(30/03/2021) Cây khèn của người Mông
Bên cạnh đời sống tâm linh đặc sắc người Mông còn rất chú trọng đời sống văn hóa tinh thần và họ rất yêu thích văn nghệ. Người con trai Mông ngoài việc làm nương giỏi còn phải biết thổi sáo, múa khèn. Người thổi khèn giỏi sẽ có uy tín trong làng hơn.

Chiếc khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ; khèn của người Mông vừa là âm nhạc kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh vừa là phương tiện kết nối cộng đồng, chia sẻ tâm tư tình cảm với tinh thần lạc quan yêu đời. Khèn do chính những người đàn ông Mông kỳ công tạo ra. Để làm ra một chiếc khèn thực sự tốn không hề ít thời gian; từ khâu đục bầu gỗ, lựa ống khèn, rèn lưỡi gà bằng đồng với nhiều công đoạn hết sức phức tạp, đòi hỏi sự kỳ công của người thợ. Khèn gồm 6 ống trúc rỗng ruột với độ dài khác nhau nối với 1 ống trúc dọc qua bầu gỗ nhỏ, mỗi ống trúc ngang đều có khoét lỗ và gắn 1 lá đồng để tạo âm thanh, riêng ống to và ngắn nhất gắn 2 lá đồng. Khi thổi, âm thanh trầm, bổng sẽ phụ thuộc vào độ dài, ngắn của các ống trúc này.

Nghệ nhân khèn Mông
Khèn dùng để thổi trong đời sống hàng ngày hay trong các dịp như: các lễ hội đầu năm, hội xuân, chợ phiên, gọi người yêu (người phụ nữ Mông phân biệt rất giỏi, biết được tiếng khèn nào của người mình yêu), văn nghệ (trừ đám cưới). Đặc biệt, cây khèn là vật không thể thiếu trong tục lệ ma chay, bởi người Mông quan niệm, tiếng khèn là công cụ để người sống và người đã khuất có thể giao tiếp với nhau và linh hồn mới được đưa về tổ tiên.
Nghệ thuật trình diễn khèn cũng được thể hiện rất đặc sắc, đó là sự kết hợp giữa âm thanh và động tác của người múa khèn. Người đàn ông Mông say sưa thể hiện các bài khèn cùng với những động tác nhuần nhuyễn và biến hóa vô cùng sinh động không chỉ đòi hỏi sự khéo léo mà còn đòi hỏi sức khỏe tốt. Múa khèn không chỉ múa đơn, múa đôi cùng các cô gái mà có thể là bốn người hoặc hơn, khi múa khèn với nhau chân đá đều, khỏe và nhịp nhàng phù hợp với điệu khèn.

Khèn Mông trong cuộc sống
Múa khèn thể hiện bản sắc văn hóa riêng biệt, độc đáo của cộng đồng người Mông nói chung và người Mông Sa Pa nói riêng. Đồng thời, những giá trị văn hóa, tinh thần này đã nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, mang ý nghĩa thiết thực về tính nhân văn, tính cộng đồng cao, là nét đẹp văn hoá góp phần thúc đẩy và làm giàu cho nền văn hóa của các dân tộc ở mỗi địa phương.
 
Phương Chi (ảnh: Dương Toản)
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn