Phong tục đón tết của người dân tộc Tày xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, Lào Cai
Dịp Tết Bính Thân năm nay, hãy cùng chúng tôi đến với xã Bản Hồ, để thưởng thức và trải nghiệm một cái tết đặc biệt với đồng bào người Tày nơi đây. Đối với người Tày ở xã Bản Hồ, tết Nguyên Đán là lễ tết quan trọng nhất trong năm, là dịp để đoàn tụ quây quần bên gia đình. Mặc dù cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi, nhưng hầu hết phong tục ngày Tết của người Tày nơi đây vẫn được bảo tồn và gìn giữ gần như nguyên vẹn. 

Người Tày ở Bản Hồ huyện Sa Pa ăn tết trùng với Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc. Những ngày cuối tháng Chạp, để chuẩn bị đón tết, từ đầu làng đến cuối xóm, nhà ai cũng được quét dọn sạch sẽ, trang hoàng để đón một năm mới nhiều tài lộc.

Bàn thờ truyền thống của người Tày (ảnh: Kim Anh)

Một trong các nghi thức ngày Tết của người Tày Bản Hồ là tục mổ lợn, đây là phong tục được người Tày duy trì từ lâu. Mặc dù ngày nay đã có chợ và thịt lợn vẫn được bán vào dịp tết, nhưng các gia đình người Tày ở Bản Hồ dù khó khăn đến mấy, vẫn cố gắng nuôi cho nhà mình một con lợn để mổ ăn tết. Từ sau rằm tháng Bảy, nhà nào cũng cố gắng nuôi lấy con lợn béo, trồng rau, trồng đỗ, trồng lạc, chuẩn bị gạo nếp, gạo tẻ để gói bánh, nấu rượu, đồ xôi. Ngày 29 tháng Chạp được dân làng chọn là ngày mổ lợn, gói bánh chưng và cũng là ngày cúng mời tổ tiên về ăn tết với con cháu. Ở Bản Hồ ngày nay vẫn còn duy trì tục ăn đụng lợn vào dịp tết . Người ta tập trung để mổ lợn giúp nhau, xong nhà này lại chuyển sang nhà khác. Cứ như thế, không khí tấp nập chuẩn bị đón tết càng được nhân lên. Nghi thức cúng  trong ngày tết thì cúng gia tiên chiều tối 30 và sáng mùng 1 tết là nghi thức quan trọng nhất của người Tày. Vì thế, tết là những ngày bận rộn nhất. Vào thời khắc giao thừa đón năm mới, người Tày sẽ thắp nén hương thơm, dâng rượu lên ban thờ gia tiên, Chủ nhà sẽ dâng lên ban thờ gia tiên những lễ vật như: bánh chưng gù, con gà, thịt lợn, xôi đỏ, rượu, kẹo, mứt, hoa quả…. Với ý nghĩa cầu mong năm mới đầy đủ, sung túc. sau đó rót rượu mời và chúc ông bà cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi. Ông bà cha mẹ mừng tuổi, dặn dò con cháu đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Ngày mùng hai tết, người Tày có tục sang chúc tết ông bà nội ngoại, họ hàng, làng xóm. Những chàng rể mới phải lo “đi tái” (đi thăm nhà) bố mẹ vợ với đồ lễ là các loại bánh trái, một đôi gà đủ trống - mái. Mỗi gia đình đều có lệ mời chén rượu nồng khi khách tới chúc tết, người được mời phải uống cạn, coi đó là lộc đầu năm.
Thông thường, vào mồng ba tết, người Tày tiễn tổ tiên bằng lễ hóa vàng, như phong tục của người Kinh; tuy vậy, theo lời kể của bà Hoàng Thị Hạt, ở thôn Bản Dền xã Bản Hồ huyện Sa Pa, thì dân tộc Tày không hóa vàng cùng ngày hay chọn ngày tốt giống người đa số mà tùy thuộc vào từng dòng với họ Hoàng, họ Vàng, họ Lù, họ Lò thì hóa vàng chiều mùng 1 tết, còn họ Nông, họ Đào, họ Lý lại hóa vàng chiều mùng 2 tết. Họ thực hiện nghi lễ này sớm bởi người Tày quan niệm hóa vàng sớm thì tổ tiên mới có tiền để đi chơi tết.
Ngày tết của người Tày kéo dài hết tháng Giêng, họ đi chơi chúc tụng nhau một năm mới an lành, hạnh phúc. Trong tháng Giêng dân làng sẽ nhờ thầy cúng chọn ngày tốt để tổ chức lễ hội xuống đồng để cầu  một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đây cũng là dịp để dân làng được giao lưu múa hát vui vầy.
Nếu đến thăm bản làng trong dịp xuân này, xin dừng chân lại và cùng tận hưởng không khí đón tết mộc mạc nơi đây, nhận cái tình nồng ấm của bà con người Tày trong những ngày đào nở rực rỡ một góc trời.
Kim Anh
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn