Cách làm hương của đồng bào dân tộc Mông huyện Si Ma Cai
Bước vào dịp cuối năm, đồng bào Mông ở huyện Si Ma Cai lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu làm hương cho dịp lễ, tết. Nghề làm hương là nghề truyền thống có từ rất lâu đời ở Seo Khai Hóa, Sán Chải, huyện Si Ma Cai, không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông.
Nghề làm hương góp phần gìn giữ nét đẹp văn hoá dân tộc
Người Mông làm hương khá cầu kỳ, nguyên liệu chủ yếu là thân cây gỗ mục màu nâu đỏ có tên (Móng tông) được giã nhỏ mịn thành bột, 1 loại vỏ cây chất tạo độ dính gọi là (lem). Hai loại bột được chộn với nhau theo tỷ lệ 1:8 (8 phần bột Móng tông thì 2 phần bột lem). Ngoài việc chọn và chộn nguyên liệu thì việc chọn và trẻ tăm hương cũng rất quan trọng, phải chọn loại cây tre hoặc cây mai, cây vầu dóng dài, thẳng khi trẻ phải lựa đều tay mới có tăm hương đẹp. Việc làm hương này chủ yếu do chị em phụ nữ đảm nhiệm bởi cần sự nhanh nhậy và khéo léo của đôi bàn tay thoăn thoắt, lúc xòe bó nan tre ra thành hình phễu, tung bột hương, lúc chụm lại, nhúng vào thùng nước tạo độ ướt quy trình này lặp lại 5 lần mới tạo nên những que hương đều, tròn đẹp, trăm cây như một.
Các que hương được đồng bào làm tròn đẹp
Công đoạn quan trọng nhất quyết định trực tiếp đến chất lượng sản phẩm hương là bột hương. Để bột hương tốt thì cây hương phải chọn đúng loại già, ít sâu bệnh, nguyên liệu phải được rửa sạch trước khi phơi khô, nghiền nhỏ thành bột có màu xanh rêu, khi nào bột thật mịn mới đạt tiêu chuẩn. Hương của đồng bào Mông ở Si Ma Cai làm từ nguyên liệu tự nhiên, chế biến hoàn toàn thủ công, điều này tạo nên sản phẩm hương trầm chất lượng, có mùi thơm nhẹ, được nhiều người ưa chuộng
Với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Si Ma Cai nói riêng và Lào Cai nói chung đa phần họ tự làm hương để thắp và thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng của dân tộc mình. Để làm hương thì mỗi dân tộc lại chọn cho mình nguyên liệu khác nhau để làm với người Giáy thì chọn loại cây ở rừng có vỏ đốt thơm mùi hương để làm nguyên liệu chính người Giáy gọi là (máy năng giêng) và loại vỏ cây chất tạo keo mọc ở ven suối hoặc những nơi có độ ẩm cao. Với người Tày, Nùng trước kia họ cũng tự làm hương để thắp với những nguyên liệu vỏ cây nghiến đỏ, mùn cưa, cây thung… để tạo mùi và chất và lên rừng tìm lá dính (còn gọi là lá Bơ hắt) có nhiều nhựa, mọc thành bụi ven khe suối. Ngày nay hầu hết các dân tộc Tày, Nùng, Phù Lá, Dao….không làm hương mà chỉ mua của dân tộc Mông về thắp vào các dịp ngày lễ, tết.