(29/8/2017) Trải nghiệm khám phá văn hóa người Hà Nhì
|
Con kênh uốn lượn tuyệt đẹp tại Mường Hum – trên đường đi Y Tý
(Ảnh: Hương Giang) |
Xã Y Tý nằm ở phía Tây huyện Bát Xát, là một xã vùng cao giáp biên giới với Trung Quốc. Cư dân ở đây bao gồm các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì. Đặc biệt là cộng đồng người Hà Nhì đen, một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam sinh sống tại đây. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Y Tý là những ngôi nhà hình vuông hoang sơ và độc đáo.
Theo chân anh bí thư xã, cả đoàn bước vào ngôi nhà với lớp tường dày ấm áp hơn hẳn không khí bên ngoài. Y Tý vốn cũng có khí hậu giống như Sa Pa, quanh năm mây phủ nên bức tường đất dày chính là một thứ “vũ khí” hữu hiệu giúp bà con nơi đây chống lại cái rét cắt da cắt thịt của vùng cao. Tò mò tìm hiểu về ngôi nhà này, tôi được anh bí thư chia sẻ, nhà trình tường phải được làm bằng loại đất núi có độ kết dính cao, sau đó chọn ván khuôn đặt xuống nẹp lại cho chắc như đổ bê tông. Tiếp theo, những người đàn ông khỏe mạnh trong làng sẽ đổ đất đã chọn vào khuôn gỗ ván, rồi cầm chày gỗ giã đến khi nào đất kết dính lại chắc với nhau. Có lẽ tên gọi “nhà trình tường” xuất phát từ yếu tố kỹ thuật này. Mỗi khuôn gỗ rộng 60cm, dài từ 2m đến 2,5m, cao 40cm. Hết lượt trình đất này người ta tháo khuôn và đặt tiếp lượt tiếp theo lên trên, cứ như vậy khoảng 5 – 6 lượt tầng ván khuôn là đủ. Ngôi nhà của người Hà Nhì theo truyền thống sẽ lợp mái bằng cỏ gianh hoặc rơm rạ.Vì thế mà nhìn từ xa, làng của người Hà Nhì đen giống như những tổ chim khổng lồ, và đúng là nó có sự ấm áp của một cái “tổ” thật. Nhưng vào mùa hè, lớp tường dày cũng giữ cho nhiệt độ trong nhà mát mẻ hơn bên ngoài khá nhiều. Với những ngôi nhà có tuổi đời từ vài chục đến hàng trăm năm, đi vào bên trong khiến chúng tôi có cảm giác như lạc vào một chốn xa xưa, có đôi chút huyền bí. Từng mảng tường đen bóng vì khói bếp từ bao năm, hình ảnh những cụ già ngồi trầm ngâm hút thuốc, và đôi mắt đen láy của các em bé nhìn những vị khách lạ khiến chúng tôi thật sự muốn giữ lại sự thanh bình cho nơi này.
|
Ngôi nhà trình tường truyền thống của người Hà Nhì (Ảnh: Gia Chiến) |
Rất may mắn cho đoàn công tác khi đến Y Tý vào đúng dịp bà con đang tổ chức Lễ hội Khô Già Già. Đây được coi là lễ hội cầu mùa lớn nhất trong năm của đồng bào, vì theo họ, tết nguyên đán chỉ mổ lợn, còn tết Khô Già Già thì mổ trâu. Vào ngày lễ, mỗi thôn bản sẽ cùng nhau tập trung mổ thịt một con trâu để hiến tế thần linh và chia đều cho tất cả các hộ dân trong làng. Các gia đình sẽ đem phần thịt trâu được chia về nhà và chế biến thành nhiều món khác nhau cùng với một số món khác làm lễ cúng tổ tiên. Sau đó, chủ các gia đình bày lễ vật lên mâm và mang đến rừng để tổ chức lễ cúng chung cùng cả làng. Lễ hội này thể hiện lòng thành kính và biết ơn sâu sắc của dân làng Hà Nhì đến các đấng thần linh vì đã che chở, bảo vệ cho làng, phù hộ cho họ có một cuộc sống no đủ. Lễ Khô Già Già được diễn ra ở một khu đất rộng để các gia đình có đủ chỗ để bày mâm cúng, đồng thời cũng là nơi tổ chức một số trò chơi dân gian rất thú vị như đu dây, bập bênh... Tôi cũng háo hức tham gia trò chơi bập bênh cùng đám trẻ trong làng, cảm giác rất “phiêu” và phấn khích bởi cây để làm bập bênh là một cây gỗ to và dài được đặt trên một trụ gỗ vững chắc, mỗi đầu có thể ngồi được vài người. Sau đó, những người phía dưới sẽ đẩy cho cây gỗ quay tròn, lên xuống nhịp nhàng mỗi lúc một nhanh, có lúc tôi được “bay” lên cách mặt đất đến vài mét. Tiếng hò hét có đôi chút sợ hãi của tôi hòa cùng tiếng cười đùa rộn vang của mọi người làm màn sương mù khá dày và lạnh như tan ra.
|
Trò chơi bập bênh trong lễ hội Khô Già Già (Ảnh: Thành Thế Vinh) |
Sau phần trải nghiệm lễ hội đầy cảm xúc, chúng tôi được mời về nhà anh bí thư xã người Hà Nhì ăn cơm tối. Trời lại tiếp tục đổ mưa, ai nấy đều cảm thấy se lạnh và cũng vì thế mà mọi người bắt đầu ngồi sát lại gần nhau hơn. Người Hà Nhì có cái mâm ăn cơm rất đẹp, được đan kín mặt phía bên trên và quây vòng tròn phía dưới tạo thành chân chắc chắn. Loại mâm nhỏ có thể ngồi 6 người, mâm to hơn có thể ngồi 8 người. Bữa cơm bên cạnh các món được mang về từ lễ cúng thần linh thì còn một số món khác gia chủ chế biến thêm để mời khách, trong đó tôi đặc biệt ấn tượng với một thứ đồ uống mà chỉ người Hà Nhì mới có – người ta gọi là Bia Hà Nhì. Khi anh chủ nhà rót bia ra chén, tôi phải đưa lên mũi hít hà vì mùi thơm hấp dẫn tỏa ra. Nhấp một ngụm nhỏ, vị ngọt thanh, cay nồng, thơm dịu và có một chút ga khiến tôi cảm thấy rất dễ chịu. Tôi vốn là người có “tửu lượng” thấp nên thường ngày rất ngại rượu bia, vậy mà với loại bia này, tôi hăng hái uống liền mấy chén. Tuy không “sốc” như một số loại rượu khác nhưng bia của người Hà Nhì cũng khiến tôi chuếnh choáng với đôi má ửng hồng. Để làm được loại bia đặc biệt này, bà con ở đây dùng gạo nếp cẩm thơm ngon đãi sạch sẽ cho vào ngâm nước rồi đồ thành xôi. Xôi chín thì tãi ra mẹt để nguội, tiếp đó trộn với loại men truyền thống được làm từ bột gạo nếp và một loại cây rừng. Khi đã trộn đều xôi và men, họ cho vào hũ sành bịt kín ủ trong 3 ngày, khi thấy phần cái nổi lên thì chế thêm nước sôi để nguội, và ủ tiếp khoảng hơn chục ngày nữa là sẽ được một mẻ bia thơm ngon với màu trắng đục hoặc vàng ngà. Loại bia này hiện tại người dân chỉ làm để phục vụ cuộc sống hàng ngày chứ không bán ra thị trường. Vì vậy, nếu muốn được thưởng thức bia của người Hà Nhì bạn không có cách nào khác là đến Y Tý cả.
|
Bia của người Hà Nhì (Ảnh: Thành Thế Vinh) |
Trong suốt bữa ăn, mọi người rôm rả nói chuyện về lễ hội thì tôi để ý đến một người khá trầm lặng nhưng rất ân cần chăm chút cho bữa cơm, đó là vợ anh bí thư cũng là người Hà Nhì. Chị không ăn cùng khách mà luôn đi ra đi vào để ý món này hết nóng thì cho vào hâm lại, món kia vơi lại lấy thêm ra, cứ thế trong suốt khoảng thời gian mọi người ăn uống và trò chuyện. Tuy gần như chị không nói gì vì vốn tiếng Việt chưa nhiều nhưng khuôn mặt hiện rõ vẻ mến khách rất dịu dàng.
|
Chị chủ nhà người Hà Nhì (Ảnh: Hương Giang) |
Không chỉ ấn tượng bởi vẻ chu đáo một cách cần mẫn của chị mà tôi còn rất để ý đến bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Hà Nhì mà chị đang mặc. Bộ trang phục gồm hai màu chủ đạo là màu xanh và màu chàm, được trang trí khá tỉ mỉ, đẹp mắt. Đặc biệt ở phần cánh tay được thêu những họa tiết đặc sắc. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì tôi được biết điểm ấn tượng nhất trong trang phục của người họ là chiếc mũ đội đầu. Chiếc mũ truyền thống được tết bằng đuôi ngựa chạy ngang trên trán tạo thành đoạn tóc giả trang trí rất bắt mắt. Chiếc mũ cũng thể hiện sự khác biệt giữa phụ nữ có chồng và phụ nữ chưa chồng. Nếu tóc giả và khăn đội lệch sang một bên là các cô gái chưa chồng, đội chính giữa đầu và có thêm mảnh khăn trên cùng là phụ nữ đã có chồng. Người Hà Nhì quan niệm, mảnh khăn trên đỉnh đầu là để giữ hồn lại, phụ nữ đã có chồng thì phải giữ hồn mình thật chặt.
|
Chụp ảnh lưu niệm cùng cô gái Hà Nhì (Ảnh: Hương Giang) |
Ngoài trời, mưa vẫn rơi nặng hạt, không khí cũng ngày càng lạnh hơn. Nhưng bên trong ngôi nhà ấm cúng, cả đoàn công tác chúng tôi cùng gia đình anh bí thư xã vẫn vui vẻ trò chuyện. Bia Hà Nhì vẫn đều đặn rót ra, chị chủ nhà vẫn khuôn mặt hiền hậu và tôi thật muốn ở lại nơi đây lâu hơn chút nữa.