(31/03/2021) Bàn thờ của thầy cúng người Mông ở Sa Pa
Người Mông ở Sa Pa có một nền văn hóa hết sức phong phú và đa dạng, thể hiện rất rõ nét trong văn hóa tinh thần, tín ngưỡng, phong tục tập quán. Đời sống tâm linh của họ được tái hiện một cách sinh động qua bàn thờ của các thầy cúng.
Đối với người Mông vai trò của thầy cúng rất quan trọng. Đó là người hiểu rõ được lịch sử, phong tục, tập quán truyền thống của tộc người, là người khám chữa bệnh cho dân; trong một số trường hợp, thầy cúng còn là người đưa ra những ý kiến cuối cùng mang tính chất quyết định những công việc quan trọng của cộng đồng. Họ phải mời thầy cúng làm lễ vào các dịp trọng đại hay lễ Tết tháng Giêng, cúng ma khi có người mất hoặc đám cưới như một thủ tục bắt buộc. Bàn thờ thầy cúng của người Mông có vẽ các hình ảnh con vật như chim, hổ báo, các loài cá với ý nghĩa thầy cúng có thể đi qua được cả 3 thế giới quyền năng: trên trời, ở cạn và dưới nước. Trên ban thờ của thầy cúng có rất nhiều tờ giấy màu đỏ, trắng, vàng, tím cắt các hình hoa văn của người Mông: ở chính giữa là một hình vuông, xung quanh có tám tia là hình các thoi từ to đến nhỏ toả dần về các hướng khác nhau như những tia sáng mặt trời. Bàn thờ của thầy cúng cũng tương tự như trong các gia đình người Mông, khác một chút là bên phải và bên trái bàn thờ chính có 2 bàn thờ nhỏ là bàn thờ thuốc nam. Khi có người ốm đau, thầy cúng sẽ làm lễ trên bàn thờ này (vì thầy cúng của người Mông thường kiêm nghề làm thuốc chữa bệnh). Trên bàn thờ còn có một cây xúc xắc, họ quan niệm người Mông hay đi ngựa và khi rung cây xúc xắc tạo ra âm thanh như tiếng vó ngựa đưa họ về với tổ tiên, và một cành trúc nhỏ dùng để đuổi tà ma và được truyền lại từ đời trước chứ không được phép lấy cành mới.

Bàn thờ người Mông (ảnh: Mạnh Cường)
Những đồ trang trí trên bàn thờ được bày biện quanh năm, không được phép dịch chuyển. Người Mông không có quan niệm về thần Bếp và ngày 23 tháng Chạp như nhiều tộc người khác phải đến ngày 30 tháng Chạp thầy cúng mới được dọn dẹp bàn thờ và đem hóa. Từ ngày mồng 1 đến mồng 5 Tết chỉ cúng bàn thờ không, sau đó mới dán lại giấy và đặt đồ lễ mới. Ngoài ra, đồ nghề của thầy cúng còn có một số thứ không bày trên ban thờ như trống, mấy cặp ngọn sừng trâu cưa đôi được dùng như đồng tiền gieo quẻ sấp ngửa của người Việt.
Thầy cúng có vai trò đặc biệt trong cộng đồng người Mông và tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc này đều có ý nghĩa tâm linh riêng, mang nhiều giá trị văn hóa đặc sắc mà chắc chắn bất cứ ai cũng sẽ rất hiếu kỳ khi có dịp tham quan ngôi nhà thầy cúng người Mông.
Phương Chi
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn