Du lịch Sa Pa mùa Xuân khám phá những Lễ hội truyền thống
Mỗi mùa Sa Pa đều mang một vẻ đẹp riêng, đem lại cho du khách những điều thú vị nhất. Đặc biệt, Vào mùa Xuân nơi đây lại thu hút du khách với tiết trời ấm áp cùng với nhiều lễ hội đặc sắc tạo ra cơ hội cho du khách trải nghiệm phong tục tập quán tại Sa Pa.
1. Lễ hội Xuống đồng vào dịp đầu Xuân
Đông đảo người dân địa phương và du khách trải nghiệm lễ hội
Lễ hội xuống đồng Sa Pa hay còn gọi là lễ hội Lồng Tồng. Đây là lễ hội của dân tộc Tày, Dao, được tổ chức nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, đời sống của dân làng hạnh phúc, ấm no. Chắc chắn du khách sẽ không thất vọng khi tham gia ngày hội xuống đồng truyền thống này bởi đây là lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc như rước nước, rước đất, cày đồng, lễ cúng, ném còn… Đây cũng được coi là một phần bản sắc đặc trưng nơi Sa Pa huyền ảo, tiếp thêm cho người dân sinh lực mới trong sản xuất, cũng như gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ hội thường được tổ chức vào khoảng mồng 8 Tết, nếu tới Sa Pa du xuân vào dịp đầu Xuân hãy ghé qua bạn nhé.
2. Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông
Lễ hội Gầu Tào được diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc
Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của người Mông. Trong truyền thuyết, những ai không có con hoặc con bị ốm đau thì gia đình sẽ tổ chức cúng thần núi và xin làng tổ chức lễ hội. “Gầu Tào” với mục đích là cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ ban cho gia đình sự khỏe mạnh, thịnh vượng, cầu phúc, cầu lộc ban cho dân bản, mở hội tạ ơn trời đất, núi sông đã ban cho tài lộc, mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng… Đây cũng là dịp để bà con trong bản tụ họp, vui chơi chuẩn bị bước vào một năm mới, một mùa canh tác mới. Lễ hội Gầu Tào thường được tổ chức từ ngày mùng 2 đến ngày mùng 4 Tết Âm Lịch.
3. Lễ quét làng của dân tộc Xa Phó
Lễ quét làng của người Xá Phó ở Lào Cai được tổ chức hàng năm, với mong muốn cầu cho cuộc sống dân làng năm mới được bình yên, chăn nuôi thuận lợi, hoa màu sinh sôi nảy nở. Lễ hội còn như một thông điệp cầu mong nhiều sức khỏe, đầy niềm vui và no đủ cho chính dân làng nơi đây.
Lễ hội thường được diễn ra vào ngày ngọ, ngày mùi vào tháng 2 âm lịch hàng năm. Đến ngày tổ chức, người dân trong làng sẽ tập trung ở một bãi đất trống rộng nhất làng và tiến hành đầy đủ các nghi lễ của lễ hội. Tất cả mọi người trong làng từ già, trẻ, gái trai đều phải tham gia.
Nếu tới Sa Pa vào dịp đầu Xuân này, quả là một dịp trải nghiệm về nét đẹp văn hóa dân tộc vùng núi cao đáng nhớ. Mong rằng, với các thông tin về lễ hội Du lịch Lào Cai gửi bạn trên đây sẽ giúp bạn có một chuyến du xuân thật hạnh phúc, ý nghĩa bên người thân và gia đình.