Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch ở Lào Cai như thế nào?
Hoạt động kinh doanh du lịch truyền thống dựa vào quản lý phân cấp, thủ công; quảng bá bằng tài liệu in ấn; xây dựng các văn phòng bán tour đẹp để du khách trải nghiệp trực tiếp. Hoạt động kinh doanh du lịch thời kỳ 4.0 dành sự tập trung nhiều hơn vào khách hàng và theo mô hình Chuỗi giá trị số (Digital value chain).
Vậy nếu không thích ứng với chuyển đổi số thì du lịch có sao không? “Ông tổ” ngành du lịch Thomas Cook phá sản ngày 23/09/2019, để lại món nợ lên tới 2,1 tỉ USD sau 178 năm tồn tại. Và một trong những hình thức kinh doanh ứng dụng chuyển đổi số đẩy Thomas Cook phá sản là Đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agent – OTA) như Booking, Agoda, Expedia, Traveloka, Klook,.... Điều này chứng minh một điều rằng: Thị trường du lịch đang cực kỳ cạnh tranh và những thay đổi, xu hướng mới giúp tinh giản bộ máy sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại của doanh nghiệp du lịch trong tương lai. Các ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp du lịch tối ưu hóa nhân sự, dễ dàng quản lý hệ thống, gia tăng hiệu suất công việc và nâng cao năng lực cạnh tranh. Không chỉ áp dụng trong quản lý kinh doanh, công nghệ còn tạo ra sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, tạo ra sự minh bạch và phát triển bền vững.
Ngày nay, du khách hiện đại luôn có xu hướng tìm kiếm sự tiện lợi để tiết kiệm thời gian. Do đó, trải nghiệm tương tác, booking dịch vụ du lịch tiện lợi mọi lúc mọi nơi chính là mong muốn của họ. Việc tối ưu hoá trải nghiệm của người dùng và các hoạt động của doanh nghiệp bằng cách cho phép khách hàng được truy cập liên tục các dữ liệu đa dạng để nắm bắt sản phẩm và dịch vụ sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu khách hàng một cách thuận lợi, tiết kiệm thời gian nhất.
Nắm bắt được xu hướng đó, Du lịch Lào Cai đã và đang ứng dụng công nghệ số để nâng cao trải nghiệm khách hàng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh thông qua các ứng dụng mobile như: ứng dụng du lịch thông minh tỉnh Lào Cai trên smartphone; bản đồ du lịch kỹ thuật số tỉnh Lào Cai trên smartphone; hướng dẫn viên ảo trên điện thoại thông minh; số hóa nội dung thuyết minh du lịch để tra cứu bằng mã QR trên smartphone; thanh toán du lịch điện tử trên điện thoại thông minh bằng Cổng du lịch thông minh laocaitourism.vn...
Đại diện tỉnh Lào Cai tham gia phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy CĐS khu vực Trung du và miền núi phía Bắc”
Thực tế cho thấy, nếu sử dụng thiết bị di động cùng phần mềm laocaitourism, du khách có thể lên kế hoạch cho toàn bộ chuyến đi: tự thiết kế tour, đặt lưu trú, vé tham quan, đặt dịch vụ, đến tìm kiếm thông tin về địa điểm tham quan, thanh toán trực tuyến… cho chuyến đi mà không cần tương tác trực tiếp với bất kỳ người nào.
Mặt khác, Lào Cai cũng từng bước sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo kho dữ liệu tư vấn du lịch Lào Cai. Lào Cai thực hiện số hóa dữ liệu tư vấn du lịch để tự động trả lời (kể cả đặt dịch vụ du lịch) du khách bằng tiếng Việt – Anh thông qua Chatbots tự động bằng âm thanh hoặc chữ viết 24/24h. Hiện tại đã triển khai trên Cổng du lịch thông minh và sử dụng các mạng xã hội để tăng tương tác. Số hóa dữ liệu xây dựng Ngân hàng số dịch vụ và sản phẩm du lịch Lào Cai (tài nguyên du lịch, khu điểm du lịch, di tích, văn hóa truyền thống, kiến trúc, ẩm thực, lễ hội, sự kiện du lịch, lưu trú, lữ hành, vận chuyển, điểm mua sắm, hàng lưu niệm du lịch….). Việc số hóa này chia thành 3 khâu: Thu thập dữ liệu về sản phẩm, khách hàng, địa điểm….; Chuyển các dữ liệu này thành các hiểu biết sâu sắc (insights); Chuyển các hiểu biết đó thành các hành động cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng tối ưu nhất. Đây cũng là nội dung mà doanh nghiệp du lịch mong muốn và có thể thực hiện khi tệp khách hàng của doanh nghiệp được xây dựng.
Lào Cai cũng tích cực ứng dụng kỹ thuật số để thống kê các yếu tố như: nhu cầu, thói quen, độ tuổi, giới tính, địa điểm yêu thích... của khách du lịch để ứng dụng trong quản lý nhà nước và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Lào Cai cũng ứng dụng công cụ kỹ thuật để đánh giá chất lượng, mức độ hài lòng của du khách đối với sản phẩm và dịch vụ du lịch tỉnh nhằm cải thiện chất lượng, trình độ, mức độ phục vụ, tính chuyên nghiệp của ngành v.v… Khách du lịch chia sẻ các ý kiến của họ một cách nhanh chóng thông qua mạng xã hội như Google+, Facebook, Tiktok, Zalo, TripAdvisor hay các trang web du lịch giúp các cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch hiểu rõ hơn mong muốn của du khách. Công cụ kỹ thuật này thúc đẩy các doanh nghiệp này quan tâm hơn đến chất lượng để tạo sự hài lòng của du khách, gây dựng uy tín thông qua điểm đánh giá của khách hàng. Ngoài ra đây cũng là kênh tham khảo, giúp khách hàng cảm thấy yên tâm khi chọn lựa một sản phẩm hoặc một dịch vụ du lịch.
Tỉnh cũng tích cực ứng dụng và chuyển đổi số để thực hiện E-marketing du lịch Lào Cai (gồm I-marketing, online marketing, web marketing) và xúc tiến du lịch số (outbound marketing – sử dụng kỹ thuật số để xúc tiến quảng bá bằng ảnh, email, video, tệp… và inbound marketing – dùng kỹ thuật số để thu hút du khách quan tâm, tiếp cận, thu hút tương tác, thích thú, hấp dẫn và tự đưa ra quyết định).
Đặc biệt, Lào Cai đang xây dựng và từng bước sử dụng ngân hàng tour tham quan ảo, điểm tham quan ảo, chuyến du lịch tương tác tỉnh Lào Cai với phần cốt lõi là hệ thống hình ảnh 360, video 360, ảnh Panorama, ảnh Flycam… Điều đó đã giúp cho du khách có thể hiểu rõ hơn về địa điểm sắp tham quan và truyền cảm hứng cho chuyến du lịch của mình.
Giao diện camera 360 trên Cổng du lịch thông minh tỉnh Lào Cai
Thời đại chuyển đổi số sẽ không còn tình trạng “Cá lớn nuốt cá bé” mà là “Cá nhanh nuốt cá chậm”. Lợi thế đang được san đều cho tất cả các thành phần tham gia vào ngành du lịch, yếu tố quyết định còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào trình độ, tư duy lãnh đạo của người đứng đầu ngành về chuyển đổi số du lịch. Chuyển đổi số - một bài toán khó, mới mẻ và khác biệt ở chính những doanh nghiệp, chính những quy trình, chính những dịch vụ du lịch đang ngày ngày ngày phát triển ở Lào Cai, khiến khả năng thích ứng đặt ra nhiều thách thức với người đứng đầu để đưa ra những quyết định đột phá, từ đó thúc đẩy phát triển ngành du lịch. Chỉ có thay đổi tư duy mới có thể tiếp cận và tận dụng được trọn vẹn những lợi ích từ chuyển đổi số. Và du lịch Lào Cai cũng không thể nằm ngoài xu thế này nếu coi đây là ngành kinh tế quan trọng có bước phát triển đột phá trong tầm nhìn đến năm 2030!