VAI TRÒ CỦA NGÀNH VĂN HÓA TRONG VIỆC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC
Với hơn 20 dân tộc anh em, Lào Cai được sở hữu một kho tàng văn hóa dân gian phong phú, rực rỡ sắc màu với các lễ hội truyền thống đặc sắc, kho tàng truyện kể, thơ, dân ca, nghề thủ công, phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa… Nhiều năm qua, tỉnh Lào Cai nói chung và ngành văn hóa nói riêng luôn chú trọng công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Trước làn sóng đô thị hóa, trong điều kiện mở cửa và giao thương phát triển mạnh, di sản văn hóa các dân tộc có nguy cơ bị mai một nhanh chóng. Một vấn đề đặt ra là phải bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc ít người ở Lào Cai. Để thực hiện công tác này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành khảo sát thống kê từ cơ sở các loại hình di tích, danh lam thắng cảnh. Đồng thời khảo sát ở 2.000 làng trong thời gian 10 năm nhằm tổng kiểm kê hệ thống di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, đã chú trọng phân loại các loại hình di sản văn hóa phi vật thể chủ yếu như nghệ thuật dân gian, tri thức dân gian, các nghề thủ công, các lễ hội và phong tục tập quán, chữ viết và ngôn ngữ các dân tộc ít người.. Trên cơ sở thống kê phân loại các di sản, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai đã cùng với người dân ở các làng, bản đã tiến hành bảo tồn, phục dựng các di sản văn hóa tiêu biểu. Một số lễ hội trước kia bị cấm tổ chức nay đã trở thành hội có quy mô lớn của cả vùng như lễ hội “Gầu tào” của người Hmong, lễ hội rước đất rước nước của người Tày, lễ hội “Khu già già” của người Hà Nhì... Nhiều lễ hội đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đón nhiều du khách nước ngoài đến tham quan như lễ hội Đền Thượng ở Thành phố Lào Cai, lễ hội “Gầu tào” ở xã Pha Long, huyện Mường Khương, lễ hội “Gioóng poọc” của người Giáy ở xã Tả Van, huyện Bát Xát...

Xác định di sản văn hóa ở Lào Cai trở thành nguồn lực phát triển kinh tế xã hội nên tỉnh Lào Cai đã xây dựng chương trình “biến di sản thành tài sản”. Ở các huyện Bắc Hà, Sa Pa, Mường Khương đều xây dựng các làng văn hóa du lịch. Mỗi một làng khi tiến hành xây dựng trở thành một điểm du lịch đều bảo tồn các di sản văn hóa. Đồng thời hệ thống các ngành nghề thủ công truyền thống của các dân tộc cũng được khơi dậy, đầu tư sản xuất các đồ lưu niệm, các sản phẩm phục vụ du lịch. Nhờ tìm ra sắc thái riêng nên mặt hàng thổ cẩm người Hmông, người Dao ở Sa Pa vẫn được đông đảo du khách ưa chuộng, thu hút hàng nghìn lao động phụ nữ tham gia, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Xuất phát từ nhận thức mỗi một vùng, mỗi một cộng đồng tộc người đều có một sản phẩm riêng mang dấu ấn văn hóa, tỉnh Lào Cai đã xây dựng chương trình “từ di sản trở thành đặc sản”. Các làng bản, các cộng đồng tộc người ở Lào Cai đều khai thác các ngành nghề thủ công, các cây con thế mạnh...nhằm xây dựng thành các đặc sản mang dấu ấn văn hóa tộc người. Các đặc sản này lại góp phần xóa đói giảm nghèo cho các cộng đồng tộc người. Điển hình như 4 xã vùng cao huyện Mường Khương đã bảo tồn được giống lúa Séng Cù trở thành đặc sản, xây dựng được thương hiệu, nâng giá thành lên gấp 2 đến 3 lần. 26 hộ gia đình người Dao ở thôn Shán Lùng (Bát Xát) đã bảo tồn loại rượu Shan Lùng trở thành đặc sản cung cấp cho Lào Cai với giá thành gấp 3 lần trước đây.
Năm 2011, Đề án “Phát triển thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015” được triển khai.  Việc xây dựng Đề án luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, sự đồng tình ủng hộ, thực hiện của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Chính vì thế, Đề án đã thu được nhiều kết quả, đời sống tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và bản sắc văn hóa các dân tộc luôn được giữ gìn, phát huy, tạo đà cho sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Trần Hữu Sơn, giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc ở vùng đồng bào các dân tộc ít người là một nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, nhưng ở các tỉnh biên giới như Lào Cai nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa càng trở thành cấp bách hơn. Vì đó còn là nhiệm vụ góp phần nâng cao ý thức quốc gia, đề cao tinh thần dân tộc, bảo vệ chủ quyền biên giới. Mặc dù, ngành văn hóa giữ vai trò nòng cốt trong việc bảo tổn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc nhưng về lâu dài, việc cần làm là nâng cao nhận thức cho lớp trẻ, cho đồng bào dân tộc thiểu số hiểu giá trị văn hóa dân tộc mình, để chính họ tự bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc mình.
Hạ Âu
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn