Du lịch nghỉ dưỡng sức khỏe gắn với thảo dược và nông nghiệp –hướng đi mới của Bát Xát
Du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe đang phát triển mạnh trên thế giới, đặc biệt sau đại dịch vovid -19. Với tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, khí hậu điều kiện địa lý cùng nguồn tài nguyên địa chất, khoáng sản dược liệu phong phú huyện Bát Xát – Lào Cai đang có hướng đi mới trong phát triển du lịch nghỉ dưỡng sức khỏe gắn với thảo dược và nông nghiệp
Mùa lúa chín tại xã Y Tý - huyện Bát Xát
Với mong muốn phát huy và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế,cơ cấu lao động, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, thời gian qua huyện Bát Xát đã triển khai nhiều sản phẩm du lịch độc đáo. Tận dụng những nguồn lực, những ưu đãi của thiên nhiên, đồng thời nắm bắt được xu hướng du lịch của du khách, ngoài du lịch khám phá, trải nghiệm văn hoá, huyện Bát Xát còn phát triển các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp kết hợp với trải nghiệm du lịch. Qua đó, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, đa dạng phục vụ nhu cầu du khách, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Tại đây có thể phát triển nhiều mô hình hấp dẫn thu hút du khách trong tương lai như: Du lịch trải nghiệm làm nông dân; trải nghiệm trồng chăm sóc, thu hái thảo dược. Những sản phẩm dược liệu cũng là một đặc sản để du khách mua về sử dụng và làm quà cho người thân. Nguồn thu không chỉ đến từ việc bán thảo dược mà còn được tạo ra từ chính việc cho du khách trải nghiệm thảo dược.
Cây đương quy được trồng tại xã Trịnh Tường
Tại Bát Xát các nơi như : thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường tập trung phát triển trồng cây đương quy, xuyên khung và hoàng sin cô; Hai xã Mường Vi và Quang Kim trồng cây sả chanh và gừng tía; Tại thôn Sơn Hà, xã Bản Vược trồng cây màng tang; xuyên khung được tập trung trồng nhiều ở Y Tý; Sâm đất hoàng sin cô được bà con Hà Nhì trồng nhiều ở Y Tý; Trên địa bàn các loại cây thuốc tắm của người Dao Đỏ cũng phát triển thuận lợi, trải dài ở nhiều xã như Phìn Ngan, Dền Sáng, Trịnh Tường, Dền Thàng….Trên địa bàn xã Mường Vi có hợp tác xã Mường Kim chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm tinh dầu gừng tía, sả chanh….
Phát triển cây dược liệu trở thành sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe là xu thế mới trong xã hội hiện đại. Đây là hướng đi tiềm năng, không chỉ khai thác giá trị văn hóa, thế mạnh tự nhiên, xã hội của các địa phương, mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển dựa trên du lịch và thế mạnh dược liệu.