Một số nghi lễ trong tết nguyên đán của người Dao tuyển ở Lào Cai
Tết Nguyên Đán là tết to nhất trong năm của người Dao Tuyển. Vào dịp này, người Dao Tuyển tổ chức các nghi lễ truyền thống để cầu mong cho mọi người có sức khoẻ, bình an, mùa màng phong đăng, dân bản ấm no.
Nghi lễ cúng tổ tiên và các vị thần ngày 30 tết
Sáng sớm ngày 30 tháng Chạp, tất cả các gia đình người Dao Tuyển đều tổ chức lễ cúng tổ tiên (cúng tam đại). Chủ nhà bày bánh trưng đen, 1 con gà trống luộc chín lên bàn thờ thắp hương khấn mời tổ tiên về ăn tết và phù hộ cho con cháu trong nhà được khỏe mạnh, làm ăn gặp nhiều thuận lợi.
Buổi chiều, họ chuẩn bị làm bánh mật để dâng cúng Ngọc Vương, Bàn Vương, và bà Mụ. Mỗi thần có vai trò riêng trong từng lĩnh vực của đời sống. Ngọc Vương phù hộ cho các thành viên trong gia đình được mạnh khoẻ, các vật nuôi không bị bệnh tật; Bàn Vương phù hộ cho gia đình gặp may mắn trong làm ăn và đi xa; Còn bà Mụ phù hộ cho con trẻ trong gia đình mạnh khoẻ...  Thời gian bắt đầu cúng các thần là thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Khi chưa có đồng hồ, người Dao Tuyển tính giờ theo tiếng gà gáy. Khi tiếng gà đầu tiên trong thôn vang lên, mỗi người làm một việc: quét nhà, lau bàn, rửa 9 cái chén... Ông chủ gia đình bày lễ vật thắp hương để cúng các thần. Lễ vật dâng cúng gồm có: 9 cái bánh mật, 6 chén chè, 3 chén rượu, giấy tiền, hương, rau cải, củ gừng. Theo tín ngưỡng lễ tết của người Dao Tuyển thì tất cả những lễ vật được bày lên để cúng  đều không được dính mỡ. Ông chủ nhà khấn mời các thần về hưởng lễ vật để phù hộ cho các thành viên trong gia đình mọi điều tốt lành, làm ăn gặp nhiều may mắn... Khi mời các thần về, chủ nhà cầm bát gạo đi ra phía ngoài cửa chính từ từ rắc gạo dần vào trong nhà để chỉ đường, dẫn đường cho các thần vào nhà. Cầu khấn xong, chủ nhà cầm chổi quét nhà với ý nghĩa tiễn năm cũ qua đi, rác được cho gọn vào 1 chiếc rổ để ở góc nhà. Sau đó, chủ nhà nổ 1 phát súng để đuổi ma quỷ ra khỏi nhà.
Tiếp theo, chủ nhà dọn lễ vật cúng thần rồi lấy tờ giấy bản dán vào phía trên giữa cửa chính (thẳng với bàn thờ). Tờ giấy được dán bằng bánh mật hoặc bánh trưng đen sau đó đốt 1 que hương và cắm xuyên qua tâm của tờ giấy vừa được dán lên cửa. Người Dao Tuyến cho rằng, làm như vậy sẽ ngăn được ma quỷ vào nhà. Chuồng nuôi gia súc gia cầm cũng được dán giấy bản để vật nuôi trong năm mới sẽ không bị bệnh dịch. Khi đã hoàn tất những nghi lễ trên mọi thành viên trong gia đình tập trung ăn uống chúc mừng năm mới.
Nghi lễ mua nước đầu năm
 Người Dao Tuyển dùng nước từ mạch ngầm trong lòng đất đưa lên hoặc trong vách núi chảy ra. Nước được dẫn về nhà bằng cây mai bổ làm đôi. Họ cho rằng nước đó là của các thần nên đầu năm phải đi mua nước của các thần thì mới không bị dịch bệnh cho người và các vật nuôi. Sáng sớm ngày mùng Một tết, chủ nhà mang hương, giấy vàng và hai cái bát, trong đó, một bát đựng nước mang từ trong nhà ra - đây là bát nước năm cũ, khi ra đến ngoài bờ suối hay mạch nước thì lẳng lặng ngồi và đặt bát nước cũ, giấy vàng, đốt hương cắm bên cạnh rồi múc một bát nước mới khấn xin thần nước, với ý: “ xin các thần phù hộ cho gia đình khoẻ mạnh, làm ăn chăn nuôi được nhiều may mắn, luôn có nguồn nước về nhà và về đồng ruộng, để người được uống nước mát, cây cối mùa màng được tốt tươi, gia đình sẽ không quên ơn thần nước, nay mời thần nước về nhà cùng ăn tết với gia đình....”
Sau đó, chủ nhà lấy hai bát nước cầm lên xem bát nào nặng hơn, nếu bát nước mới nặng hơn thì gia đình năm đó sẽ được khoẻ mạnh may mắn, mùa màng không bị hạn hán, luôn có đủ nước dùng và ngược lại. Khấn xong, thì châm lửa đốt giấy vàng tiến cúng cho thần nước “pầu man” rồi cầm hai bát nước về đặt ở chân bàn thờ đến hết mấy ngày tết mới bỏ đi.
Nghi thức chúc tết 
Vào sáng mùng Một tết, con cháu phải đến chúc tết ông bà, bố mẹ, thầy cúng đi chúc tết sư phụ, hàng xóm chúc tết lẫn nhau.
Con đi chúc tết bố mẹ phải mang theo lễ vật gồm: một đôi gà (1 trống, 1 mái), một chai rượu để tỏ lòng hiếu với người sinh thành ra mình, với tổ tiên.
Người đi chúc tết hàng xóm phải là con trai (người chủ gia đình). Lễ vật đi chúc tết gồm: 1 chai rượu, khoảng 5 lạng thịt, 1 khẩu súng để bắn báo hiệu. Đến trước cửa nhà hàng xóm, người đi chúc tết quỳ và chúc chủ nhà mạnh khoẻ rồi nổ 1 phát súng kíp, chờ chủ nhà ra mở cửa mời vào nhà. Chủ nhà nấu cơm và dùng thịt của người đi chúc tết mang đến làm thức ăn để mời khách cùng nhau nâng chén rượu với những lời chúc tốt lành dành cho cả chủ và khách.
Nghi lễ cúng thần thổ địa
Buổi chiều ngày mùng Một, cả bản làm lễ cúng thần thổ địa. Chỉ đàn ông mới được tham gia lễ cúng này. Sau khi nghe tiếng hú của trưởng bản, những người chủ gia đình chuẩn bị một chiếc bánh mật, 1 tờ giấy bản, 1 que hương mang đến miếu làng để cúng thần thổ địa làng. Lễ vật mang theo được bày lên bàn thờ. Mọi người thắp hương khấn cầu thần thổ địa phù hộ cho cả làng gặp nhiều may mắn, chăn nuôi không dịch bệnh, mùa màng bội thu... Sau khi cúng thổ địa xong, lễ vật sẽ để lại đó và mọi người tập trung đến từng gia đình trong thôn bản chúc sức khoẻ rồi tiếp tục quay về chuẩn bị lễ vật để cúng thần thổ địa tại nhà chủ làng.
Nghi lễ săn thú biểu trưng đầu năm
Khi nghe tiếng hú của trưởng bản, những người chủ gia đình chuẩn bị 5 lạng thịt, nửa lít rượu và mang theo một khẩu súng đến tập trung tại nhà già làng. Mọi người ngồi quây lại thành vòng khép kín, vị trí theo chiều dọc của nhà, mặt hướng vào trong.
Tất cả bày lễ vật mình đem đến cúng các thần thổ địa của cả làng. Thầy cúng khấn với đại ý "Hôm nay ngày 1/1 các gia đình trong bản có lễ vật giấy tiền, hương dâng cho thần thổ địa. Xin phù hộ giúp cho dân bản năm nay được mùa...". Thầy cúng khấn xong ,mọi người đồng loạt nổ súng, sau đó cùng nhau uống rượu hân hoan. Người uống rượu đầu tiên là già làng nhưng già làng không uống chén rượu của mình mà uống chén rượu của người ngồi bên tay trái thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Khi già làng uống xong 1 chén rượu thì nổ 1 phát súng để tiễn năm cũ đi. Cứ như vậy hết hai vòng rượu, mọi người nhờ thầy cúng vẽ hình con hổ hoặc con nai vào tờ giấy bản rồi treo lên cái cột ở bãi đất trống gần nhà trưởng bản. Tất cả cầm súng xếp thành hàng, già làng đứng đầu hàng, mọi người bắn vào bức tranh vẽ hình con thú. Riêng thầy cúng sẽ không bắn, nếu ai bắn không trúng coi như năm ấy đi săn không gặp may mắn. Người cuối cùng bắn xong thầy cúng cùng với mọi người mang tranh con thú về nhà trưởng bản. Tranh con thú được đốt thành than, hoà tan vào bát nước và mỗi người uống 1 hớp để lấy hồn thú rừng.
Nghi lễ chọn cử thầy cúng
Cũng trong ngày mùng Một, tất cả thanh niên tập trung tại một gia đình đã được lựa chọn từ trước để tổ chức nghi lễ cử bói nhằm lựa chọn người thanh nhiên xuất sắc nhất để hành nghề thầy cúng phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng làng bản. Mỗi thành viên tham gia mang theo một ít tiền vàng và cùng nhau đóng góp mua lễ vật gồm: 1 con lợn khoảng 15 kg và 4 con gà làm lễ vật dâng cúng để có thể được nhìn thấy mặt các thần. Trong lễ cử bói, các thanh niên sẽ nhảy múa cùng với tiếng trống. Nếu người thanh niên trong lễ cử bói nhìn thấy mặt các thần sẽ phải chuẩn bị lễ để dâng cho sư phụ. Nghi lễ cử bói là nghi lễ cuối cùng trong ngày mùng Một tết của người Dao Tuyển.
Những nghi lễ truyền thống trên thể hiện một cách chân thực  đời sống kinh tế của cư dân nông nghiệp ở vùng cao. Đồng thời, nó thể hiện sâu sắc tính lịch sử, văn hoá của người Dao Tuyển. 
theo vanhoalaocai.vn
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn