THỔ CẨM NGÀY XUÂN
Những ngày gần Tết, sương mù đặc quánh trên những con đèo uốn lượn bên sườn núi, lạnh đến thấu xương nhưng có một sắc màu mới bởi mùa xuân đang về. Dọc trên con đường, du khách đã nhận thấy mùa xuân hiện diện. Những làn mưa lất phất không ướt đầu càng làm cho khung cảnh thêm mờ ảo, quyến rũ. Trên những sườn núi hoa mận, hoa đào đua nhau khoe sắc. Núi rừng như khoác trên mình tấm áo mới để đón xuân về. Tết gần đến xuân đang về, trên khắp các bản làng không chỉ có hoa mận, hoa đào bung nở mà còn có hình ảnh các bà, các mẹ đang khẩn trương thêu khâu quần áo chuẩn bị đón tết. 

Những ngày cuối năm, tuy lạnh nhưng ở các bản của người Mông, người Dao nhộn nhịp hẳn lên bởi không khí chuẩn bị đón tết.  Những ngày này, đến với các bản của đồng bào Mông chúng ta đều dễ bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ ngồi  thêu hoa. Họ đang tranh thủ những ngày nông nhàn để hoàn thiện bộ váy áo cho các thành viên trong gia đình trước khi đón một năm mới hạnh phúc và no ấm. Những đôi tay khéo léo như múa trên tấm vải để cho ra đời những hình hoa văn. Với người phụ nữ Mông, Dao không phải cứ đến gần tết người ta mới thêu khâu quần áo. Mà quá trình đó diễn ra trong cả năm. Bất cứ khi nào rảnh rỗi là họ lại bỏ vải ra thêu, lúc giả lao, đi chăn trâu, hay đi trên đường, đôi tay người phụ nữ không ngừng nghỉ. Gần đến tết thì không khí chuẩn bị váy áo càng sôi động hơn. Ai cũng muốn làm cho mình những bộ quần áo thật vưà, có hình thêu thật đẹp. Những bà, những mẹ đã có gia đình còn phải gánh thêm trách nhiệm làm quần áo cho chồng, cho con. Vào khoảng tháng 10 sau khi thu hoạch lúa, người phụ nữ nào cũng cố gắng tập trung thêu khâu quần áo chuẩn bị đón tết. Những ngày gần tết mà chưa xong, họ được những người chồng giúp đỡ nấu cơm, chăm con để chỉ tập trung vào việc khâu thêu. Ngày nay, có thêm sự hỗ trợ của những chiếc máy khâu nên việc khâu quần áo được dễ dàng hơn. 

Không chỉ tạo hình hoa văn bằng thêu, người Mông còn có cách tạo hoa văn độc đáo bằng cách in và vẽ sáp ong. Sau khi dệt được tấm vải trắng, người ta vẽ các hình hoa văn bằng sáp ong lên vải sau đó mang đi nhuộm. Khi giặt, phơi sáp ong trôi đi để lộ ra hình hoa văn màu trắng trên nền vải chàm. Sự tỉ mỉ, cẩn thận cầm bút vẽ từng nét một khiến cho ta cảm giác như những người nghệ sĩ đích thực. Khi hoàn thành xong một bộ quần áo nét mặt ai cũng rạng rỡ, tươi vui. Khách lạ đến nhà mà hỏi đến việc thêu thùa, ai cũng hào hứng khoe thành quả của mình.
            Tết đến ai cũng mong có quần áo mới. Nếu không có quần áo mới đi chơi tết sẽ bị bạn bè chê cười. Căn cứ vào việc thêu khâu quần áo mà người ta đánh giá phụ nữ có đảm đang, chăm chỉ hay không. Gặp nhau các chị em phụ nữ không chỉ trò chuyện việc nương rẫy, chuyện gia đình mà còn cùng nhau bình phẩm về các hình thêu, xem có đẹp không. Người nào thêu khéo, khâu giỏi luôn được khen ngợi và được để ý, chấm làm con dâu trong gia đình. Người Mông có câu “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/ Gái xinh chưa biết cầm kim là hư” để đánh giá phẩm chất của người phụ nữ thông qua việc thêu thùa. 
Phan Phượng
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn