang cả nét văn hóa và phong tục tập quán lâu đời của người dân tộc thiểu số vùng núi cao. Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn về nét đẹp văn hóa của núi rừng Sapa, đừng bỏ qua điểm tham quan này nhé.