(20/01/2021) Đặc sắc Lễ hội đón xuân của người dân tộc thiểu số ở Lào Cai
Mùa xuân, mùa lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc Lào Cai nơi không chỉ có cảnh quan thiên nhiên đẹp hấp dẫn mà bản sắc văn hóa còn được thể hiện trong các lễ hội đầu xuân như lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông, lễ hội xuống đồng của đồng bào dân tộc Giáy, dân tộc Tày, lễ nhảy lửa của dân tộc Dao…

Đầu năm du xuân tới thăm bản làng các dân tộc thiểu số Lào Cai bạn sẽ không chỉ bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp thơ mộng, hoang sơ của các bản làng giữa núi non trùng điệp, những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn uốn lượn …mà còn tò mò trước các lễ hội đặc sắc, vui nhộn và mang đậm nét truyền thống.

Y Tý mùa xuân
Lễ hội Roóng Poọc - Lễ hội xuống đồng của người Giáy Tả Van – Sa Pa
Lễ hội diễn ra vào ngày Thìn đầu tiên của tháng giêng là ngày người dân tộc Giáy  Tả Van - Sa Pa mở hội xuân Roóng Poọc. Khu vực khai hội Roóng Poọc thường ở mảnh ruộng rộng bằng phẳng hoặc bãi đất bằng bên dòng suối Mường Hoa đẹp nhất vùng cao Sa Pa. Mở đầu lễ hội Roóng Poọc già làng nổi hồi chiêng cổ cùng với dàn khèn Pí Lè tấu khúc nhạc vui chào xuân mới đang đến và mừng khách hiền từ bản trên, làng dưới tới dự hội xuống đồng đầu năm.
Một cây nêu cao to được trai bản chọn từ cây tre rừng đẹp nhất mang về dựng giữa trung tâm lễ hội Roóng Poọc và cây nêu chỉ được hạ xuống khi lễ hội dừng vui khi hoàng hôn trong ngày buông dần xuống núi.
Già làng cùng đại diện chính quyền xã Tả Van làm lễ dâng hương bên mâm cúng theo phong tục cổ truyền của người dân tộc Giáy để tạ ơn trời đất, thần linh đã mạng lại phồn thịnh, hạnh phúc cho bản làng.
Tết Nhảy dân tộc Dao đỏ
Tết nhảy là lễ hội quan trọng và được chuẩn bị khá công phu của người Dao trước tết, nam thanh niên ôn luyện các điệu nhảy múa. Các thiếu nữ lo nhuộm chàm, thêu áo mới. Lễ Tết nhảy thường diễn ra ở nhà ông trưởng họ và các thành viên trong họ đều tấp nập đến giúp trưởng họ chuẩn bị Tết nhất là khu vực Bàn thờ được trang trí rực rỡ với nhiều sắc, hoa văn theo truyền thống.
Sáng sớm ngày mùng một hoặc mùng hai tùy từng dòng họ, khi sương đêm vẫn còn đọng trên cành lá, những bông hoa đào hoa mận chưa kịp đón ánh nắng mặt trời, cả gia đình ông trưởng họ đều tệ tựu quanh bàn thờ làm lễ. Sau lễ trình báo tổ tiên, thầy cúng và các phụ lễ nhảy 14 điệu nhảy. Mỗi điệu nhảy lại thể hiện những động tác khác nhau và đều có tính biểu tượng cao. Khi nhảy bao giờ cũng phải nhảy lò cò một chân. Nhảy hết một vòng tròn, nhảy quay lại bàn thờ để lạy tạ. Kết thúc các điệu nhảy, cả dòng họ làm lễ rước tổ tiên.

 Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông Sa Pa
Lễ hội Gầu Tào ở San Sả Hồ chỉ khai hội vào đầu mùa xuân. Nếu như ở nơi khác, lễ hội Gầu Tào do một gia đình có nhu cầu sinh con được dân bản chọn ra làm chủ hội thì ở xã San Sả Hồ lâu nay lễ hội Gầu Tào do chính quyền xã đứng ra tổ chức nên thu hút đông người tới dự hơn. Gầu Tào” tiếng Mông nghĩa là “chơi ngoài trời”. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của người Mông. Trong truyền thuyết, những ai không có con hoặc con bị ốm đau thì gia đình sẽ tổ chức cúng thần núi và xin làng tổ chức lễ hội Gầu Tào. “Gầu Tào” với mục đích là cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ ban cho gia đình sự khỏe mạnh, thịnh vượng, cầu phúc, cầu lộc ban cho dân bản, mở hội tạ ơn trời đất, núi sông đã ban cho tài lộc, mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng… Đây cũng là dịp để bà con trong bản tụ họp, vui chơi chuẩn bị bước vào một năm mới, một mùa canh tác mới.

Hội Gầu Tào là hội xuân vui nhất của người Mông
Hội xuân hát giao duyên của người Dao Đỏ Tả Phìn
Tả Phìn là điểm đến hấp dẫn của du khách khi tới thăm, nơi đây mỗi mùa xuân về lại diễn ra lễ hội hát giao duyên giữa các chàng trai tài giỏi làm nương với các cô gái khéo tay thêu thùa váy áo. Qua hội hát giao duyên Tả Phìn đầu xuân nhiều nam thanh , nữ tú đã nên vợ nên chồng. Vì thế hát giao duyên của thanh niên dân tộc Dao đỏ là một phần không thể thiếu của hội xuân Tả Phìn mỗi khi năm mới về. Dự hội xuân hát giao duyên Tả Phìn du khách sẽ còn được khám phá phong tục độc đáo của người Dao đỏ qua các màn trình diễn tái hiện lại cảnh rước dâu hay nghi lễ cấp sắc nhiều đèn dành cho nam thanh niên tới tuổi trưởng thành.
Từ nhiều năm qua, các lễ hội đầu xuân đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của đồng bào. Với mỗi lễ hội, ý nghĩa chủ đạo vẫn là cầu phúc, cầu mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, no ấm. Lễ vật được bày biện, dâng cúng trong lễ hội cũng không cầu kỳ mà thường là những sản vật do bà con tự sản xuất được như: gà, lợn, lúa, ngô, trứng, măng. Đặc biệt, trong những ngày lễ hội, thường diễn ra các trò chơi dân gian cổ truyền như: ném còn, bịt mắt bắt dê, hát lượn, múa khốn, múa ụ, chơi cầu lông gà, hát ống, hát dân ca, đua ngựa, bắn nỏ... Trong đó, người dân chính là những chủ thể trực tiếp tham gia chơi và tranh giải.
Với sự hấp dẫn cùng tín ngưỡng tâm linh, những lễ hội vùng đồng bào dân tộc luôn được tổ chức rất trọng thể, là điểm hẹn và sự mong đợi của đông đảo bà con ở địa phương diễn ra trong mùa lễ hội.
Kim Anh (ảnh: Dương Toản)
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn