Tết Nguyên Đán được người Giáy gọi là “
Xiêng láo”, nghĩa là là tết to, tết cả, là tết quan trọng nhất của năm.
Xiêng láo đối với người Giáy rất thiêng liêng, đó là ngày gia đình sum họp, cả nhà vui vầy bên mâm cơm đầm ấm và cũng là ngày được nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm lao động vất vả.
|
Đồng bào người Giáy làm bánh trưng đón tết (ảnh: Kim Anh) |
Người Giáy bắt đầu ăn tết này từ ngày gia đình mổ lợn, thường là mổ vào ngày 28 hoặc 29 tháng Chạp. Để đón Tết, cả gia đình cùng quét dọn, sửa sang nhà cửa, chuẩn bị củi, mua sắm vật dụng và may quần áo mới trang trí lại nhà cửa và bàn thờ tổ tiên. Theo quan niệm, ngày Tết trong nhà phải sạch sẽ thì cả năm gặp nhiều may mắn. Các bà, các chị chuẩn bị lợn, gà, vịt chế biến nhiều món ăn và làm nhiều bánh trái như bánh chưng, bánh khảo, bánh bỏng truyền thống. Người Giáy không gói bánh chưng vuông mà gói bánh gù. Đây là loại bánh không thể thiếu được trong cúng tất niên của gia đình. Người Giáy có 5 lần cúng tổ tiên trong tháng Giêng, đó là ngày mổ lợn, chiều 30 tết, ngày tiễn ông bà tổ tiên, rằm tháng Giêng và ngày 29 tháng Giêng – còn gọi là tết nhỏ, hay cái lễ để kết thúc tết Nguyên Đán. Sáng mồng Một của
Xiêng Láo, khi gà gáy canh đầu tiên, người ta dậy thắp hương đốt tiền vàng ở thùng hứng nước hoặc ở thành giếng để mua nước mới về đun pha trà, rửa ấm chén, rửa mặt và cúng ông bà tổ tiên, sau đó lấy giấy đỏ, vải đỏ đi dán, buộc tất cả vật dụng trong nhà, công cụ lao động và cây quả... với ý nghĩa là mọi vật đều được ăn tết. Ngày tiễn ông bà tổ tiên của người Giáy (người Kinh gọi là hóa vàng) thì người Giáy hóa vàng tùy theo từng dòng họ như: họ Hoàng, họ Vàng, họ Lý, họ Nông thì hóa chiều mùng 1; họ Đào hóa mùng 2; họ Sần, họ Vạn hóa mùng 3. Ngày hóa vàng và ngày mổ lợn là hai ngày để mời khách đến vui chơi và ăn uống hát hò. Người Giáy quan niệm ngày mùng một là ngày đầu tháng, đầu năm nên không muốn cho con gái vào nhà nếu chưa có con trai vào, khi vào nhà người ta phải đọc câu chúc phúc đến gia chủ và gia chủ chúc lại. Tết của người Giáy kéo dài hết tháng Giêng, ngày tết người Giáy không đi lao động và chưa qua rằm không được đi lấy lửa nhà khác, không được quét nhà, đổ rác khi chưa hóa vàng. Nhưng ngày nay, do công việc và lối sống hiện đại sau khi hóa vàng người ta cũng đi làm và qua rằm tháng Giêng thì đã trở lại làm việc bình thường.
Cái chung nhất trong những ngày tết ở nhà đồng bào Giáy là lịch sự, không nói tục chửi bậy, không đánh cãi nhau. Mọi người vui vẻ, tôn trọng lẫn nhau, có vướng mắc gì thì vì là tết nên đều bỏ qua cho nhau.
Những phong tục của người Giáy trong ngày tết không quá màu mè, đặc sắc mà dung dị, giản đơn chứa đựng mong muốn về một cuộc sống ấm no, hài hòa. Hãy cùng đến thưởng thức và cảm nhận con người nơi đây!