Tổng quan về các dân tộc Bắc Hà
Bắc Hà xuất phát từ cụm từ tiếng Tày "Pạc ha" nghĩa là "trăm bó gianh". Thời thuộc Pháp, người Pháp ghi lại âm Pạc ha bằng chữ cái latinh thành Pakha. Người Việt đọc chệch thành Bắc Hà và từ đó Bắc Hà trở thành tên gọi chính thức của vùng đất này. Bắc Hà có diện tích 681 km², dân số của trên địa bàn toàn huyện trên 50% là 67.035 người (tính đến hết 2020). Trong đó người dân tộc thiểu số chiếm tới trên 81,3%, dân tộc Tày có 6825 người, dân tộc Mông có 31297 người, dân tộc Dao có 9431 người, dân tộc Nùng có 5676 người, dân tộc Phù Lá có 2099 người, dân tộc La Chí 646 người.
Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc sắc riêng… Chính những nét đặc sắc của từng dân tôc đã góp phần giúp cho Bắc Hà trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Dân tộc Mông
Mông là một trong những dân tộc thiểu số có dân số đông nhất ở Bắc Hà. Người Mông là cư dân trồng trọt, rất thạo nông nghiệp, họ sống trên đỉnh núi cao và có hai hình thức canh tác là làm nương rẫy và trồng lúa nước. Họ biến những sườn đồi, sườn núi thành những thửa ruộng bậc thang để trồng lúa nước. Người Mông có tập quán cư trú tập trung, rất ít khi sống xen kẽ với các dân tộc khác. Nhà của người Mông bao giờ cũng dựng trên các triền núi, được làm bằng đất trình tường. Do sinh sống ở vùng khí hậu lạnh nên nhà của người Mông thường thấp và không có cửa sổ, ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Người Mông cho rằng mọi vật đều có linh hồn và ngôi nhà cũng như vậy. Trong ngôi nhà có thần cửa, thần cột, thần bếp, ma nhà để bảo vệ người Mông trước mọi thế lực.
Người Mông là dân tộc theo chế độ phụ hệ. Tính phụ quyền trong gia đình người Mông rất mạnh, người đàn ông đóng vai trò quyết định mọi việc trong gia đình và là người thừa kế tài sản trong gia đình. Người phụ nữ không được thừa kế tài sản trong gia đình, khi lấy chồng thì thứ tài sản duy nhất người con gái được mang về nhà chồng là những đồ trang sức bằng bạc và váy áo. Đối với người Mông thì thiết chế dòng họ đóng vai trò rất quan trọng. Trong một họ bao giờ cũng có một người trưởng họ, mỗi khi có vấn đề gì xảy ra trong làng thì người ta có thể tìm đến người trưởng họ là người am hiểu luật lệ, lí lẽ nhất trong họ đó.
Người Tày
Người Tày ở Bắc Hà sống tập trung ở một số xã như: Tà Chải, Bản Liền. Là cư dân nông nghiệp có truyền thống làm ruộng nước, từ lâu đời đã biết thâm canh và áp dụng rộng rãi các biện pháp thuỷ lợi. Ngoài lúa nước người Tày còn trồng lúa khô, hoa màu, cây ăn quả... Chăn nuôi phát triển với nhiều loại gia súc, gia cầm. Trong các ngày tết, ngày lễ thường làm nhiều loại bánh trái như bánh chưng, bánh giày, bánh gai, bánh dợm, bánh gio, bánh rán, bánh trôi, bánh khảo...
Bộ y phục cổ truyền của người Tày làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm, hầu như không thêu thùa, trang trí. Ngôi nhà truyền thống của người Tày là nhà sàn, lợp ngói, tranh hay lá cọ. Xung quanh nhà thưng ván gỗ hoặc che bằng liếp nứa.
Người Tày có những nét văn hóa nghệ thuật độc đáo như nghệ thuật Xòe (The), đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2015. Trong năm người Tày có nhiều nghi lễ quan trọng, đặc biệt vào đầu năm có lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng) thu hút đông đảo du khách và ngươi dân trong vùng tham gia. Trong nhiều nơi tổ chức ném còn, kéo co, đánh đu, bắn nỏ…
Người Nùng
Người Nùng ở Bắc Hà thuộc nhóm Nùng Dín. Cũng giống như người Tày, người Nùng cũng là cư dân nông nghiệp, trồng lúa nước và canh tác nương.  Người Nùng ở Bắc Hà mặc áo năm thân màu chàm và quần, áo ngắn đủ che mông, áo được may rất rộng cả phần thân và tay, giúp cho cử động được thoải mái. Vào ngày lễ phụ nữ Nùng mặc váy.
Trong năm có 2 tết lớn nhất trong năm là tết Nguyên đán và tết 14/7. Ngoài ra, đồng bào còn ăn tết vào các dịp: mùng 3/3 - tết Thanh minh; mùng 5/5 - tết Đoan ngọ.
Đồng bào Nùng có tổ chức mừng sinh nhật, không có tục giỗ, thông thường những người từ 60 tuổi trở lên được tổ chức lễ sinh nhật.
Người Nùng nổi tiếng điệu múa ngựa. Trước kia, người Nùng Dín chỉ múa ngựa giấy trong đám hiếu, thể hiện sự biết ơn của người đang sống với người đã mất.  Ngày nay, điệu múa ngựa giấy còn được biểu diễn trong những dịp vui, như ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, lễ hội, tết cổ truyền.
Người Dao
Người Dao ở Bắc Hà chủ yếu là người Dao Đỏ, cư trú ở xã Nậm Đét. Trong năm có nhiều nghi lễ, đặc biệt là lễ Nhảy Lửa vào đầu năm mới, lễ cấp sắc vào cuối năm. Lễ Nhảy Lửa là dịp để người dân tạ ơn tổ tiên, cầu chúc cho mùa màng tươi tốt và cuộc sống no đủ, thường được tổ chức trong đêm vào dịp đầu năm mới và được tổ chức theo dòng họ, do trưởng họ chủ trì. Lễ cấp sắc là nghi lễ quan trọng trong đời người, đánh dấu sự trưởng thành của của người đàn ông. Nếu như chưa tổ chức lễ cấp sắc thì người đàn ông dù nhiêu tuổi vẫn chưa được coi là người trưởng thành. Lễ cấp sắc có nhiều cấp bậc, 3 đèn, 7 đèn, 9 đèn, 12 đèn. Ngươi đàn ông Dao đa phân đều trải qua lễ cấp sắc 3 đèn.
Phan Phượng
  • Các trò chơi dân gian ở Bắc Hà (11/30/2021)
  • (09/04/2021) Nghề làm tranh thờ của người Dao Đỏ (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (04/09/2021)
  • (08/04/2021) Đôi nét về đạo Mẫu ở Việt Nam và sự gắn bó của văn hóa - tín ngưỡng đạo Mẫu với du lịch Lào Cai (04/08/2021)
  • (31/03/2021) Bàn thờ của thầy cúng người Mông ở Sa Pa (03/31/2021)
  • (30/03/2021) Cây khèn của người Mông (03/30/2021)
  • (29/03/2021) Lào Cai kích cầu du lịch cùng chuỗi sự kiện hấp dẫn tháng 5 tại Hà Nội (03/29/2021)
  • (26/03/2021) Độc đáo lễ cúng rừng của người Hà Nhì – Bát Xát Lào Cai (03/26/2021)
  • (25/03/2021) Kéo vợ của người Mông ở Sa Pa (03/25/2021)
  • (16/03/2021) Lễ cúng Tú Tỉ (Lễ cúng thổ địa bản làng) của người Giáy Lào Cai (03/16/2021)
  • (30/7/2020) Nét độc đáo trên trang phục truyền thống người Mông (07/30/2020)
  • (21/4/2020) Trang sức bạc nét đẹp độc đáo trên trang phục dân tộc Dao đỏ Lào Cai (04/21/2020)
  • (08/4/2020) Nét văn hóa độc đáo của người Hà Nhì Đen ở Y Tý (Bát Xát) (04/08/2020)
  • (07/4/2020) Rực rỡ sắc màu thổ cẩm Lào Cai (04/07/2020)
  • (12/2/2020) Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Nghề làm trống của người Dao Đỏ Sa Pa (Lào Cai) (02/12/2020)
  • (30/11/2019) "Hà Gừ" - linh vật huyền bí của người Hà Nhì ở Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) (11/23/2019)
  • THÔNG TIN LIÊN HỆ
    CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
    Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
    Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
    Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

    Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
    Sốđiện thoại: 02143.669898;

    Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn