Được mệnh danh là “cao nguyên trắng” huyện Bắc Hà là điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn với du khách thập phương. Tới đây, du khách sẽ được khám phá nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, thưởng thức ẩm thực vùng cao độc đáo, nổi bật là điệu xòe của dân tộc Tày nơi đây.
Hòa mình vào điệu Xòe của người Tày Bắc Hà vào dịp đầu xuân
Từ khoảng thế kỷ XVII, điệu xòe được phát triển từ phần hội trong các nghi lễ làm than, cầu mùa… của dân tộc Tày. Đây là nét sinh hoạt văn hóa quan trọng của đồng bào dân tộc Tày Bắc Hà.
Múa xòe gồm nhiều điệu thức như xòe khăn, xòe quạt, xòe nón, xòe sạp... Các điệu xòe đều khởi nguồn từ hiện thực cuộc sống, của lao động sản xuất như gánh nước, xay thóc, giã gạo, hái rau, bắt cá…đồng thời thể hiện tình đoàn kết cộng đồng. Hòa mình vào điệu xòe,mọi người cùng nắm tay nhau vừa hát vừa nhảy múa say sưa theo nhịp theo cồng chiêng, tiếng khèn rộn rã lúc trầm, lúc bổng với tiếng hát "Inh lả ơi", "Múa xòe hoa"... ngân vang núi rừng Tây Bắc.
Đến với Bắc Hà, vào khoảng mùng 3 tháng Giêng và 15 tháng Giêng âm lịch, du khách sẽ được hòa mình vào các lễ hội truyền thống đầu năm mới của người Tày trong đó có điệu xòe Then. Đây là loại hình nghệ thuật với sự tham gia của nhiều lứa tuổi khác nhau. Điệu xòe được diễn ra tại phần Lễ, thầy Then sẽ làm nhiệm vụ chủ trì cúng thần thánh và các cô gái đồng vào dân tộc Tày tham gia hát Then, xòe Then bên cạnh thầy cúng. Khi những cơn mưa xuân vẫn đang lất phất, tiết trời vẫn lành lạnh, dưới những cây hòa đào nở rộ, thì từng vòng tay đan xen với nhau nhảy múa bên đống lửa đã trở nên một nét văn hóa vô cùng đặc sắc của người dân tộc Tày nơi đây.
Điệu xòe trong phần lễ đầu năm tại xã Tà Chải
Điệu Xòe Tà Chải là sự kế thừa và phát huy của bao thế hệ, đời ông cha đi trước truyền lại cho đời con cháu theo sau. Những thế hệ nghệ nhân đầu tiên đã khuất núi nhưng đã để lại nét đẹp ấy cho các thế hệ sau, “tre già măng mọc”, những “cây đại thụ” xòe trên Tà Chải vẫn ngày ngày truyền dạy cho con cháu đời sau những làn điệu xòe truyền thống, giữ gìn hồn sắc dân tộc Tày nơi đây. Tiếng kèn, tiếng trống của ông, của cha như nhịp ru những đứa trẻ từ vành nôi, lớn lên đôi chút, đứa trẻ được ngắm nhìn điệu xòe của bà, của mẹ. Cứ vậy, vòng xòe của người Tày càng ngày càng rộng hơn, bởi thêm nhịp điệu, vòng tay của những thế hệ trẻ đang tiếp bước những điệu xòe truyền thống của cha ông.
Du khách được chìm đắm trong điệu xòe nón của đồng bào dân tộc Tày
Điệu Xòe của người Tày nơi đây không chỉ dừng lại đơn thuần là món ăn tinh thần truyền thống bao đời của đồng bào nơi đây, mà còn là niềm tự hào, vinh dự của một dân tộc có bề dày văn hóa, là nét đẹp gọi mời du khách gần xa đến với Tà Chải để được đắm say trong những điệu xòe.