Giống cây Thảo quả (Nguồn ảnh: Sưu tầm)
1.Đặc điểm
Thảo quả có hình dáng giống cây gừng nhưng cao và to hơn gừng nhiều lần. Thảo quả sống lâu năm, có thể cao khoảng 2,5 – 3 m. Rễ thân mọc ngang, có đốt, đường kính khoảng 2,5 – 4 cm, vỏ ngoài có màu hồng, ở giữa màu trắng nhạt, có mùi thơm.
Lá thảo quả mọc so le , mặt lá màu xanh sẫm, phía dưới xanh nhạt hơn. Bẹ lá có nhiều khía dọc. Mỗi phiến lá dài khoảng 50 – 70 cm.
Hoa Thảo quả thường mọc thành cụm ở gốc. Cụm hoa thường dài khoảng 13 – 20 cm, có màu đỏ nhạt. Mỗi bông hoa có thể cho ra nhiều quả, quả chín có màu đỏ nâu, dài khoảng 2,5 – 4 cm, rộng 1,5 – 2 cm. Vỏ quả dày 5 mm, chia thành 3 ô, mỗi ô có khoảng 7 – 8 hạt hình tháp, ép sát vào nhau, mùi thơm.
Quả thảo quả (Nguồn ảnh: Sưu tầm)
2.Phân bố
Thảo quả thường mọc hoang ở Ấn Độ, miền nam Trung Quốc, Campuchia, Nepan, miền bắc Việt Nam,…
Tại nước ta, Thảo quả được tìm thấy ở khu vực Tây Bắc, Hoàng Liên Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu,…
3. Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng làm thuốc: Quả.
Thu hái: Thu hái lúc quả chưa chín, mang về phơi khô hoặc sấy trên lửa nhỏ để khô. Thời gian sấy khô khoảng 3 – 4 ngày. Thảo quả khô sẽ chuyển sang màu nâu xám nhạt, vỏ quả có nhiều nếp nhăn dọc theo và thường phủ một lớp phần trắng bên ngoài vỏ.
4.Thành phần hóa học
Thành phần hóa học chủ yếu của Thảo quả bao gồm: Phospho, Vitamin C, khoáng chất đồng, chất sắt, kẽm, tinh dầu, chất xơ, carbohydrate, protein,…
Thảo quả chứa 1 – 3% tinh dầu. Tinh dầu màu vàng nhạt có mùi thơm, ngọt, vị nóng, cay nhưng dễ chịu.
5. Tác dụng
* Đối với ẩm thực
Thảo quả là một gia vị không thể thiếu để tạo nên hương vị đậm đà của nhiều món ăn. Quả thảo quả dùng nấu nước phở bò sẽ tạo nên hương vị đặc trưng hấp dẫn thực khách, khiến món ăn này trở thành “quốc hồn” ẩm thực Việt.
Thảo quả là một trong những gia vị tạo nên sự thơm ngon của nước dùng phở
(Nguồn ảnh: Sưu tầm)
* Đối với sức khỏe
- Theo y học cổ truyền
Theo Đông y, Thảo quả vị cay, tính ấm, không độc, vào hai kinh Tỳ và Vị. Có tác dụng táo thấp, trừ đờm, tiêu thực, trừ đầy trướng, chữa sốt rét, trừ khí độc ôn dịch.
Ngoài ra, còn làm ấm Tỳ Vị, khỏi nôn mửa, ích nguyên khí, trị chứng hàn thấp, hàn đờm, giải được rượu độc, trị đau bụng và trừ hôi miệng.
- Theo y học hiện đại: Thảo quả có các tác dụng như: làm ấm bụng; Lợi vị giác, giúp ăn ngon miệng hơn; Trừ đờm; Trục hàn; Tiêu tích; Giải độc; Kích thích hệ thống tiêu hóa; Điều trị chướng bụng; Chữa nóng, sốt, ho; Điều trị bệnh tiêu chảy…