(08/04/2021) Đôi nét về đạo Mẫu ở Việt Nam và sự gắn bó của văn hóa - tín ngưỡng đạo Mẫu với du lịch Lào Cai
Bắt nguồn từ quá trình đấu tranh, môi trường sống nên người Việt có tục thờ danh nhân, anh hùng và tín ngưỡng thờ dân gian kèm theo là tục lệ cúng tế và lễ hội như: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ quốc tổ Hùng Vương, thờ thành Hoàng làng, thờ Mẫu và thờ Tứ bất tử. Có những tín ngưỡng đã xuất hiện từ hàng nghìn năm trước (tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên), cũng có tín ngưỡng mới xuất hiện chỉ vài trăm năm như tín ngưỡng thờ Mẫu. Đó là các tín ngưỡng thuần Việt, từ dân gian, không phải là sự du nhập thần linh, sự vay mượn về văn hóa trong cách hành lễ. Tuy về sau có sự thay đổi do ảnh hưởng của các tôn giáo ngoại nhập, song tín ngưỡng thờ thì mãi mãi không bao giờ thay đổi.
Hình ảnh Mẫu Thượng Thiên qua tranh Đông Hồ
Tục thờ Mẫu ở Việt Nam bắt nguồn từ tục thờ Mẹ lúa, Mẹ rừng, thể hiện tín ngưỡng xuất phát của nền văn hóa lúa nước gắn liền với cư dân nông nghiệp. Thờ Mẫu thường có thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Tứ phủ công đồng: Mẫu Cửu Trùng, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Liễu Hạnh công chúa cùng các cô, các cậu. Đi đôi với tín ngưỡng thờ Mẫu còn có tục hầu đồng – một lối sinh hoạt tâm linh đậm nét văn hóa nghệ thuật ca, múa, nhạc dân gian mang tính đồng cốt – một loại hình tín ngưỡng tâm linh cần được bảo tồn và phục dựng. Tín ngưỡng thờ Mẫu được người dân Việt thờ từ Bắc tới Nam, có nơi thờ là đền và phủ, có nơi thờ chung trong chùa ở một vị trí khác nơi thờ Phật. Là một bộ phận và là phên dậu của văn hóa nước Việt Nam nên tín ngưỡng thờ Mẫu của đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai không phải là một ngoại lệ.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ
Trong tín ngưỡng đạo Mẫu, có một hệ thống thần linh đông đảo trong đó chủ yếu là phúc thần, theo thứ bậc cao nhất là Ngọc Hoàng Thượng Đế, tiếp đó là Phật Bà Quan Âm; Tam Tòa Thánh Mẫu (Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải, Mẫu Nhạc), rồi tới các hàng Quan lớn (Ngũ vị Quan lớn, từ 5 đến 10 vị), hàng Chầu bà (Tứ vị Chầu Bà, thường là 4-6-12 Chầu Bà), rồi tới Ông Hoàng (từ 5 tới 10 ông Hoàng), hàng Cô (12 Cô); hàng Cậu (10 Cậu); hàng Ngũ Hổ (tượng trưng cho ngũ hành) và Ông Lốt (rắn).
Trang phục sử dụng trong thực hành nghi lễ dân gian tại Liên hoan hát chầu văn năm 2021 tại thị xã Sa Pa (Lào Cai)
Tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của NESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa dân chủ liên bang Ethiopia, di sản “cử hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại 21 tỉnh thành phố của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận, ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lào Cai vinh dự là một trong số 21 trung tâm thờ Mẫu tiêu biểu của Việt Nam với hệ thống đền Bảo Hà, đền Cô Tân An, đền Đôi cô Cam Đường.
Năm 2021, Lào Cai lần đầu tiên Tuần lễ hội đền Mẫu Thượng (từ ngày 9 đến 14/4) với nhiều hoạt động đặc sắc. Trong tuần Lễ hội đền Mẫu Thượng năm 2021, thị xã Sa Pa sẽ giới thiệu các không gian trình diễn tín ngường thờ Mẫu của Việt Nam, hệ thống đền Mẫu và tín ngưỡng thờ Mẫu tại Lào Cai và Sa Pa; giới thiệu các trang phục và hiện vật phục vụ tín ngưỡng thờ Mẫu các vùng miền Việt Nam... Tuần lễ hội đền Mẫu Thượng với nhiều sự kiện hấp dẫn như Liên hoan Chầu văn, Lễ hội đường phố các dân tộc Sa Pa và Đạo Mẫu; Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, lễ tế dân gian… với sự có mặt của các nghệ nhân dân gian đến từ Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam.