(06/01/2017) Phong tục đón tết của người H’Mông ở Lào Cai
Mỗi dịp Xuân về, bà con dân tộc H’Mông ở Lào Cai lại náo nức chuẩn bị cho mình những bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất, trang hoàng nhà cửa, bàn thờ tổ tiên theo phong tục đón Tết cổ truyền của dân tộc
Dân tộc H’Mông ở Lào Cai cũng tổ chức ăn tết nguyên đán hàng năm như người người Kinh,, nhưng có một điều khác biệt đó là: Tinh thần chuẩn bị tết nguyên đán được người H’Mông chuẩn bị ngay từ đầu tháng Chạp âm lịch. Tết của người H’Mông được coi như thời điểm nghỉ ngơi và hưởng thụ thành quả lao động trong một năm nên được chuẩn bị rất chu đáo, thời gian ăn Tết cũng chỉ kéo dài trong 3 ngày nhưng trước đó cả một tháng, khắp bản làng đã rộn rã không khí đông vui, háo hức cho những công việc chuẩn bị Tết, mỗi người một việc. Đàn ông chuẩn bị mổ lợn, bắt những con gà ngon nhất hay sửa lại vách nhà, đàn bà thêu thùa váy áo để có quần áo đẹp mặc trong những ngày Tết.
Đi chợ mua sắm chuẩn bị tết
Theo lời của bà Châu Thị Me (thôn Giàng Tra – xã Tả Phìn – Sa Pa) về phong tục người H’Mông, trước khi làm lễ cúng ngày Tết, chủ nhà sẽ đích thân lau dọn nhà cửa bằng chổi tre, tất cả mạng nhện hay bụi bẩn trong nhà đều được cuốn đi và sau khi quét dọn xong người ta cũng bỏ luôn chiếc chổi đi với ý nghĩa loại bỏ tất cả những phiền muộn, chưa may mắn của năm cũ để chào đón một năm mới với nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn. Bên cạnh đó, họ còn lau rửa thật sạch những dụng cụ nông nghiệp sử dụng hàng ngày như cày, cuốc, dao phát và để dưới bàn thờ từ ngày 30 đến hết ngày mùng 3 Tết, họ dán lên những dụng cụ này những tờ giấy màu vàng và màu đỏ với quan niệm rằng không chỉ con người mà tất cả những vật dụng ở trong nhà cũng được mặc “áo mới” cho năm mới.
Cuốc xẻng được rửa sạch sẽ, dán giấy đỏ để nghỉ ăn tết như con người
Dọn dẹp nhà cửa xong đâu đấy, người H’Mông tất bật chuẩn bị mâm cúng lễ. Mâm cúng trong lễ giao thừa của một số dòng họ người H’Mông ở Sa Pa thường chỉ có một con gà trống, họ không cúng cơm canh hay những thức ăn khác. Trong khi cúng, người H’Mông cũng có phong tục đốt tiền vàng như người Kinh nhưng loại giấy của người H’Mông là một loại giấy bản dày và xù xì, người chủ nhà cúng vái bằng tiếng H’Mông, cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Phụ nữ Mông chuẩn bị bánh dày để ăn tết
Với người H’Mông ở Si Ma Cai, ngày thường, nấu cơm là nhiệm vụ của đàn bà con gái, nhưng sáng mùng Một Tết, đàn ông phải dậy nấu cơm và làm mọi việc. Cái lý của người H’Mông, nói như nghệ nhân Hoàng Chúng: “Khi đẻ ra một đứa con trai, mình mang cái rau rốn chôn ngay vào cột nhà, nếu con gái thì mình mang rau rốn chôn vào cột giường. Nên con trai là trụ của gia đình. Vì thế, tất cả mọi việc trong gia đình, người con trai phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm”.
Người H’Mông kiêng không ăn các loại rau vào ngày mùng Một với suy nghĩ ngày đầu năm đã ăn rau thì coi như cả năm đấy mình chỉ có rau mà ăn thôi, không giàu sang được. Tết đến, cũng không được thổi lửa, huýt sáo. Làm thế có khác nào “gọi” gió bão về, năm ấy sẽ gió lớn, hoa màu đổ gãy hết. Sáng sớm mùng Một Tết, ai dậy thì cứ âm thầm mà dậy, không được gọi nhau, vì tục của người H’Mông cho rằng nếu gọi nhau sáng mồng một tết, sâu bọ nghe thấy sẽ đồng loạt “nhỏm dậy” phá hoại ngô, lúa.
Trong ngày mùng Một Tết, người H’Mông đen ở Sa Pa kiêng không đến chơi nhà người khác, nếu có đi chơi thì cũng là chơi ngoài đường. Còn ngày mùng Hai và mùng Ba họ mới được thoải mái đến thăm họ hàng, làng xóm. Khi về người chủ nhà sẽ cho mỗi gia đình một miếng thịt và bánh dày với mong muốn chúc cho người khách được may mắn, mạnh khỏe.
Từ ngày mùng Bốn, người H’Mông mới bắt đầu chơi Tết. Những bộ váy, áo đẹp nhất sẽ được con gái, phụ nữ đem ra trưng diện. Giữa khí xuân mơn man khắp đất trời, giữa sắc màu e ấp của hoa mơ, hoa mận, những bộ váy áo rực rỡ càng trở nên nổi bật, tiếng đồng bạc, đồng xu trên bộ trang phục truyền thống kêu leng keng, vang vọng giữa núi rừng...Vạn vật giữa chốn đại ngàn như bừng tỉnh trong mùa xuân của trời đất.
Hương Giang
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn